Hành trình hơn 40 năm đi tìm hình của Bác Hồ

Trong suốt 40 năm qua, ông Nguyễn Đình Phong, thợ lái máy kéo ở Quảng Bình, đã miệt mài sưu tầm hơn 1.300 bức ảnh, tư liệu về Bác Hồ.
Những ngày tháng Năm lịch sử này, ngôi nhà nhỏ bình dị của gia đình ông Nguyễn Đình Phong (68 tuổi) ở thôn Tân An, xã Quảng Thanh, Quảng Trạch, Quảng Bình, như rộn rã, vui vẻ hẳn lên.

Nhiều người tìm tới nhà ông Phong để được “chiêm ngưỡng” hơn 1.300 bức ảnh, tư liệu về thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu. Kho tư liệu quý về vị Cha già dân tộc đã được ông Phong kỳ công, miệt mài sưu tầm suốt hơn 40 năm qua.

Nhà ông Phong nằm bên dòng sông Gianh hiền hòa, thơ mộng. Ấn tượng đầu tiên đọng lại trong chúng tôi là khi bước vào nhà nhìn thấy tấm ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được gia đình treo ở vị trí trang trọng nhất.

Trong làn khói trắng thoảng hương chè thơm đãi khách, ông Phong tâm sự, ông vốn là thợ lái máy kéo. Những năm đầu 60, phong trào “Gió Đại Phong” lan tỏa khắp miền Bắc, ông vinh dự được lái chiếc máy kéo mà Bác Hồ tặng cho Hợp tác xã Đại Phong (Lệ Thủy-Quảng Bình). Khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, ông lên đường nhập ngũ và hành trang gói gọn trong trái tim người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Đình Phong luôn là hình ảnh về Bác Hồ kính yêu.

Năm 1969 khi hay tin Bác mất, cũng như bao người con đất Việt, ông Phong đau xót vô cùng . Kể từ thời khắc ấy, lòng kính yêu vô hạn của người chiến sĩ cách mạng đối với Vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc thôi thúc ông bắt đầu công việc sưu tầm tư liệu về Bác. Rời quân ngũ, ông trở về đời thường với đôi tai nghễnh ngãng lúc nào cũng phải đeo máy trợ thính , mắt mờ đục do thương tích của chiến tranh. Bản thân ông Phong không có lương hưu.

Mặc dù cuộc sống gia đình gặp muôn vàn khó khăn nhưng hễ nghe tin ở đâu có bức ảnh về Bác, ông lại háo hức lên đường. Nếu gần thì ông đạp xe đạp, xa thì bắt ôtô. Ông tìm đến tận nơi xin sao chép lại, tìm cắt ở báo hoặc thuê người chụp lại ảnh tư liệu rồi lưu giữ rất cẩn thận. “Bác Hồ quá vĩ đại. Bởi lòng tôn kính Người vô hạn nên tôi quyết sưu tầm tư liệu về Người. Nhiều khi bị ốm, được ngắm nhìn những hình ảnh và xem những bài báo về Bác Hồ do chính tay mình sưu tầm được, tôi thấy bệnh tật như tiêu tan, người khỏe hẳn ra,” ông Phong bộc bạch.

Theo thời gian, kho tư liệu về Bác của ông Phong cứ dày thêm. Đôi bàn tay ông Phong run run nhưng rất nhẹ nhàng đưa cho chúng tôi xem “kho báu tư liệu” về Bác mà hơn 40 năm qua vợ chồng ông lặng lẽ, miệt mài sưu tầm được. Chúng t ôi thực sự ấn tượng với hơn 1.300 bức ảnh về thân thế và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác.

Trong số những bức ảnh ông Phong giới thiệu, có không ít những bức ảnh mà ở miền quê nghèo này được xem là “ảnh hiếm.” Đó là hình ảnh về chiếc giường nơi Bác chào đời ở Nam Đàn, viên gạch sưởi ấm Bác ở Paris, bức hình Bác đóng vai thương gia… Đến cả những hình ảnh rất đời thường của Bác như: Bác tìm hiểu hang động, Bác xắn quần lội ruộng, tát nước chống hạn, Bác cùng các ngư dân kéo lưới trên biển…

Ngoài tranh ảnh về Bác, ông Phong còn sưu tầm hơn 20 tập sách về Bác trong đó có nhiều tập có giá trị như Thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế, Thư riêng của Bác Hồ, Những người thân trong gia đình Bác Hồ. Ông còn sưu tầm được gần hết các bài thơ do Bác làm, đặc biệt là các bài thơ chúc Tết, từ Tết độc lập đầu tiên năm 1946 đến mùa Xuân năm 1969… Tất cả đều được ông tỉ mẩn ép plactis để bảo quản. Dưới mỗi bức ảnh của Bác, ông Phong đều ghi chú cẩn thận, ai xem cũng xúc động bởi ý nghĩa rất sâu sắc.

Bộ sưu tập của ông Phong còn có chân dung các đồng chí Tổng Bí thư của Đảng Cộng Sản Việt Nam từ năm 1930 đến 2010; một số chân dung các Đảng viên Đảng Cộng sản năm 1930 và rất nhiều những bức ảnh về quê hương, đất nước và con người Việt Nam; hình ảnh về bộ mặt bọn tay sai bán nuớc trước năm 1975...

Bà Phạm Thị Thuận, vợ ông Phong năm nay cũng gần sáu mươi tuổi. Hai ông bà đều không có lương, cả gia đình sống chủ yếu dựa vào việc may vá của bà và những đồng tiền chắt góp từ bán hàng quán. Cuộc sống lắm lúc khó khăn. Thế nhưng hiểu và đồng cảm với việc làm của chồng, bà âm thầm, lặng lẽ ở bên ông, giúp ông bằng những bữa cơm đạm bạc, tấm áo lành để ông tiếp tục dồn tâm trí cho việc sưu tầm.

Hướng ánh nhìn trìu mến, hiền dịu về phía người chồng khi ông đang loay hoay với tấm hình Bác Hồ ở Pháp, bà Thuận nhớ lại: “Suốt một tuần không tìm được tấm hình Bác ở Pháp, ông ấy chẳng buồn ăn chẳng buồn nói . Thấy vậy tôi cũng lấy làm lo cho sức khỏe của chồng. Rảnh việc nhà là tôi lại đi hỏi dò xem ai biết tấm hình ấy thì mách dùm. Khi biết được bức ảnh nằm trong một quyển sách, ông Phong nhảy cẫng lên vui như đứa trẻ. Tôi đưa chồng hơn trăm nghìn để mua quyển sách có hình Bác. Quyển sách dày là thế nhưng ông ấy chỉ cắt ra mỗi một trang để lấy tấm hình của Bác Hồ ở Pháp. Sáng sớm hôm sau, ông ấy đã lọ mọ đạp xe hơn mấy chục km xuống thị trấn Ba Đồn để ép plastic số ảnh mới sưu tầm được, rồi mân mê ngắm nhìn suốt mấy ngày sau đó. Thấy ông ấy vui tôi cũng phấn khởi theo!”

Ông Ngô Quốc Thọ, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thanh ghi nhận: “Mấy chục năm qua, ông Nguyễn Đình Phong âm thầm, lặng lẽ và tự nguyện sưu tầm tư liệu về Bác Hồ, về Đảng và quê hương đất nước. Việc làm của ông Phong thật đáng quý. Bộ sưu tầm của ông Phong khơi dậy niềm tự hào về truyền thống dân tộc, về Bác, về những trang sử chói ngời mà ông cha ta để lại. Đồng thời giúp thế hệ mai sau thấy và hiểu rõ chân lý, tư tưởng, trí tuệ đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ việc làm của cá nhân ông Phong, chúng tôi tin rằng phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở Quảng Thanh sẽ ngày càng phát triển sâu rộng.”

Lật dở và được “chiêm ngưỡng” gần 2.000 bức ảnh, tư liệu về Bác Hồ, về Đảng và quê hương đất nước mà vợ chồng ông Phong sưu tầm được, chúng tôi phần nào hiểu được trí tuệ, tài năng, tâm hồn và tấm lòng của Bác với đất nước, với nhân dân. Quả thực đến gặp gỡ và tận mắt chứng kiến những gì ông Phong đã làm, chúng tôi hiểu rằng ông phải có lòng kiên trì và niềm tôn kính vô hạn với Bác Hồ thì mới có thể làm được như vậy.

Dù sắp bước sang cái tuổi thất thập, mắt mờ nhiều và đôi tai có phần điếc hơn trước nhưng với ông Phong ngọn lửa của sự tôn kính, niềm đam mê sưu tầm tư liệu về Bác lúc nào cũng cháy sáng mãnh liệt trong trái tim ông. Với ông Phong niềm vui, niềm hạnh phúc và cũng là tâm nguyện lớn nhất là nhìn thấy kho tư liệu của mình sẽ được phổ biến rộng rãi, để cho nhân dân hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp cao quý của Vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh./.

Võ Thị Dung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục