Hát sắc bùa - phong tục đẹp chúc Tết ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh

Nhiều vùng quê ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đến nay vẫn giữ phong tục chúc Tết bằng những câu hát sắc bùa.
Hát sắc bùa - phong tục đẹp chúc Tết ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh ảnh 1Một đội hát sắc bùa đang biểu diễn. (Nguồn: doankyanhht.org.vn)

Tiễn năm cũ, đón năm mới với nhiều hy vọng mới, mọi người đều dành cho nhau những tình cảm, lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp đầu xuân.

Nhiều vùng quê ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đến nay vẫn giữ phong tục chúc Tết bằng những câu hát sắc bùa.

Hát sắc bùa là một hình thức ca múa nhạc dân gian, từ lâu đã trở thành tục lệ sinh hoạt văn hóa ở nhiều làng xóm trong huyện Kỳ Anh vào mỗi độ Tết đến, Xuân về.

Loại hình nghệ thuật này vừa mang yếu tố tâm linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, vật thịnh người lành, cuộc sống an vui hạnh phúc.

Giáp Tết, khi công việc đồng áng đã vơi đi, ngoài việc tất bật sửa soạn nhà cửa, mua sắm để chờ đón năm mới, hầu như nhà nào cũng sửa soạn để chờ đón đội hát sắc bùa đến chúc Tết sau giao thừa.

Về xã Kỳ Hải những giáp Tết, từ đầu xã đã vang tiếng trống, coòng và nhộn nhịp không khí tập luyện của các phường hát sắc bùa.

Đội sắc bùa thường được tổ chức ít nhất từ 6-12 người, đông thì vài ba chục người gọi là phường bùa.

Trong đội thường có một ông cai sắc, một ông tróc quỹ, một người đóng quỹ, một người đánh trống, một người gõ phách, một ông đọc thần chú; những người còn lại có vai trò như đội đồng ca.

Ông cai sắc thường là người nhanh nhẹn, thông thạo các bài hát chúc mừng và có thể ứng khẩu sáng tác tùy theo hoàn cảnh gia đình và đối tượng sao cho phù hợp từng gia cảnh. Phường hát tập trung tập luyện từ đầu tháng Chạp và bắt đầu hát vào đêm 30 Tết cho đến hết tháng Giêng.

Trong đêm 30 Tết, sau khi tập trung làm nghi lễ tại Đình làng, vào lúc giao thừa vừa điểm, phường hát sắc bùa bắt đầu đến chúc Tết các gia đình.

Trên đường đi, đoàn còn thu hút đông đảo người dân đi theo cổ vũ. Đoàn vừa đi vừa hát và đánh trống, chiêng, thanh la, sính tiền.

Sức hấp dẫn của hát sắc bùa là sự kết hợp của nhạc cụ và lời ca. Khi đội sắc bùa đến ngõ, ông cái xướng lên: “Đầu xuân năm mới, trai chúng tôi đến mừng tuổi gia đình. Trên kính lạy tiên tổ, tiên linh phù hộ độ trì cho con cháu được an khang thịnh vượng. Sang năm mới kính chúc gia đình gặp nhiều may mắn. Cầu tài thì đắc lộc, cầu bình an thì được bình an." Các thành viên trong đội họa theo: “Đón xuân đón tết. Xóm làng nô nức gia đình thành tâm.”

Sau bài mở ngõ và bài vào xuân, chủ nhà mời đội sắc bùa vào làm lễ nơi bàn thờ tổ tiên, ông cái khấn vái và xin phép tổ tiên gia chủ, hai tay nâng lấy lá bùa dán lên cột nhà. Lá bùa có nội dung kính chúc gia chủ bách niên giai lão, thần nông hộ vận hay thần ngư phù trợ chủ nhà làm ăn may mắn, phát đạt.

Trong hát sắc bùa, phần hát chúc gia chủ phát đạt với nghề đang theo là nội dung không thể thiếu. Đến nhà gia đình làm nông, ông cái xướng bài chúc nhà nông. Đến nhà làm nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, ông cái xướng bài chúc nghề dệt lụa.

Đội sắc bùa đi đến đều mang đến sự vui vẻ và nhận được hưởng ứng nhiệt tình của mọi người. Chủ nhà nhận được lời chúc của phường bùa thì cũng có lời đáp lại, cứ như thế cuộc thi thố tài năng trở nên lôi cuốn và hấp dẫn. Sau đó, phường sắc bùa hát lời cảm tạ để đến với gia đình khác.

Phường sắc bùa thôn Nam Hải (xã Kỳ Hải) hiện có 7 thành viên đều là các vị lão niên như cụ Hoàng Xuân Tùng, cụ Phan Thọ, cụ Nguyễn Bách... Phường hát sinh hoạt thường xuyên ở thôn, ngoài ra còn phục vụ ở các xã trong và ngoài huyện trong các dịp liên hoan, hội nghị.

Đến nay, ngoài phường sắc bùa của các cụ lão niên thì còn có thêm đội sắc bùa của phụ nữ và của các cháu thiếu nhi gồm các em nam trong độ tuổi từ 10 đến 12 tuổi, trong những ngày giáp Tết này, còn có thêm các em học sinh trung học phổ thông tham gia tập luyện.

Gần đây, tại thôn Trung Hải (xã Kỳ Hải), một đội hát múa sắc bùa cũng đã được thành lập với 8 thành viên đều là các cụ lão niên và đội đã ra mắt bằng một số buổi biểu diễn ở thôn.

Đây là một tín hiệu phấn khởi trong công tác lưu giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hoá nói chung, hát múa sắc bùa nói riêng của xã Kỳ Hải và cả huyện Kỳ Anh trong thời gian tới.

Ông Bùi Đức Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cho biết ngành văn hóa đang có kế hoạch từng bước khôi phục điệu hát dân gian độc đáo này. Nhiều địa phương đã mời một số nghệ nhân truyền nghề cho con cháu.

Ngành giáo dục cũng đưa dạy hát sắc bùa vào trường học thông qua các tiết ngoại khóa.

Một mùa xuân mới lại về, khắp các thôn, xóm của xã Kỳ Hải nói riêng, huyện Kỳ Anh nói chung rộn ràng tiếng trống, tiếng thanh la, thanh tiền và giọng hát của các đội hát sắc bùa say sưa tập luyện những làn điệu chúc Tết, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, ấm no hạnh phúc./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục