"Hát đồng song thanh có thể giúp… chữa bệnh"

“Đồng song thanh” là lối hát mà một người cùng lúc có thể hát được hai giọng, có thể điều khiển giọng hát để bồi âm vẽ thành hình vẽ
Đêm 9/11/2009 tại nhà riêng của giáo sư-tiến sĩ Trần Văn Khê (32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh), giáo sư, tiến sĩ Trần Quang Hải đã có buổi nói chuyện và biểu diễn hát đồng song thanh, “đàn” muỗng, đàn môi.

“Đồng song thanh” là lối hát mà một người cùng lúc có thể hát được hai giọng. Người dự buổi nói chuyện này có thể thấy được những bồi âm (khi hát đồng song thanh) hiện trên màn hình. Người biểu diễn có thể điều khiển giọng hát của mình để bồi âm vẽ thành những hình vẽ, và với đàn môi anh có thể biểu diễn một đoạn nhạc techno hấp dẫn…

Nhưng đằng sau sự thành công như hôm nay, anh đã mất 40 năm nghiên cứu, mày mò tự học và có khi phải đem cả bản thân mình làm vật thí nghiệm bất chấp cả tính mạng. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với anh sau đêm biểu diễn 9/11.

Tôi đã tạo ra một trường phái hát đồng song thanh

Theo anh biết, ở Việt Nam có ai hát được đồng song thanh hay không?

Ông Trần Quang Hải: Ở Việt Nam, theo tôi biết là có anh Bùi Trọng Hiền ở Hà Nội là hát được đồng song thanh, nhưng có lẽ anh Hiền phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu những vấn đề khác như cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù… nên cũng không đào sâu nhiều về lối hát này.

Chắc anh cũng từng đến Mông Cổ để học hát đồng song thanh?

Ông Trần Quang Hải: Tôi tình cờ nghe một cuốn băng hát đồng song thanh, lúc đó tôi rất ngạc nhiên và tự hỏi, tại sao một người có thể hát cùng lúc 2 giọng? Từ đó tôi đã tìm tòi nghiên cứu trong rất nhiều năm để hát được đồng song thanh.

Có nhiều người nghĩ rằng chắc tôi cũng đã đến Mông Cổ để học các nghệ nhân, nhưng không có điều đó, tất cả là do tôi tự học. Sau thời gian nghiên cứu tôi đã thực hành được cách hát 2 giọng và từ đó phát triển thành một hệ thống để phổ biến cho nhiều người.

Khi đã gây được  tiếng tăm với lối hát và truyền bá đồng song thanh, tôi đã được mời đến Mông Cổ, được gặp những ca sĩ “thứ thiệt” của xứ Mông Cổ. Tôi có dịp đối chiếu kỹ thuật của họ và của tôi. Hai kỹ thuật khác nhau nhưng cùng cho ra một kết quả.

Tôi đã tạo ra một trường phái hát đồng song thanh mới mà không giống với trường phái cổ truyền của người Mông Cổ. Nếu với phương pháp của người Mông Cổ, người học cần thời gian vài tháng mới thực hiện được kỹ thuật hát cơ bản thì phương pháp của tôi chỉ trong vài giờ đồng hồ… và đương nhiên muốn hát giỏi thì phải cần thời gian dài hơn, tùy theo năng khiếu của từng người.

Nghiên cứu âm nhạc bất chấp tính mạng…

Anh có thể nói những ứng dụng của kỹ thuật hát đồng song thanh trong âm nhạc và trong đời sống?

Ông Trần Quang Hải: Thứ nhất có thể ứng dụng nó trong âm nhạc đương đại. Nghệ sĩ nhạc cổ điển có thể dùng kỹ thuật đồng song thanh để bổ túc cho việc hát opera. Trong âm nhạc đương đại (contemporary music), những nghệ sĩ hát với những kỹ thuật rất “kỳ cục” để tạo ra những âm thanh rất lạ lùng, càng lạ lùng chừng nào thì họ càng thích.

Việc ứng dụng kỹ thuật hát đồng song thanh sẽ tạo ra được những âm thanh rất mới lạ. Có gần chục người sáng tác âm nhạc đương đại ở Na Uy, Pháp, Mỹ… đã học với tôi để sáng tác những tác phẩm đương đại có những âm thanh lạ từ bồi âm của kỹ thuật hát đồng song thanh.

Thứ hai là giúp cho giọng hát người ca sĩ có được làn hơi dài và mạnh. Và cuối cùng là giúp cho những người nhút nhát có được sự tự tin, những người xướng ngôn viên, những diễn giả có được giọng nói đầy thuyết phục, giúp cho những người bị hỏng thanh quản có thể nói được nhờ sử dụng một bộ phận khác của cổ họng để phát âm mà không cần đến dây thanh quản.

Anh có thể kể những gì gian nan nhất trong quá trình nghiên cứu để tạo ra trường phái hát đồng song thanh của Trần Quang Hải và nhất là cái mà anh gọi là có thể để chữa bệnh?

Ông Trần Quang Hải: Tôi đã từng vào một bệnh viện ở Pháp dùng những máy đo thọt vào mũi, miệng để biết được cơ chế hoạt động của dây thanh quản khi hát đồng song thanh.

Nguy hiểm hơn, tôi đã chấp nhận để người ta chiếu quang tuyến X trong một thời gian dài để thí nghiệm nhằm biết được hoạt động của các thớ thịt ở cổ họng khi không dùng đến dây thanh quản mà vẫn tạo ra được tiếng nói.

Về điều này các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo tôi là có thể bị ung thư cổ họng và tôi đã sẵn sàng ký vào biên bản cam kết, biến mình thành “con vật” thí nghiệm cho những nghiên cứu của mình bất chấp cả tính mạng.

Ba tôi (giáo sư-tiến sĩ Trần Văn Khê) đã nói rằng nếu phải làm điều đó thì ông không dám làm. Nhưng tôi nghĩ rằng có dám như thế mình mới có những cứ liệu xác đáng cho công trình nghiên cứu của mình.

Có thể giúp người hỏng thanh quản nói được

Tại sao anh không mở một trung tâm để dạy kỹ thuật đồng song thanh cho những người bị hỏng dây thanh quản nhằm giúp họ có thể nói được mà không cần phải phẫu thuật để đặt “máy nói” vào cổ họng?

Ông Trần Quang Hải: Trước hết phải nói rằng, nếu áp dụng kỹ thuật hát đồng song thanh để giúp những người bị hỏng dây thanh quản có thể nói được thì chi phí rất thấp mà không phải phẫu thuật.

Nhưng ở các nước phương Tây, muốn chữa bệnh thì phải có bằng bác sĩ, tôi muốn giúp cho những người bị hỏng dây thanh quản có thể nói được, trước hết tôi phải là bác sĩ tai, mũi, họng.

Nghĩa là tôi phải đi học để trở thành bác sĩ hoặc một bác sĩ nào đó (có năng khiếu âm nhạc) phải học lối hát đồng song thanh thật hoàn hảo như tôi mới đủ năng lực và tư cách pháp lý để chữa bệnh cho mọi người.

Nhưng điều này cũng thật oái oăm vì các bác sĩ thì chưa có ai đủ kiên nhẫn để học đồng song thanh với tôi, còn tôi thì không chịu đi học để có bằng bác sĩ…

Nếu ở Việt Nam mở một trung tâm chữa bệnh bằng kỹ thuật hát đồng song thanh, anh có hợp tác?

Ông Trần Quang Hải: Điều đó còn tùy thuộc vào trang thiết bị và tùy thuộc vào  vấn đề  tài chính, ít ra là trả lương cho tôi như tôi đang làm việc tại Pháp.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục