Hậu Brexit: Anh cam kết sẽ mở cửa với người lao động EU

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cam kết sẽ mở cửa cho người lao động đến từ EU, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng việc Anh rời khỏi EU cũng đặt dấu chấm hết cho sự dịch chuyển tự do.
Hậu Brexit: Anh cam kết sẽ mở cửa với người lao động EU ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 1/10, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cam kết sẽ mở cửa cho người lao động đến từ Liên minh châu Âu (EU), đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng việc Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit) cũng đặt dấu chấm hết cho sự dịch chuyển tự do.

Phát biểu của ông Hammond cho thấy trong quá trình đàm phán Brexit, Chính phủ Anh phần nào cũng phải thích ứng với vấn đề dịch chuyển tự do của người lao động mà giới lãnh đạo EU luôn nhấn mạnh đến.

Bộ trưởng Hammond khẳng định phía Anh sẽ cố gắng đạt được một giải pháp mà có thể thỏa mãn những yêu cầu then chốt của Brexit, ví dụ như khôi phục chủ quyền, kiểm soát biên giới, duy trì tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế... Tuy nhiên, theo ông, Brexit không đồng nghĩa với việc nước Anh hoàn toàn đóng cửa với người lao động có tay nghề cao đến từ các thành viên EU.

Trước đó, Bộ trưởng Hammond cũng đã tỏ ý phản đối khả năng "Brexit cứng," ám chỉ việc nước Anh "đoạn tình" hoàn toàn với EU mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Liam Fox và Bộ trưởng Brexit David Davis - ba thành viên nội các Anh chịu trách nhiệm chủ yếu trong tiến trình đàm phán với EU, vẫn đang gây áp lực nhằm siết chặt các quy định nhập cư thời kỳ hậu Brexit.

Cuộc trưng cầu ý dân diễn ra ngày 23/6 vừa qua quyết định quy chế thành viên của Anh trong EU kết thúc với phần thắng thuộc về phe ủng hộ Brexit, 51,9%, trong khi phe mong muốn ở lại là 48,1%.

Giới chuyên gia dự báo “cuộc hôn nhân” đứt gánh này sẽ kéo theo nhiều tác động tiêu cực. Ước tính, Brexit sẽ khiến Anh mất đi một thị trường ổn định 500 triệu dân ở các nước EU, dẫn tới thiệt hại 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020, bởi hơn một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Anh hiện có điểm đến là các nước EU, đóng góp từ 4-5% GDP. Ngoài ra, ngành ngân hàng, vốn đóng góp tới 8% tổng sản lượng kinh tế Anh, cũng sẽ bị ảnh hưởng khi Anh không còn là thành viên của EU.

Không chỉ làm suy yếu nền kinh tế, Brexit còn có thể kéo theo nguy cơ khiến xã hội Anh trở nên bất ổn. Hơn 2,2 triệu người Anh đang sinh sống và làm việc lại các nước khác trong EU, có thể lâm vào cảnh thất nghiệp, đồng thời bị cắt đứt mọi quyền lợi tiếp cận ưu đãi trong xã hội.

Ngoài ra, Brexit cũng có thể tạo ra một tiền lệ xấu, khiến xứ Wales hay Scotland, vốn là khu vực có tỷ lệ ủng hộ EU rất cao, sẽ tiến hành trưng cầu ý dân để tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh.

Một viễn cảnh tồi tệ hơn nữa đó là các nước như Đức, Pháp, Tây Ban Nha... cũng có khả năng tách khỏi EU sau khi phe ủng hộ rời EU tại Anh giành chiến thắng, từ đó đẩy liên minh này đứng trước nguy cơ tan rã./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục