Hành trình Tận tâm vì tương lai Việt diễn ra tại Lũng Vị

30 chiếc máy lọc nước được trao tặng cho các trường học của xã Đông Phương Yên và những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phải gánh chịu những hậu quả từ ô nhiễm nguồn nước của thôn Lũng Vị.
Hành trình Tận tâm vì tương lai Việt diễn ra tại Lũng Vị ảnh 1Sử dụng nguồn nước không đảm bảo tại một ngôi trường ở Lũng Vị. (PV/Vietnam+)

Trong khuôn khổ hành trình Tận tâm vì tương lai Việt, từ ngày 26/10, 30 chiếc máy lọc nước Karofi được trao tặng cho các trường học của xã Đông Phương Yên (Chương Mỹ, Hà Nội) và những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ ô nhiễm nguồn nước của thôn Lũng Vị, giúp cho những người dân nghèo và trẻ em tại địa phương có điều kiện được tiếp cận và sử dụng nguồn nước tinh khiết bảo vệ sức khỏe.

Cùng ngày tại đây cũng diễn ra hội thảo tuyên truyền về nước và sức khỏe. Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy - Viện sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã có bài tuyên truyền với bà con về mối quan hệ giữa nước với sức khỏe nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước tinh khiết để bảo vệ sức khỏe cũng như chia sẻ kiến thức tới người dân để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình trước tình trạng nguồn nước đang bị ô nhiễm.

Cán bộ của Viện cũng đã tổ chức khảo sát nguồn nước tại thôn Lũng Vị để phân tích, đánh giá và đề xuất một giải pháp triệt để nhằm xử lý nguồn nước ô nhiễm cho bà con.

30 chiếc máy lọc nước được trao tặng tại là loại máy Karofi 7 cấp lọc đã được kiểm nghiệm và đánh giá tại Khoa xét nghiệm và phân tích kỹ thuật cao-Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y Tế), đảm bảo đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước uống trực tiếp…

Hành trình Tận tâm vì tương lai Việt diễn ra tại Lũng Vị ảnh 2Nhân viên kỹ thuật chuyển máy lọc nước cho người dân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong vòng 5 năm kể từ ngày lắp đặt, Công ty Karofi sẽ tài trợ toàn bộ chi phí liên quan đến bảo hành, bảo dưỡng và duy trì hoạt động của sản phẩm.

Ông Phan Ngọc Huấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đông Phương Yên cho biết từ hàng chục năm nay, người dân trong thôn vẫn phải sống chung với nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, không nước sạch để sinh hoạt, nhiều người trẻ tuổi đã chết vì những căn bệnh hiểm nghèo.

Năm 2014, thôn có tới 14 người chết, trong đó quá nửa là chết do ung thư khi tuổi đời còn rất trẻ. Nguồn nước người dân đang sử dụng chủ yếu là nước giếng khoan và nước giếng khơi, đến nay chưa có giải pháp xử lý nào cho nguồn nước tại địa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục