Hậu Giang cho phép karaoke hoạt động lại, Bắc Kạn điều trị F0 tại nhà

Hậu Giang cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, karaoke… được hoạt động trở lại nhưng không quá 50% công suất, Bắc Kạn cho phép chủ động thực hiện cách ly, điều trị F0 tại nhà.
Hậu Giang cho phép karaoke hoạt động lại, Bắc Kạn điều trị F0 tại nhà ảnh 1Thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Hậu Giang cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, karaoke… được hoạt động trở lại nhưng không quá 50% công suất, Bắc Kạn cho phép chủ động thực hiện cách ly, điều trị F0 tại nhà.

Hậu Giang cho phép quán karaoke hoạt động trở lại

Chiều 14/1, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh ký công văn số 58/UBND-NCTH về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, từ 15 giờ, ngày 14/1, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, karaoke, spa, massage… được hoạt động không quá 50% công suất.

Cụ thể, đối với hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, karaoke, internet, khu vui chơi, giải trí, trò chơi điện tử, các cơ sở làm tóc, spa, massage, làm đẹp… được phục vụ khách tại chỗ (trừ địa bàn có dịch cấp 4 phải dừng hoạt động) nhưng cam kết số lượng khách không quá 50% công suất, đồng thời thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa các bàn ăn, uống.

Chủ cơ sở phải có biện pháp kiểm soát thông tin khách hàng để phục vụ truy vết (quét QR-Code); tất cả khách hàng, nhân viên và người quản lý đều phải tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng; thực hiện test nhanh kháng nguyên sàng lọc SARS-CoV-2 thường xuyên cho người lao động định kỳ ít nhất 2 tuần/lần.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ Thông báo đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh hằng tuần hoặc đột xuất để chủ động triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch và các hoạt động kinh tế, đời sống xã hội của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó linh hoạt, kịp thời, chủ động kiểm soát dịch trong mọi tình huống.

[Hà Nam dừng tổ chức lễ hội, tạm dừng bắn pháp hoa đêm giao thừa]

Bên cạnh đó, phải đảm bảo duy trì chế độ thường trực phòng, chống dịch 24/24 ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm đáp ứng kịp thời các tình huống dịch.

Tăng cường quản lý, giám sát các trường hợp nhập cảnh là chuyên gia, công dân Việt Nam từ nước ngoài về nghỉ Tết, thăm người thân, lưu trú hoặc làm việc tại địa phương, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia đã ghi nhận biến chủng mới Omicron.

Các huyện, thị xã, thành phố dừng tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các sự kiện, liên hoan, dịp cuối năm có tập trung đông người trên địa bàn và theo phân cấp quản lý (trừ các lễ hội, hội nghị theo yêu cầu nhiệm vụ được giao).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần hạn chế di chuyển khi không cần thiết để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 và bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Trường hợp do nhu cầu phải đến, về địa phương từ vùng có dịch, phải thực hiện khai báo y tế trung thực, chính xác, thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú để được hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Trước đó, ngày 6/11/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành Công văn số 2431/UBND-NCTH về tăng cường một số biện pháp nhằm sớm kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Trong đó, quy định từ 6 giờ, ngày 8/11/2021, các hoạt động ăn, uống tại chỗ của các nhà hàng, quán nhậu, càphê, quán ăn trên địa bàn toàn tỉnh phải tạm dừng, chỉ được bán hàng mang về.

Đối với các cơ sở karaoke, massage, xông hơi, trò chơi điện tử, internet công cộng, rạp chiếu phim... đã tạm ngưng hoạt động từ đầu tháng 6/2021 đến nay.

Tính đến ngày 13/1, tỉnh Hậu Giang ghi nhận 22.176 ca mắc COVID-19, trong đó đã điều trị khỏi 18.354 ca, có 140 ca tử vong.

Tỷ lệ người từ 12 tuổi trở lên được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đạt 99,63%. Tỉnh đang triển khai tiêm vaccine mũi 3 phòng COVID-19 được 103.376 liều.

Bắc Kạn thực hiện kế hoạch điều trị F0 tại nhà

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn vừa ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND cho phép các đơn vị, địa phương chủ động thực hiện cách ly, điều trị F0 tại nhà nếu số lượng bệnh nhân vượt quá khả năng cơ sở, vật chất các cơ sở thu dung điều trị.

Hậu Giang cho phép karaoke hoạt động lại, Bắc Kạn điều trị F0 tại nhà ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Kế hoạch này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người mắc COVID-19 được chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cũng như về vật chất; giảm chi phí ngân sách nhà nước cho việc cách ly điều trị người mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế đồng thời phù hợp với chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19.”

Điều kiện đối với các trường hợp F0 được phép cách ly, điều trị tại nhà là không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ, không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở nhỏ hơn hoặc bằng 20 lần/phút, mức độ bão hòa của oxy trong máu ngoại biên đạt từ 96% trở lên.

Người bệnh đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 sau 14 ngày hoặc là trẻ em trên 1 tuổi, người lớn dưới 50 tuổi, không có bệnh nền hoặc không đang mang thai.

Để được cách ly, điều trị tại nhà, người bệnh cũng cần đáp ứng một số tiêu chí như tự chăm sóc bản thân, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế. Trường hợp không tự chăm sóc bản thân phải có phải người trực tiếp chăm sóc.

Về điều kiện cơ sở vật chất, các gia đình phải có phòng cách ly khép kín, tách biệt với khu sinh hoạt chung và đáp ứng các tiêu chí do ngành y tế quy định… Hiện hai huyện là Pác Nặm và Chợ Mới đã triển khai việc điều trị F0 tại nhà.

Liên quan đến việc phòng, chống dịch COVID-19 dịp cuối năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn vừa ban hành Công văn số 159/UBND-VXNV yêu cầu đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và khuyến cáo toàn thể nhân dân hạn chế di chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh, nhất là trước và trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.

Mọi người hạn chế di chuyển giữa các địa phương trong tỉnh khi không thật sự cần thiết, đặc biệt là di chuyển từ địa bàn có cấp độ dịch thấp đến địa bàn có cấp độ dịch cao hơn và ngược lại (trừ các hoạt động vận chuyển hàng hóa, dịch vụ sản xuất kinh doanh).

Đối với người từ ngoài tỉnh đến giao hàng, bán hàng tại các chợ, kể cả chợ phiên và các điểm giao dịch phải xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi vào tỉnh. Những người thường xuyên đi lại thực hiện xét nghiệm với tần suất 3 ngày/lần.

Các cấp, các ngành bảo đảm duy trì chế độ thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ; sẵn sàng lực lượng 4 tại chỗ để ứng phó kịp thời. Những ngày tới, Bắc Kạn sẽ xây dựng, thực hiện kế hoạch diễn tập trạm y tế lưu động và tổ chức diễn tập xử lý tình huống trong dịp Tết Nguyên đán để bảo đảm công tác chuẩn bị ứng phó được tốt nhất.

Đến ngày 14/1, Bắc Kạn đã có 622 ca mắc COVID-19, trong đó gần 500 người đang cách ly, điều trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục