Hầu hết thị trường châu Á lên điểm theo phố Wall

Hầu hết thị trường châu Á đều lên điểm theo phố Wall

Hầu hết các thị trường châu Á lên điểm trong phiên 4/2, theo sau đà phục hồi trên phố Wall nhờ số liệu việc làm khả quan của Mỹ.
Hầu hết các thị trường châu Á lên điểm trong phiên giao dịch ngày 4/2, theo sau đà phục hồi trên phố Wall nhờ số liệu việc làm khả quan của Mỹ, trong khi báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp vững chắc và nhận định rằng đồng yên yếu sẽ tạo thuận lợi cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản cũng kéo nhà đầu tư tới thị trường chứng khoán.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,6%. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 9,13 điểm, hay 0,38%, lên 2.428,15 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 69,01 điểm, hay 0,62%, lên mức cao trong 33 tháng là 11.260,35 điểm. Chỉ số weighted của vùng lãnh thổ Đài Loan tăng 67,19 điểm, hay 0,85%, lên 7.923,16 điểm.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 36,83 điểm, hay 0,16%, xuống 23.685,01 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 4,58 điểm, hay 0,23%, xuống 1.953,21 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 của Australia giảm 13,6 điểm, hay 0,28%, xuống 4.907,5 điểm.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy kinh tế nước này đã tạo thêm 157.000 việc làm trong tháng 1 vừa qua và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 7,9%. Tuy nhiên, số liệu được điều chỉnh của cả năm 2012 cho thấy tăng trưởng việc làm trung bình đạt 181.000/tháng, so với mức ước tính 153.000 và đây là minh chứng cho sức bật đáng chú ý của thị trường lao động Mỹ.

Theo giới phân tích, kinh tế Mỹ đang có được động lực khá tốt, trong khi các cuộc thương lượng về nợ công đã được hoãn lại cho đến tháng 5. Số liệu việc làm đã tạo đà để chỉ số Dow Jones cuối tuần bật tăng 1,08%, lên 14.009,79 điểm, lần đầu tiên vượt ngưỡng 14.000 kể từ tháng 10/2007, khi chỉ số này đạt kỷ lục 14.164,53 điểm.

Sự lạc quan không chỉ đến từ thông tin về thị trường lao động Mỹ mà còn được bổ sung bằng số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu trong tháng 12/2012 thấp hơn dự kiến. Việc kinh tế Mỹ vẫn giữ được động lực cho sự phục hồi và đà suy giảm của các hoạt động kinh tế tại châu Âu có thể đang bứt đáy đã làm giảm sự thận trọng của nhà đầu tư đối với tài sản rủi ro. Trong khi đó, Trung Quốc cũng góp thêm thông tin tích cực, với chỉ số quản lý sức mua chính thức của lĩnh vực phi chế tạo tăng tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 1.

Sự chú ý trong tuần này sẽ chuyển sang Trung Quốc, khi nước này công bố số liệu về lạm phát và thương mại trước kỳ nghỉ Năm Mới. Các nhà đầu tư ở các thị trường châu Á cũng trông đợi rằng kỳ nghỉ Tết âm lịch bắt đầu trong tuần này sẽ thúc đẩy doanh số bán lẻ và làm gia tăng lượng du khách từ Trung Quốc tới các nước láng giềng. Đang có những nhận định rằng các chính sách của Trung Quốc và các thị trường đang nổi khác sẽ tạo động lực cho các thị trường chứng khoán.

Trong tuần, Ngân hàng trung ương Australia cũng thông báo kết quả cuộc họp chính sách, với dự báo của các nhà phân tích là lãi suất sẽ được giữ nguyên./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục