Giám đốc Trung tâm Du lịch và giáo dục môi trường Vườn Quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Long cho biết, từ tháng 9-12, trong 4 tháng mùa nước lũ đổ về, Vườn tổ chức các chương trình tham quan, trải nghiệm mùa nước nổi với bốn hình thức trải nghiệm: làm ngư dân; tham quan, thu hoạch lúa trời; xem vườn chim sinh sản; chắt chà bắt chuột hoặc đi săn chuột đồng.
Vào mùa nước nổi, trên các cánh đồng lúa trời, sen, súng, cỏ năng, rừng tràm, hàng chục nghìn cánh cò trắng điểm xuyết trên nền tràm xanh tươi tạo thành một khung cảnh tuyệt vời. Các lung sen, đầm năng là nơi quy tụ hàng nghìn con trích mồng đỏ về đây thư thả nhổ những cọng năng tươi non, thỉnh thoảng cất tiếng gáy kèm theo những vũ điệu tuyệt đẹp.
Đến với Tràm Chim, không những nghe chim hót trên cây, bạn còn được nghe tiếng cá quẫy đuôi dưới nước, mặt nước rực lên màu vàng hoa điên điển, màu tím hoa súng pha lẫn sắc hồng của những cánh sen, màu xanh mướt của rừng tràm… Đây cũng là mùa đẹp nhất trong năm của Khu Ramsa Tràm Chim.
Du khách bị cuốn hút bởi những sân chim rải rác rộng vài ha nằm trên những vạt rừng rộng mênh mông, hàng chục loài chim nước sinh sống, làm tổ quanh năm như trích mồng đỏ, cồng cộc, le le, diệc, vịt trời… và các đàn cò trắng hàng chục nghìn con.
Để giúp du khách trải nghiệm thực tế, Vườn Quốc gia Tràm Chim tổ chức tuor du lịch trong vườn. Đây là khu du lịch sinh thái đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười thu nhỏ, hấp dẫn khách trong nước và nước ngoài đến tham quan. Vườn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học vùng Đồng Tháp Mười và cũng là nơi bảo tồn văn hóa lịch sử, nghiên cứu khoa học của nhiều tổ chức thế giới.
Vườn Quốc gia Tràm Chim tổ chức cho du khách đi tham quan quanh Khu A1 bằng phương tiện thủy hoặc bộ. Du khách được lên đài vọng cảnh dừng chân cao 20m, tham quan chim nước, lúa trời, đầm sen, rừng tràm…
Khu du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Tràm Chim từ lâu đã nổi tiếng là “ốc đảo xanh” với cảnh quan thiên nhiên quyến rũ, đặc trưng cho vùng đất trũng Đồng Tháp Mười.
Là điểm du lịch hấp dẫn có tiếng ở tỉnh Đồng Tháp, nơi đây còn lưu giữ những đặc thù thiên nhiên của vùng Đồng Tháp Mười. Tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng làm hệ thống đường nhựa, cầu, cống cho xe du lịch đi xung quanh bìa vườn Khu A1 - nơi được xem là lá phổi xanh của Đồng Tháp Mười. Rừng tràm có diện tích gần 3.000ha tràm có tuổi thọ từ 10-20 năm, rừng nguyên sinh với những bưng trấp, lung, bàu đầy sen, súng, lau sậy, cà na, gáo…
Đến đây, du khách sẽ choáng ngợp trước sân chim với nhiều loài chim muông bay rợp cả một góc trời. Trên những vạt rừng rộng mênh mông, hàng chục loài chim nước sinh sống và làm tổ quanh năm nhưng nhiều hơn hết vẫn là đàn cò trắng hàng chục nghìn con khiến rừng tràm này được xem là vườn cò lớn nhất hiện nay ở vùng Đồng Tháp Mười.
Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim Nguyễn Văn Hùng cho biết hiện đang vào mùa thu hoạch lúa trời, hấp dẫn du khách với trải nghiệm tự thu hoạch lúa trời trong mùa nước nổi. Quần xã lúa trời còn gọi là lúa ma (Oryza rufipogon) hiện được lưu giữ và bảo tồn trên diện tích hơn 800ha.
Vườn có 5 chiếc xuồng chuyên phục vụ du khách trải nghiệm thu hoạch lúa trời. Việc bảo tồn và khai thác lúa trời phải đảm bảo môi trường sinh thái, bên cạnh đó tạo điều kiện du khách có trải nghiệm để hiểu biết sinh kế mùa nước nổi của cư dân vùng Đồng Tháp Mười, biết cách thu hoạch lúa trời của cha ông ta thời xưa.
Ngoài việc thu hoạch lúa trời, du khách còn được tận mắt xem 16 loài chim quý hiếm như Sếu đầu đỏ, Già đẫy lớn, Già đẫy Java , Cò quắm đầu đen, Cò thìa, Đại bàng đen, Te vàng, Choi choi lưng đen, Ngang cánh trắng, Điêng điểng, Cò trắng Trung Quốc, Diệc Sumatra, Bồ nông chân xám, Giang sen, Nhạn ốc, Công đất cùng các loài cá nằm trong sách đỏ Việt Nam gồm cá Còm, cá Mang rổ, cá Duồng, cá Hô...
Muốn tận mắt xem sân chim sinh sản thuộc phân khu A2 (diện tích 2-3ha, nằm cách Trung tâm Du lịch của Vườn khoảng 6km), chỉ mất vài phút đăng ký, du khách sẽ trải qua khoảng 3km đường bộ bằng xe máy hoặc ôtô, sau đó những chiếc tắc ráng đưa du khách xuyên rừng, vào vùng đất đặc biệt của chim. Đây là nơi tập trung các loài chim như cồng cộc, điên điển, cò ốc, cò trắng... và nhiều loài chim quý hiếm.
Tại đây, du khách sẽ chuyển sang xuồng nhỏ (2-3 người/chiếc) bơi nhè nhẹ len lỏi vào rừng tràm, những đồng cỏ xanh ngát. Du khách sẽ tận mắt chứng kiến sự sinh sôi nảy nở của các loài chim, trung bình trên mỗi cây tràm có từ 4-6 tổ, mỗi tổ có từ 2-4 con chim non hoặc trứng.
Thật hấp dẫn khi du khách được tự tay đặt từng ống trúm bắt lươn, giăng từng đoạn lưới, cắm từng cần câu bắt cá hay đem theo len, chỉa rồi chia thành tốp đi bắt chuột đồng trên những đóng chà, săn chuột trên cây vào mùa nước nổi… Sau khi tự tay bắt được từng con cá, lươn hay chuột, du khách được hướng dẫn cách nướng trui, nấu canh chua với rau đồng thật tuyệt.
Đến Vườn Quốc gia Tràm Chim, du khách không chỉ đơn thuần đi du lịch mà là một trải nghiệm, thực sự hòa mình vào khu sinh thái với “trường học thực tế” có các lớp học về hệ sinh thái tràm, về cỏ năng, về động vật...
Anh Lê Hoàng Long cho biết thêm, thời gian tới, ngoài công tác nghiên cứu khoa học, Vườn sẽ thả thêm nhiều loại cá bản địa làm thức ăn thu hút các đàn chim từ nơi khác bay về làm tổ, sinh sản, đồng thời thành lập các tổ cứu hộ, kịp thời đưa những chú chim non bị gió thổi rơi về tổ an toàn... nhằm giữ chân các loài chim bay về trú ngụ.
Vừa qua Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt đề án đầu tư cho Vườn Quốc gia Tràm Chim, trong đó đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái và dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2013-2020 dự kiến là hơn 14 tỷ đồng./.