Hành trình về nơi phát tích triều Đinh ở Ninh Bình

“Hành trình qua các kinh đô Việt cổ” kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội sẽ đưa du khách trở về quê hương của vua Đinh Tiên Hoàng.
“Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”, một chương trình du lịch chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, sẽ đưa du khách trở về quê hương của vua Đinh Tiên Hoàng.

Đó là mảnh đất nằm ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình với các địa danh gắn liền với dấu ấn lịch sử của vua Đinh Tiên Hoàng như đền thờ Đinh Tiên Hoàng ở chính nơi sinh ra ông; Thung Lá, Thung Lau, nơi khởi nghiệp ban đầu của Đinh Bộ Lĩnh và cả cố đô Hoa Lư nổi tiếng.

“Hành trình qua các kinh đô Việt cổ” do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội xây dựng, càng có ý nghĩa khi xâu chuỗi và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của những vùng đất lịch sử gắn liền với Thăng Long-Hà Nội, đặc biệt là vùng đất Ninh Bình, nơi vua Lý Công Uẩn lên ngôi và dời đô ra thành Đại La.

Ông Nguyễn Văn Trò, nguyên Phó trưởng ban quản lý các di tích tỉnh Ninh Bình cho biết: “Nếu trước đây, du khách đến Ninh Bình thăm cố đô Hoa Lư sau đó đi Bích Động hoặc Nhà thờ đá Phát Diệm, thì hiện nay du khách tham quan tuyến di tích liên quan đến Vua Đinh Tiên Hoàng với điểm đến là quê hương của vua Đinh, làng Đại Hữu, sau tới động Hoa Lư là căn cứ khởi nghĩa ban đầu của vua, tiếp đó là kinh đô Hoa Lư".

Giải thích vùng rừng thiêng nước độc này được Vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm căn cứ khởi nghiệp, những người am hiểu lịch sử Ninh Bình cho biết nơi này độc đạo, không thể vào sâu hơn và là nơi có nhiều huyền thoại bí hiểm, không ai dám vào để đảm bảo tuyệt mật về quân sự.

Khu vực Thung Lau, Thung Lá được vua Đinh giấu một đội quân đặc biệt tinh nhuệ và khi cần thiết đưa ra giao chiến.

“Hành trình qua các kinh đô Việt cổ” còn đưa du khách đến thăm cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư - nơi Đinh Tiên Hoàng đóng đô khi lên ngôi hoàng đế.

Kinh đô Hoa Lư rộng khoảng 300ha, gồm Thành Nội và Thành Ngoại, một quân thành vững chắc gồm những dãy núi đá vôi và các tường thành nhân tạo đan xen, nối liền với nhau.

Kinh đô Hoa Lư tồn tại 42 năm trong đó 13 năm triều Đinh và 29 năm triều Tiền Lê. Đầu tháng 11/1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua cũng chính tại Kinh đô Hoa Lư và đến tháng 7 (âm lịch) năm Canh Tuất 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.

Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: “Việc tổ chức tour mới khai thác tối ưu giá trị văn hóa lịch sử của Hà Nội trên cơ sở liên kết với các tỉnh thành bạn tạo nên một sản phẩm liên vùng. Ninh Bình là một điểm nhấn trong Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”.

Các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội cũng cho rằng những địa danh liên quan đến vua Đinh Tiên Hoàng đều có giá trị lịch sử tốt, xây dựng thành tour du lịch mang tính chuyên đề. Tuy nhiên, để tour này thực sự đạt hiệu quả, các điểm đến cần đầu tư tốt cơ sở hạ tầng, hướng dẫn viên cũng như các dịch vụ du lịch liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục