Tìm lại con đường tơ lụa trên Biển Đông

Hành trình “Tìm lại con đường tơ lụa trên Biển Đông”

Đó là câu chuyện về những con người thật-những nhân vật làm nên lịch sử đất nước, những chiến tích và những di sản của văn hóa Việt Nam.

Với ý niệm “Biển Đông che giấu trong lòng nước nhiều bí ẩn hơn chúng ta tưởng rất nhiều,” tác giả-nhà báo Nguyễn Huy Minh đã thực hiện cuộc hành trình “Tìm lại con đường tơ lụa trên Biển Đông.”

Cuốn sách “Tìm lại con đường tơ lụa trên Biển Đông” là câu chuyện về những con người thật-những nhân vật làm nên lịch sử đất nước, những chiến tích và những di sản của văn hóa Việt Nam.

Tác giả đã lấy tiêu đề của một bài viết trong phần ba của tập sách làm nhan đề chung cho cả cuốn sách với ý nghĩa khẳng định vị thế của Việt Nam trong mối quan hệ với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Điều này tiếp tục được triển khai cụ thể hơn trong những bài viết về các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa hiện đại của Việt Nam trong phần ba của tập sách.

Trước đó, chân dung của những nhà khoa học, văn nghệ sỹ giàu lòng nhiệt huyết với quê hương, con người Việt Nam được trình bày sinh động trong phần một của tập sách. Đó là những nét khắc họa về giáo sư Hoàng Tụy-người khai sinh trường phái Hà Nội học hay câu chuyện về người chuyên sưu tầm sách cũ Phan Trác Cảnh…

Ở đây, độc giả cũng sẽ gặp lại nghệ sỹ nhân dân Đặng Thái Sơn với những tâm sự da diết của một người suốt đời đau đáu với nghệ thuật.

“Bình thường, người ta luôn đòi hỏi người chơi đàn phải đem đến một tiếng đàn có chất hát. Tôi lại chia làm hai loại. Chất hát mới chỉ ở mức một, còn mức hai, tiếng đàn phải biết ‘nói.’ Hát thuộc về cái đẹp. Đó là sự ngân nga, lên bổng xuống trầm. Nhưng khi nói, mỗi tiếng đàn tựa một ‘từ;’ mà ‘từ’ ở đây là ‘triết’ và mình có thể ‘triết’ theo ý mình muốn,” tác giả Nguyễn Huy Minh ghi lại lời chia sẻ của nghệ sỹ tài danh Đặng Thái Sơn.

Rẽ sang một mạch khác, phần hai của cuốn sách là những bài viết về văn hóa Việt Nam thời kỳ dựng nước. Đó là chuyện về “Chiếc ấn vàng chúa Nguyễn mang đi mở cõi phương Nam” (được lưu giữ trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), về “Chiêng Bôm Ya bạc-Vật báu của dân tộc Gia Rai"

“Chiêng Bôm Ya bạc độc đáo bởi được đánh bằng nước. Khi sử dụng, người ta dùng một ngón tay cầm vào dây chiêng hoặc treo chiêng trên giá. Dùng một ngón tay cái nhúng vào nước rồi xoa lên núm chiêng, âm thanh tiếng chiêng sẽ dần vang lên,” tác giả Huy Minh lý giải trong tập sách của mình.

Qua đó, độc giả sẽ thấy được một “Việt Nam mang trong mình lịch sử ngàn năm mở đất và mở nước. Mở đất là cương thổ, mở nước là biên đảo; và còn có cả những chuyến hải trình vạn dặm của tổ tiên ta, mà các bảo vật khai quật được từ những con tàu đắm dưới đáy Biển Đông đã phần nào nhắc lại nghị lực phi thường ấy” như lời tác giả đã viết.

Nhận xét về cuốn sách, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cho hay: “Đây không phải là lối viết phóng sự-ký sự quen thuộc như trong cuốn ‘Kimono trong rừng thẳm’ [tập sách đầu tiên của tác giả Nguyễn Huy Minh] mà nội dung câu chuyện được truyền tải bằng các thể loại khó khác của báo chí: Phỏng vấn, bình luận… Nhưng dù sử dụng thể loại báo chí nào thì đó vẫn là một lối kể chuyện giản dị mà đầy lôi cuốn, lấp lánh trong đó niềm kiêu hãnh và tình yêu thương quê hương Việt Nam.”

Tập sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty cổ phần sách Alpha Books phát hành, đã chính thức ra mắt vào chiều 5/12 tại Hà Nội./.

Nhà báo Nguyễn Huy Minh là Phó trưởng ban Thư ký tòa soạn-Báo Lao Động. 

Ông cũng là tác giả của tập phóng sự-ký sự “Kimono trong rừng thẳm” (Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin ấn hành năm 2010).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục