Hành trình về cõi Phật với danh thắng Nam thiên đệ nhất động

Hành trình về với khu thắng cảnh Hương Sơn, dự lễ hội chùa Hương, được xem hành trình về một miền đất Phật, nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành.
Hành trình về cõi Phật với danh thắng Nam thiên đệ nhất động ảnh 1Khu danh thắng chùa Hương. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Từ ngày 13/3, chùa Hương mở cửa trở lại phục vụ khách tham quan, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn huyện và du khách thập phương, sau thời gian tạm dừng mở cửa để phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của thành phố Hà Nội.

Chùa Hương là một trong những ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam, nơi có nền Phật giáo linh thiêng và cảnh sắc thiên nhiên đẹp nên thơ. Hàng năm, du lịch lễ hội chùa Hương đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, lễ Phật, cầu may mắn, tài lộc và sức khỏe.

Lễ hội chùa Hương mang đậm nét văn hóa, giá trị tinh thần của con người Việt Nam.

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 65km, với người dân Việt Nam, hành trình về với khu thắng cảnh Hương Sơn được xem hành trình về một miền đất Phật, nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành.

Cùng với lễ hội Yên Tử ở Quảng Ninh, lễ hội chùa Bái Đính ở Ninh Bình… Lễ hội chùa Hương mỗi năm đón hàng triệu lượt người về đây du xuân vãn cảnh chùa và cầu cho một năm mới với nhiều điều may mắn, hạnh phúc.

Hành trình về cõi Phật với danh thắng Nam thiên đệ nhất động ảnh 2Cảnh đẹp nơi suối Yến với hàng nghìn con thuyền đang chờ sẵn phục vụ du khách. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Có rất nhiều địa điểm du lịch đẹp vô cùng hấp dẫn ở quần thể thắng cảnh chùa Hương như động Hương Tích, đền Trình và chùa Thiên Trù. Du khách có thể tham quan hết các điểm du lịch nổi tiếng này trong ngày.

Đò trên suối Yến

Nhắc đến chùa Hương, người ta sẽ nghĩ ngay đến thuyền đò, đây là một phương tiện đi lại chính trong lễ hội. Du khách có thể coi ngồi thuyền là một thú vui tao nhã, vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật. Vào những ngày hội chính, hàng loạt những con thuyền đua nhau trên dòng suối Yến. Đây là một hoạt động giải trí không thể thiếu trong lễ hội.

Rời bến đò, du khách đến với các hoạt động leo núi đặc sắc của khu di tích. Du khách có thể leo bộ lên những bậc thang dẫn đến động Hương Tích, chùa Trong. Cảm giác thật tuyệt vời nếu bạn chinh phục từng bậc thang lên xuống vào động Hương Tích. Lựa chọn hình thức đi bộ hay cáp treo không thể hiện sự tôn kính mà thể hiện từ tâm của hành khách đến chùa Hương.

Hành trình về cõi Phật với danh thắng Nam thiên đệ nhất động ảnh 3Những chuyến đò xuôi dòng suối Yến đưa du khách tham quan, lễ chùa. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Khi đi dọc bến đò hoặc đặt chân lên mảnh đất tâm linh bạn sẽ gặp những làn điệu dân ca hát chèo hoặc hát sẩm trên từng mái nhà tranh. Những làn dân ca cứ in sâu vào lòng du khách thập phương nếu đã một lần đến đây.

Động Hương Tích

Động Hương Tích được xem là Nam Thiên đệ nhất động - động đẹp nhất Việt Nam. Trong động là nơi thờ Quan Thế Âm Bồ Tát.

Cửa động giống như miệng của một con rồng lớn. Từ cửa động, du khách phải đi thêm 120 bậc thang dẫn xuống động. Lối đi xuống rất đẹp, hai bên là cây và đá rêu phong phủ kín khiến du khách như lạc vào chốn thần tiên.

Trong động là những khối thạch nhũ to nhỏ được thiên nhiên điêu khắc thành những bức tượng tuyệt mỹ được đặt tên theo hình dáng của chúng: núi đụn gạo, cây vàng-cây bạc, con trâu, con bò, né kén… trần động là kiệt tác “cửu long tranh châu” với những khối thạch nhũ hình rồng tranh 1 khối thạch nhũ hình viên châu dưới động… Tất cả đều lộng lẫy kỳ ảo tuyệt vời.

Ngoài những bức tượng tự nhiên, động còn được con người thổi hồn vào để làm nên những kiệt tác thạch nhũ tuyệt đẹp. Hàng năm có rất nhiều lượt khách đến động Hương Tích để ngắm cảnh, cầu bình an…

Đền Trình

Đền Trình hay còn có tên gọi khác là Ngũ Nhạc Linh Từ là một ngôi đền cổ nằm bên dòng Yến Vĩ, dưới chân núi Ngũ Nhạc, cách bến đò Yến Vĩ 500m.

Muốn đến được đền Trình du khách phải đi đò hơn 10 phút. Theo truyền thuyết kể lại, đền Trình từ xưa là nơi thờ một thần tướng có công đánh đuổi giặc Ân phò vua Hùng Huy Vương.

Đến với đền Trình, ngoài việc dâng hương cúng viếng, du khách còn được thư giãn trong không khí thanh tịnh của đền. Phong cảnh núi Ngũ Nhạc cạnh đền Trình cũng rất đẹp để du khách thưởng ngoạn, ngắm cảnh.

Chùa Thiên Trù

Nếu đã đến thăm chùa Hương, du khách cũng nên đến du lịch tại chùa Thiên Trù rất nổi tiếng tại Hương Sơn. Chùa có niên đại hơn 400 năm (được xây dựng vào năm 1686).

Hành trình về cõi Phật với danh thắng Nam thiên đệ nhất động ảnh 4Chùa Thiên Trù nhộn nhịp trong ngày chùa Hương chính thức mở cửa trở lại. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Trải qua nhiều năm chiến tranh, chùa bị phá hủy vào năm 1945, di tích còn sót lại của chùa chỉ còn tháp Thiên Thủy và tháp Viên Công. Ngôi chùa hiện nay được xây dựng lại theo nguyên bản nhỏ hơn ngôi chùa cũ vào năm 1988.

Chùa Thiên Trù được xây dựng gồm 4 cấp: cấp thứ nhất có 1 cổng lớn đề Nam Thiên Môn, cấp thứ hai có một đỉnh to xây bằng gạch, cấp thứ ba là tam quan (gồm gác chuông, gác khánh và gác trống), cấp thứ tư là chùa chính với kiến trúc nguy nga tráng lệ.

Trong khuôn viên của chùa, ngoài ngôi chùa chính còn có tháp Viên Công xây bằng gạch vô cùng tinh xảo là biểu tượng còn sót lại của kiến trúc thời Hậu Lê. Ngoài ra, chùa còn có tháp Thiên Thủy, hồ Bán Nguyệt và nhiều điểm du lịch vô cùng đẹp khác.

Lễ hội chùa Hương

Thông thường, Lễ hội Chùa Hương diễn ra từ mùng 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Đây là lễ hội đầu năm lớn nhất của thủ đô Hà Nội cũng là lễ hội lớn nhất trong năm của Việt Nam.

Lễ hội chính thức diễn ra từ rằm tháng giêng đến hết 18 tháng 2 âm lịch với rất nhiều hoạt động vui chơi vô cùng hấp dẫn.

Hành trình về cõi Phật với danh thắng Nam thiên đệ nhất động ảnh 5Du khách nhộn nhịp đi tham quan, lễ chùa Hương trong ngày đầu mở cửa trở lại. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Nhân dân xã Hương Sơn và du khách thập phương khi trẩy hội thường gọi với cái tên dân dã là đi chùa Hương, bởi theo “Truyện Phật Bà chùa Hương” thì nơi đây là nơi tu trì và trác tích của đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát đã được Việt hóa và danh xưng là Phật Bà chùa Hương, nghĩa là: Dấu vết thơm tho.

Ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm là ngày khai hội Chùa Hương, ngày này vốn là ngày mở cửa rừng, của người dân địa phương sau này trở thành ngày khai hội. Lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.

Hầu hết các du khách đi đến với chùa Hương vào dịp đầu xuân đều có một mục đích chung là dâng lên một lời nguyện cầu, một nén tâm hương. Tại nơi đây, du khách có thể dâng lên những lời nguyện cầu của đời sống chân thực, cầu mong sự sinh sôi nảy nở, ước mong cuộc sống đầy đủ.

Năm 2021 này, do tình hình dịch bệnh, du khách tới Lễ hội chùa Hương phải nghiêm túc tuân thủ các quy định phòng dịch.

Để hoạt động tham quan, tín ngưỡng được an toàn, Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức (Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương) đã xây dựng phương án cụ thể, chi tiết về đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn khi mở cửa trở lại.

Tại 3 ngả đường dẫn vào khu di tích, Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương đặt 3 chốt kiểm dịch với tổng số 35 người chốt giữ, làm nhiệm vụ hỗ trợ người dân thực hiện công tác phòng chống dịch, nhắc nhở đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và khai báo y tế.

Sau khi khách thực hiện xong các bước phòng chống dịch, sẽ được phát một phiếu đã kiểm dịch.

Lực lượng chức năng liên tục di chuyển trên suối Yến, trong khu vực di tích để nhắc nhở người dân thực hiện phòng chống dịch và đảm bảo văn minh nơi thờ tự.

Còn trong nội tự các đền, chùa, Ban tổ chức và nhà chùa có cử người hướng dẫn khách cách thức hành lễ, đảm bảo không tập trung quá lâu, không đứng gần nhau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục