Hào khí Điện Biên vẫn tỏa sáng giữa đời thường

Mang theo ký ức sâu đậm về những ngày chiến đấu ở Điện Biên, cựu đại tá Nguyễn Văn Nhâm hiện vẫn tích cực với công tác ở địa phương.
Càng tới gần ngày kỷ niệm 56 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cựu đại tá Nguyễn Văn Nhâm càng thêm bận rộn.

Là Phó Ban Liên lạc truyền thống chiến sỹ Điện Biên của thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), ông đang chuẩn bị cho ngày gặp mặt truyền thống do chính quyền địa phương tổ chức.

Ở khu vực bờ trái sông Đà còn lại 16 cựu binh Điện Biên, phần lớn tuổi ngoài 80, năm cụ sức yếu e không thể hội ngộ trong ngày vui lớn 7/5.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ở phường Tân Hòa, ông Nhâm, người lính già 80 tuổi đời, 42 tuổi quân từng giữ chức vụ Sư đoàn trưởng của ba sư đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam và cả ba đều được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (Sư đoàn 472, Sư đoàn 344 và Sư đoàn 565) nói chuyện rất khiêm tốn về cuộc đời binh nghiệp của mình.

Ông quê ở Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, năm 16 tuổi đã trốn nhà đi tòng quân kháng chiến. Từ một nông dân mù chữ, được Đảng và quân đội đào tạo, dạy dỗ, ông đã có tới bốn bằng đại học.

Trong cuộc đời quân ngũ, ông có vinh dự được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, mở đường Trường Sơn và chỉ huy Sư đoàn 565 tham gia đào đường hầm xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Trong rất nhiều kỷ niệm của thời máu lửa gian lao, ký ức lắng đọng nhất mà ông không thể nào quên là những ngày chiến đấu ở Điện Biên Phủ.

Ông kể: "Hồi ấy tôi là chiến sỹ của Đại đội 314, Tiểu đoàn 444 thuộc Trung đoàn công binh 151 của bộ. Sau khi tham gia mở đường để kéo pháo vào trận địa, đào hầm sở chỉ huy mặt trận ở Mường Phăng, đơn vị tôi cùng các đơn vị bạn được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bí mật đào con đường hầm dài 35m từ chân đồi A1 vào sâu trong lòng núi và đặt gần một ngàn cân bộc phá để tiêu diệt hầm ngầm cố thủ của địch.

Tôi cùng đồng đội trong hai ngày, hai đêm làm nhiệm vụ vận chuyển 960kg thuốc nổ từ Tuần Giáo vào và cõng trên lưng bí mật đưa vào vị trí đã định, để rồi chiều 6/5/1954 dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Vũ Xuyên Khung khối bộc phá khổng lồ được Tiểu đội trưởng Lưu Viết Thỏa điểm hỏa thành công, mở đường cho bộ binh xuất kích đánh chiếm đồi A1 thắng lợi."

Nghỉ hưu từ năm 1994, nhưng cựu đại tá hưởng lương cấp tướng Nguyễn Văn Nhâm vẫn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, góp phần vào nhiều hoạt động xây dựng khu phố văn hóa, gia đình văn hóa.

Gia đình ông được xem là mẫu mực với sáu người con đều tốt nghiệp đại học, bốn người là sỹ quan quân đội, trong đó có hai người đã là thượng tá.

Là người có vinh hạnh bốn lần được gặp Bác Hồ, ông Nhâm coi tư tưởng của Người là lẽ sống và cả đời phấn đấu, rèn luyện theo gương Bác./.

Nhan Sinh (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục