Hành trình trả lại tên cho các anh:

277mochuabi-1595655081-81.jpg

Hàng trăm nghìn những tấm bia mộ chưa xác định được thông tin trong các nghĩa trang không thể nói cho thân nhân đang mòn mỏi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ biết người nằm dưới mộ là ai. Nỗi đau khi nhìn những dòng chữ “Liệt sỹ vô danh”, “Chưa biết tên”, “Mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin”… của của gia đình các liệt sỹ cũng chính là nỗi đau chung của mọi người dân Việt Nam. Bởi vậy, “trả lại tên” cho những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc không chỉ là trách nhiệm của các các cơ quan chức năng, mà còn của tất cả những người hôm nay đang sống trong hòa bình.

Nỗi đau những ngôi mộ “vô danh”

Cứ tháng Bảy hàng năm, hàng vạn người thân, du khách và đồng đội lại đến thăm viếng những liệt sỹ đã anh dũng ngã xuống vì Tổ quốc tại các nghĩa trang, địa điểm lịch sử ở tỉnh Quảng Trị. Nắng nóng khắc nghiệt của Quảng Trị cũng không làm khô đi được nước mắt của dòng người tìm về nghĩa trang liệt sỹ trên mảnh đất này. Nơi đây, năm xưa được coi là chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Trong chiến tranh, 60.000 liệt sỹ đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ đến từ rất nhiều vùng miền của đất nước và giờ đây cùng nằm lại trong 72 nghĩa trang lớn nhỏ trên mảnh đất Quảng Trị thiêng liêng, trong đó có 2 nghĩa trang quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9.

Bạt ngàn những ngôi mộ chưa có thông tin tại các nghĩa trang liệt sỹ là nỗi đau chiến tranh còn hiện hữu rất rõ. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước vẫn còn hơn 300.000 người khi sinh ra có tên, có họ nhưng khi nằm xuống trên bia mộ chỉ khắc ba chữ “Liệt sỹ vô danh”, “Chưa biết tên”, “Mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin”…. 

Trên tấm bia đá trong các nghĩa trang khắc nhiều cái tên, mỗi một cái tên được viết lên là một người đã nằm xuống. Mỗi cái tên nối dài thêm vinh quang cho đất nước, cũng nối dài thêm nỗi đau mất người thân của hàng vạn gia đình. Hàng vạn anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống ở lứa tuổi 20 để giữ từng tấc đất thiêng của thành cổ Quảng Trị. Đau đớn hơn cả, trong Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9 ở Quảng Trị có hàng nghìn ngôi mộ liệt sỹ chưa biết tên.

Bạt ngàn những ngôi mộ chưa có thông tin tại các nghĩa trang liệt sỹ là nỗi đau chiến tranh còn hiện hữu. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước vẫn còn hơn 300.000 người khi sinh ra có tên, có họ nhưng khi nằm xuống trên bia mộ chỉ khắc ba chữ “Liệt sỹ vô danh”, “Chưa biết tên”, “Mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin”…. Những liệt sỹ này đang được an táng trong hơn 3.000 nghĩa trang liệt sỹ.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại ghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại ghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)

Ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, Đảng và Nhà nước rất chú trọng đến công tác đầu tư quy hoạch, tôn tạo các nghĩa trang liệt sỹ trở thành những công trình văn hóa tâm linh thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và vừa để tưởng nhớ đến các liệt sỹ, vừa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Năm 2014, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC về việc xây dựng, quản lý các công trình ghi công liệt sỹ, thống nhất trường hợp không có thông tin thì trên bia mộ ghi “Mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin”, không ghi “vô danh.”

Trong năm 2020 này, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội phấn đấu sẽ hoàn thành việc sửa nội dung ghi trên bia mộ liệt sỹ, không để bia liệt sỹ ghi “Liệt sỹ vô danh” khắc sâu thêm nỗi đau mất mát. Tuy nhiên, trong khi nhiều địa phương đã hoàn tất công tác tu sửa bia mộ, tại địa phương nơi có số lượng lớn một liệt sỹ như Quảng Trị thì công tác sửa bia mộ này còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí.

Trong năm 2020, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội phấn đấu sẽ hoàn thành việc sửa nội dung ghi trên bia mộ liệt sỹ, không để bia liệt sỹ ghi “Liệt sỹ vô danh” khắc sâu thêm nỗi đau mất mát. 

Ông Phan Văn Linh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cho hay: “Hiện nay, Quảng Trị hiện có 20.000 mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin đang đề trên bia mộ là ‘không có thông tin’, ‘chưa biết tên’, trong đó bia mộ ghi ‘vô danh’ vẫn còn 6.000 mộ.”

“Với số lượng lớn bia mộ liệt sỹ cần tu sửa bia mộ nhưng ngân sách địa phương còn khó khăn, tỉnh không thể hoàn thành điều chỉnh thông tin bia mộ đúng tiến độ như yêu cầu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Địa phương rất cần sự hỗ trợ của Trung ương,” ông Phan Văn Linh nói.

Bạt ngàn những ngôi mộ “Chưa biết tên”  ở nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 tại Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Bạt ngàn những ngôi mộ “Chưa biết tên”  ở nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 tại Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định tất cả những bia mộ có chữ “Liệt sỹ vô danh” hay “Vô danh” các địa phương phải xử lý tu sửa xong trong năm 2020. Trường hợp các bia mộ đang ghi như “Tên anh sống mãi cùng tên núi sông” hay “Chưa biết tên” do số lượng nhiều thì trước mắt để lại sẽ tu sửa sau.

Về nguồn kinh phí, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng có thể sử dụng từ nguồn kinh phí địa phương để tu sửa các bia mô “vô danh”, bên cạnh đó còn có kinh phí của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ trong năm 2020, trường hợp Quảng Trị có nhiều mộ liệt sỹ cần tu sửa thì có thể báo cáo bộ để có phương án xử lý dứt điểm trong năm 2020.

Tìm lại tên cho các anh

Hơn 3.000 nghĩa trang liệt sỹ và các hàng nghìn đài tưởng niệm được xây dựng tại các mặt trận năm xưa đều được tu bổ thường xuyên và đã trở thành điểm đến quen thuộc của hàng triệu người dân Việt Nam trong tháng Bảy. Đặc biệt, mỗi năm, các nghĩa trang liệt sỹ vẫn đón các hài cốt liệt sỹ được tìm thấy từ những chiến trường cũ, từ Lào, Campuchia trở về. Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính liệt sỹ chưa bao giờ ngừng nghỉ.

(Ảnh: Vương Thoại Trung/TTXVN)
(Ảnh: Vương Thoại Trung/TTXVN)

Thực hiện đề án xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2020, Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã tiếp nhận 650 trường hợp (gồm 411 mẫu hài cốt liệt sỹ lưu giữ ngân hàng gen và 239 hài cốt liệt sỹ do thân nhân nộp để giám định ADN và 301 mẫu thân nhân liệt sỹ). Trong số đó, kết quả phân tích ADN được 8 mẫu hài cốt liệt sỹ có kết quả đúng, 63 mẫu hài cốt liệt sỹ có kết quả không đúng và 128 mẫu xấu.

Hàng năm, các nghĩa trang liệt sỹ vẫn đón các hài cốt liệt sỹ được tìm thấy từ những chiến trường cũ, từ Lào, Campuchia trở về. Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính liệt sỹ chưa bao giờ ngừng nghỉ.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết: “Xác định danh tính của liệt sỹ còn thiếu thông tin là nỗi trăn trở của Đảng, Nhà nước, nhân dân và người thân, gia đình liệt sỹ. Trong suốt những năm qua, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện công tác quy tập hài cốt liệt sỹ, lấy mẫu sinh phẩm giám định AND không ngừng nghỉ.”

“Hiện nay, việc lấy mẫu sinh phẩm của tất cả những người thân của liệt sỹ vẫn liên tục được xúc tiến thực hiện. Tới giai đoạn nào đó, chúng ta có thể lấy mẫu sinh phẩm liệt sỹ rõ ràng hơn nhưng người thân của liệt sỹ không còn thì sẽ rất khó để đối chứng. Đây là một điều mà chúng tôi rất trăn trở, vậy nên phải làm song song cả hai việc vừa lấy mẫu hài cốt liệt sỹ, đồng thời cũng lấy mẫu ADN đối với thân nhân liệt sỹ,” Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho hay.

 Tìm kiến hài cốt liệt sỹ. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
 Tìm kiến hài cốt liệt sỹ. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chia sẻ công tác xác định danh tính hài cốt liệt sỹ bằng phương pháp giám định ADN là một nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, do thời gian chôn cất hài cốt quá lâu. Nhiều trường hợp đã hy sinh từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và chôn cất ở những vùng ngập sâu, vùng cao nguyên, vùng cao nên phân hóa hài cốt quá nhanh, chất lượng mẫu hài cốt xấu, không phân tích được AND, đối chiếu rất khó khăn.

“Chúng tôi luôn canh cánh, sẵn sàng vào cuộc để cùng với các địa phương, các ngành, các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân làm bằng hết sức mình để xác định danh tính của liệt sỹ. Mỗi một bia mộ xác định danh tính được gắn lên là lại bớt đi một mộ liệt sỹ chưa biết được thông tin, xoa dịu phần nào nỗi đau mất mát của thân nhân, gia đình liệt sỹ,” Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nói.

 Mỗi một bia mộ xác định danh tính được gắn lên là lại bớt đi một mộ liệt sỹ chưa biết được thông tin, xoa dịu phần nào nỗi đau mất mát của thân nhân, gia đình liệt sỹ

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, trong 6 tháng cuối năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các bộ ngành và các địa phương triển khai công tác xác định danh tính hài cốt liệt sỹ bằng phương pháp thực chứng và giám định gen.

Những nỗ lực quy tập hài cốt, xác định danh tính liệt sỹ… là những hành động thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, là tấm lòng thành kính và biết ơn của những người đang sống đối với các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Và cứ đến tháng Bảy, hơn 3.000 nghĩa trang liệt sỹ trên khắp cả nước đều được thắp sáng để tưởng nhớ đến vong hồn của các liệt sỹ đã được quy tụ tại đây, và cũng là để tưởng niệm hàng trăm nghìn liệt sỹ vẫn còn nằm đâu đó trong lòng đất mẹ Việt Nam./.

Kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 315 liệt sỹ, cấp đổi lại trên 6.500 bằng Tổ quốc ghi công. Tiếp tục thực hiện Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, chuẩn hóa thông tin mộ liệt sỹ.

Thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)