Hậu Giang: Nhà máy đường chậm vào vụ, nhiều ghe mía nằm chờ

Tại khu vực tập kết mía xung quanh cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, nhiều cây mía đang dần bị khô do phải nằm chờ phơi nắng, phơi mưa nhiều ngày qua.
Hậu Giang: Nhà máy đường chậm vào vụ, nhiều ghe mía nằm chờ ảnh 1Nhiều ghe mía nằm chờ tại cầu cảng nhà máy Casuco, sáng 28/11. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Khoảng 10 ngày qua, việc Nhà máy đường Phụng Hiệp thuộc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) chậm vào vụ sản xuất theo kế hoạch làm nhiều chủ ghe mía bức xúc vì đã đưa ghe tập kết nguồn mía nguyên liệu về nhà máy nhưng phải neo ghe nằm chờ nhiều ngày, làm ảnh hưởng đến chất lượng mía.

Tại khu vực tập kết mía xung quanh cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp (thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), nhiều ghe mía đang neo đậu, nhiều cây mía đang dần bị khô do phải nằm chờ phơi nắng, phơi mưa nhiều ngày qua.

Theo thông báo ban đầu của nhà máy, vào ngày 10/11, nhà máy đường Phụng Hiệp sẽ tiếp nhận mía nguyên liệu từ người dân nhưng đến nay, nhà máy vẫn chưa tiến hành cân mía cho các chủ ghe.

Bà Sơn Thị Nàng (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh), chủ ghe mía với sản lượng gần 50 tấn đang neo đối diện cầu cảng nhà máy, bức xúc cho biết ghe mía của bà nằm chờ nhà máy đường cẩu lên cân đã 9 ngày nay. Có những ghe đến trước thì đã chờ hơn 15 ngày.

Hiện tại, ngoài giảm năng suất so với tại rẫy mía do nằm chờ lâu ngày thì bình quân mỗi ngày, các chủ ghe mía còn tốn từ 100.000-200.000 đồng chi phí sinh hoạt. Đây thực sự là gánh nặng và áp lực không nhỏ cho các chủ ghe mía trong lúc này.

Do nằm chờ quá lâu so với dự tính nên có thời điểm không đủ tiền chi tiêu, có người phải gọi điện mượn tạm ứng với chủ mía.

Bà Nàng và nhiều chủ ghe mía ở đây là người xứ xa đến để chở mía thuê, tiền công từ 70.000-90.000 đồng/tấn mía, trừ chi phí thì còn lợi nhuận chưa đến 2 triệu đồng/chuyến.

Là chủ ghe mía neo cạnh ghe của bà Nàng cũng với tải trọng gần 50 tấn, ông Dương Văn Lộc (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ hiện ông đang rất lo lắng cho gần 50 tấn mía nằm chờ dưới ghe trong 9 ngày qua.

[Hiệp định ATIGA: Thách thức và cơ hội của ngành mía đường Việt Nam]

Các năm trước, ghe mía về cầu cảng nhà máy đường chỉ chờ từ 4-5 ngày là được cân mía. Còn năm nay, các ghe nằm chờ nhiều ngày mà Casuco chưa thông báo gì về tình hình thu mua. Cây mía nằm phơi nắng, phơi mưa nhiều ngày qua nên lớp trên đã bị khô dần và ước tính, năng suất giảm khoảng 2-3 tấn so với ngày đầu về nhà máy. Nếu tình trạng này kéo dài thì năng suất còn giảm thêm.

Theo nhiều chủ ghe mía, họ chỉ có khả năng cầm cự chi phí sinh hoạt thêm 2-5 ngày nữa dù đã tạm ứng với chủ mía 1-2 lần.

Neo ghe mía 30 tấn nằm chờ gần cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp trong 10 ngày qua, ông Trần Văn Trung (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ việc nhà máy đường cứ kéo dài thời gian vào vụ ép so với thông báo ban đầu đang gây nhiều bức xúc cho các chủ ghe mía. Mọi năm, ông chở hơn 10 chuyến ghe mía nguyên liệu cho Nhà máy đường Phụng Hiệp nhưng năm nay, với tình hình này, ông chỉ mong ghe mía của mình sớm được cân xong là về quê, không dám chở thêm chuyến nữa vì thua lỗ.

Trước các phản ánh này, ông Trần Vĩnh Chung - Tổng giám đốc Casuco - thông tin theo kế hoạch ban đầu, ngày 10/11, Nhà máy đường Phụng Hiệp sẽ tiếp nhận mía nguyên liệu từ người dân nhưng đến ngày 12/11, những ghe mía đầu tiên mới cập bến cầu cảng nhà máy. Giá thu mua mía nguyên liệu là 1.300 đồng/kg mía đạt 10 CCS (chữ đường) tại cầu cảng và tăng 10 đồng/kg cho mỗi 0,1 CCS tăng thêm.

Hậu Giang: Nhà máy đường chậm vào vụ, nhiều ghe mía nằm chờ ảnh 2Nhiều ghe mía nằm chờ tại cầu cảng nhà máy Casuco, sáng 28/11. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Đến ngày 14/11, số lượng mía về nhà máy đường chỉ đạt khoảng 400-500 tấn trong khi công suất ép của nhà máy đường Phụng Hiệp là 3.000 tấn mía/ngày đêm và phải hoạt động liên tục trong 48 giờ mới ra đường. Vì vậy, nhà máy cần khoảng 6.000 tấn mía mới đảm bảo sản lượng hoạt động.

Do đó, ngày 14/11, Casuco có thông báo về việc điều chỉnh thời gian vào vụ ép nhằm huy động đủ sản lượng mía về nhà máy mới có thể vào vụ sản xuất.

Tổng giám đốc Casuco cho biết thêm hiện tại, qua thống kê, số lượng ghe mía về nhà máy cơ bản đạt khoảng 4.200 tấn, mặc dù chưa đạt với mức yêu cầu theo công suất là 6.000 tấn, nhưng công ty cam kết tối 28/11 sẽ bắt đầu nâng áp lò hơi và sáng 29/11 tiến hành cân mía và chính thức vào vụ ép.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho người dân phải nằm chờ cân mía, Casuco nâng mức giá thu mua mía từ 1.300 đồng/kg lên 1.380 đồng/kg, mía 10 CCS cân tại cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp và đưa ra giải pháp cân mía xô (không tính chữ đường, tạp chất) với giá 1.350 đồng/kg. Người dân có thể chọn 1 trong 2 phương án để bán mía cho nhà máy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục