Hành trình lãng mạn và dũng cảm của Ánh Tuyết

Nhìn lại tour lưu diễn của Ánh Tuyết và ATB từ mùng 4 Tết đến nay, trải qua các địa điểm như Hà Nội, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang và cả show diễn tối 14/2 tại Nhà hát Hòa Bình (Thành phố Hồ Chí Minh), người quan sát và phân tích có thể nhìn thấy trong hành trình đầy phiêu lưu này là cả một khát khao nghề nghiệp.

Nhìn lại tour lưu diễn của Ánh Tuyết và ATB từ mùng 4 Tết đến nay, trải qua các địa điểm như Hà Nội, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang và cả show diễn tối 14/2 tại Nhà hát Hòa Bình (Thành phố Hồ Chí Minh), người quan sát và phân tích có thể nhìn thấy trong hành trình đầy phiêu lưu này là cả một khát khao nghề nghiệp.
  
Đường nào lên thiên thai?
 
Xin mượn ca khúc "Đường nào lên thiên thai" của Hoàng Nguyên (cũng nằm trong chuyến lưu diễn này) để nói về sự băn khoăn trước việc Ánh Tuyết chọn thời điểm.
 
Tết năm ngoái, Ánh Tuyết & ATB chọn thời điểm cuối năm - khi mọi người đang tất bật. Tết Kỷ Sửu năm nay, nữ nghệ sĩ này lại chọn ngay sau Tết, khi bia rượu và bánh mứt vẫn chưa dứt, gia đình đang sum họp, vui vẻ… chẳng mấy ai muốn đến nhà hát, nên các đêm diễn đầu tiên của tour xuyên Việt này luôn trong tình trạng thưa ghế.
 
Lý do của sự không hợp lý ấy, hay nói thẳng thắn là của sự thất bại, ngoài việc chọn sai thời điểm, thì còn có nhiều vấn đề khác.
 
Đầu tiên phải nói ở cách quảng bá hình ảnh và tên tuổi nghệ sĩ, vì ngoài Ánh Tuyết và một vài ca sĩ khác được khán giả quen tiếng, phần còn lại thì khá mờ nhạt. Một vài cái tên như Ánh Tuyết, Phi Thúy Hạnh, Lê Anh, Quỳnh Lan… mà “gánh” cho cả một đoàn 40 người thì hơi vất vả.
  
Tiếp theo nữa, phong cách nhạc tiền chiến trong vài năm trở lại đây đang giảm dần khán giả, thị trường âm nhạc với yếu tố “nhìn” đang lấn át yếu tố “nghe”. Mà nhìn lại chuyến lưu diễn này, trừ sân khấu ngoài trời ở Tam Kỳ, Quảng Nam thì nhà hát nào cũng gặp trục trặc về chuyện âm thanh, ở Hòa Bình thì càng quá tệ, loa cứ kêu lụp bụp, hú, rè, không rõ tiếng… Đó là chưa nói, lượng bài của nhạc “tiền chiến” thật ra những bài hay để mọi người “trầm trồ” cũng không nhiều, mà những ai thích nghe thể loại nhạc này thì đã nghe rồi, nghe ở các ca sĩ thế hệ trước. Cho nên, nếu muốn tiếp tục quảng bá thể loại nhạc này ra đông đảo công chúng (chứ không chỉ trong không gian một phòng trà) thì cần chuẩn mực hơn về âm thanh và cần nhiều chiêu thức biểu diễn mới hơn nữa.
 
Công bằng mà đánh giá thì chương trình "Hát cho yêu thương, Gọi tên bốn mùa khá công phu", nghiêm túc, nhưng các chiêu thức trên sân khấu hơi cũ, thiếu sự bất ngờ. Suốt hành trình từ Bắc vào Nam, chỉ có ở Nhà hát Hòa Bình là có vài đột biến như việc nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bất ngờ xuất hiện từ hàng ghế khán giả bước lên đệm piano cho Ánh Tuyết hát bài "Cô đơn". Hay các bài trường ca có sự xuất hiện của vũ đoàn ABC và một kỹ sư ánh sáng lành nghề làm tăng nhiều hiệu ứng.
  
Kết thúc: Ô mê ly

 
Theo dõi các đêm diễn của đoàn ATB, có một điểm rất đáng được tuyên dương là ở tinh thần làm việc chuyên nghiệp, với trách nhiệm cao. Trừ một hai đêm phải hủy do dự kiến không tìm được khán giả, chứ khi đã sáng đèn, các ca sĩ, nghệ sĩ đều trình diễn hết mình. Tại Huế, Quảng Nam rồi Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang… lượng khán giả dường như tăng dần lên. Có người nói Ánh Tuyết và ATB có duyên với miền Nam, càng “hành phương Nam” càng đông khách.
  
Riêng đêm tại quê nhà của Ánh Tuyết (Quảng Nam) thì không bán vé, chính quyền sở tại tổ chức một đêm đúng nghĩa “hát cho yêu thương” tại Quảng trường 29/3, thành phố Tam Kỳ. Đây là một đêm không mưa nhưng lạnh, khán giả đến dự phần lớn trong độ tuổi thanh thiếu niên. Khi đêm diễn bắt đầu thì có khoảng một ngàn người vây quanh sân khấu ngoài trời, càng về sau, khán giả càng ra về, chủ yếu vì lạnh và có vẻ như độ tuổi của họ không mấy mặn mà với thể loại nhạc này. Một nhạc sĩ tại địa phương nói: Thật khâm phục cho sự lãng mạn và dũng cảm của Ánh Tuyết, chứ thời tiết như vậy mà hát ngoài trời, dễ tổn thương thanh quản như chơi. Anh nhạc sĩ mê nhạc “tiền chiến” này cũng nhận xét thêm: Cần sáng tạo nhiều hơn về mặt trình diễn, nếu chỉ có vậy, không khác mấy với nghe đĩa.
 
Ngồi xem đêm diễn kết thúc hành trình tại Nhà hát Hòa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, phải nói là “ô mê ly” (đây cũng là một ca khúc của Văn Phụng mà Ánh Tuyết luôn hát để kết thúc các đêm diễm). Đêm này Ánh Tuyết bị bệnh cảm và mọi người cũng đã thấm mệt, nhưng trường ca Áo anh sứt chỉ đường tà (Phạm Duy - thơ Hữu Loan) đã được thể hiện xuất thần. Ca sĩ trẻ Lê Anh, rồi Quỳnh Lan đều hát khá mùi mẫn, thu hút được người nghe. Nghệ sĩ Thế Vinh “song tấu” harmonica và guitar 2 bài "Tuổi đá buồn", "Diễm xưa" (Trịnh Công Sơn) khá xúc động. Sau cùng và rất quan trọng là khán giả đến rạp cũng tương đối, khoảng gần 2/3 số ghế có người ngồi, trong một đêm cuối tuần ở nhiều tụ điểm đang sáng đèn.
 
Không biết sau chuyến lưu diễn này Ánh Tuyết và ATB có bị thua lỗ không? Nhưng rõ ràng trong hành trình ấy, người ta thấy cả một khát khao nghề nghiệp, một sự yêu nghề rất đáng được ủng hộ, khích lệ. Và hơn nữa, họ đã tìm được một kết thúc “ô mê ly” cho mình./.
 
Văn Bảy (TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục