Hậu quả chiến lược của cuộc khủng hoảng COVID-19

SARS-CoV-2 không nguy hiểm như trong phim "Dịch bệnh" nhưng đáng sợ vì tương đối hiếm trên bình diện dịch tễ học. Lặng lẽ và dễ lây lan, virus khiến nhiều người phải nằm viện trong thời gian khá dài.
Hậu quả chiến lược của cuộc khủng hoảng COVID-19 ảnh 1Cảnh sát tuần tra tại Paris, Pháp khi lệnh phong tỏa toàn quốc do dịch COVID-19 được ban bố. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhà nghiên cứu chính trị Bruno Tertrais, Phó Chủ tịch Quỹ nghiên cứu chiến lược, một cơ quan nghiên cứu lớn của Pháp nhận xét thế giới chúng ta sống đang trải qua giai đoạn như trong "Dịch bệnh" (Contagion, 2011), một bộ phim giả tưởng, với những hậu quả lớn cho tương lai.

Virus SARS-CoV-2 không nguy hiểm như trong bộ phim nhưng đáng sợ vì tương đối hiếm trên bình diện dịch tễ học. Lặng lẽ và dễ lây lan, virus khiến nhiều người phải nằm viện trong thời gian khá dài.

Chính vì lý do đó, việc sử dụng thành ngữ “thiên nga đen” không phải không phù hợp, vì nếu như đại dịch có quy mô toàn cầu đã được đề cập đến trong nhiều kịch bản triển vọng thế giới mà các nhà nghiên cứu đã vạch ra từ 20 năm nay, một cuộc khủng hoảng có tầm vóc như thế này hoàn toàn nằm ngoài các giả thuyết được ưa thích.

Mặc dù vậy, thực tế không phải không có lý khi đánh cược rằng hệ thống toàn cầu đương đại đủ sức đối phó hiệu quả với một đại dịch mới, như các trường hợp trước đây của các loại virus SARS, MERS hoặc các chủng virus thuộc dòng cúm A (H1N1 hay H5N1).

Hiệu ứng cánh bướm

Trong trường hợp này, hiệu ứng cánh bướm thể hiện một cách rõ ràng, căn bệnh nhiều khả năng xuất phát từ một chợ buôn bán động vật sống mà người Trung Quốc ưa thích vào dịp Tết năm mới, sau đó lan rộng ra khắp thế giới sau vài tuần lễ.

Giống như đại dịch hạch trong lịch sử, dịch bệnh đã chạy dọc theo con đường tơ lụa - chỉ khác là theo chiều ngược lại - với tốc độ nhanh hơn nhiều và bằng đường không.

[Pháp: Gần 15.000 trường hợp tử vong vì COVID-19, gia hạn phong tỏa]

Virus này chỉ mất ít tuần là lan tới Nam Bán Cầu, tác động mạnh nhất đến những khu vực có dân số già nhất thế giới (Tây Ban Nha đang nắm giữ kỷ lục châu Âu về tuổi thọ).

Bản đồ phân bố dịch bệnh vào đầu tháng Tư trông giống như bản đồ hàng không. Tuy nhiên, cũng như hai cuộc chiến tranh thế giới, dù nó không tác động một cách trực tiếp và sâu sắc đến tất cả các lục địa, dịch bệnh đã gây ra những hiệu ứng toàn cầu.

Nassim Nicholas Taleb, người đã cảnh báo từ rất sớm hậu quả tiềm tàng của virus SARS-CoV-2, đã lưu ý “các hệ thống kết nối phức tạp sẽ có những đặc tính cho phép một số hiện tượng có khả năng vượt khỏi tầm kiểm soát và tạo ra những kết quả cực đoan.”

Đại dịch là phép thử tuyệt vời cho xã hội hiện đại và cũng là bất ngờ chiến lược tương tự như sự sụp đổ của bức tường Berlin hay cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Chúng ta còn cách điểm cuối của cuộc khủng hoảng rất xa, nên nhiều câu hỏi vẫn bỏ ngỏ, chẳng hạn như cách thức mà các cường quốc Nga, Ấn Độ thoát khỏi tình trạng này, hoặc mức độ của dịch bệnh tác động lên châu Phi cận xích đạo, khu vực có khả năng sẽ chống đỡ tốt hơn, do nhiều dự đoán cho rằng điều kiện địa lý và thời tiết đóng vai trò quan trọng trong việc phát tán virus SARS-CoV-2.

Hiện tại, giới phân tích đang cố gắng tìm hiểu tình hình và không ai dám chắc điều gì. Tuy vậy, có thể rút ra một số xu hướng dễ xảy ra như sự thụt lùi của toàn cầu hóa, sự suy yếu của chủ nghĩa dân túy, nhưng đi kèm với thành công của chủ nghĩa chủ quyền quốc gia (souverainisme - tư tưởng đề cao chủ quyền) và biên giới quốc gia, sự trở lại của nhà nước quyền lực, sức hấp dẫn của giám sát xã hội và nguy cơ xuất hiện các hành động chính trị hay quân sự cơ hội...

Ngoài ra, cũng có thể đánh cược rằng, sẽ không có trục quyền lực nào bước ra khỏi khủng hoảng mạnh mẽ hơn, dù đó là một quốc gia đơn lẻ hay mô hình chính trị.

Toàn cầu hóa chậm lại

Các cuộc khủng hoảng lớn thường đóng vai trò gia tốc cho các xu hướng và lần này cũng không phải ngoại lệ. Toàn cầu hóa chậm lại đã diễn ra từ trước. Tỷ trọng thương mại quốc tế trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm mạnh trong thập kỷ qua (61% năm 2008 so với 51% năm 2018).

Tương tự, tỷ trọng giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và GDP cũng giảm từ mức 3,8% của năm 2008 xuống mức 1,4% vào năm 2018.

Nguyên nhân chính là do khủng hoảng tài chính và các vụ thiên tai lớn đã cho thấy tính chất dễ bị tổn thương của các nền kinh tế (như trường hợp của Nhật Bản hồi năm 2011), tiếp sau đó là sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ, rồi đến sự phát triển của công nghệ khi tiến trình tự động hóa cho phép doanh nghiệp đưa nhiều ngành công nghiệp quay về nước, và những quan ngại môi trường.

Hậu quả chiến lược của cuộc khủng hoảng COVID-19 ảnh 2Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong ngắn hạn, doanh nghiệp sẽ cần cấu trúc lại lợi nhuận và tiếp tục tìm nguồn nguyên liệu, phụ tùng ở châu Á. Tuy nhiên, về trung hạn, các chuỗi giá trị sẽ rút ngắn lại, quy trình sản xuất đúng thời điểm (just in time, hay JIT, một thuật ngữ kinh tế) sẽ giảm xuống.

Dự trữ chiến lược trong y tế (hiện nay 80% hoạt chất dược phẩm sản xuất tại Trung Quốc hay Ấn Độ) cũng sẽ được củng cố. Bên cạnh đó, khả năng chống đỡ các cú sốc quốc tế sẽ là từ ngữ nòng cốt trong các chính sách kinh tế.

Tại Washington hay Bắc Kinh, những người ủng hộ quan điểm “tách” nền kinh tế của hai nước ra khỏi nhau sẽ càng được củng cố. Nếu nhìn lại ba kịch bản tương lai của thế giới do Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đề ra năm 2017 (Global Trends 2035), kịch bản thế giới sẽ giống như những “quần đảo”, chỉ sự phân mảnh sẽ dễ thành hiện thực hơn so với mô hình “các quỹ đạo,” sự cạnh tranh giữa các cường quốc hay mô hình “cộng đồng” - tức là các nước hợp tác với nhau trong một thế giới siêu kết nối chặt chẽ.

Không phải ngẫu nhiên nếu kịch bản “Các quần đảo” được các nhà phân tích dự đoán sẽ xuất hiện sau một đại dịch năm 2023, tất nhiên cùng với tác động của một loạt nhân tố quan trọng khác.

Tuy nhiên, cũng giống như Đại dịch hạch đã không thể đánh dấu chấm hết cho quá trình lưu thông qua đường biển, khủng hoảng COVID-19 sẽ không thể chấm dứt toàn cầu hóa và nó cũng chắc chắn sẽ chỉ tác động hạn chế đến việc đi lại bằng đường hàng không.

Một xã hội kết nối chặt chẽ với nhau sẽ tạo ra nhiều lợi ích hơn bất lợi trong việc quản lý dịch bệnh: Cảnh báo và giám sát, vận chuyển y tế, hỗ trợ quốc tế, hợp tác khoa học...

Chủ nghĩa dân túy thụt lùi, chủ quyền quốc gia lên ngôi

Sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy có thể sẽ vấp phải một cú hãm phanh lớn. Trước hết, bởi vì một trong những tính chất của nó là ngờ vực chính quyền và ý kiến chuyên gia.

Nếu như nền kinh tế hậu khủng hoảng xuất hiện tình trạng siêu lạm phát do việc bơm thêm tiền tệ và tăng giá sản phẩm vì được sản xuất nhiều hơn ở trong nước, điều này sẽ sinh ra bất ổn xã hội và tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của “làn sóng dân túy thứ hai.”

Ngược lại, chủ nghĩa chủ quyền quốc gia theo logic sẽ là “kẻ thắng” sau khủng hoảng, được Ivan Krastev, chuyên gia chính trị học người Bungari, gọi là chủ nghĩa thần bí về các đường biên giới.

Giống như y tế, nông nghiệp sẽ xuất hiện trào lưu đưa sản xuất trở về nước. Dưới tác động của các cuộc khủng hoảng năm 2000 và 2010, xã hội các nước sẽ có xu hướng thu mình lại và đòi hỏi được bảo vệ nhằm chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài theo nghĩa rộng nhất: chủ nghĩa khủng bố, khủng hoảng tài chính, nhập cư bất hợp pháp, cạnh tranh thương mại...

Phát biểu trước quốc dân về mối đe dọa của virus SARS-CoV-2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã không ngần ngại mượn một thuật ngữ mà phe ủng hộ Brexit hay dùng; đó là: "Chúng ta phải tái lập quyền kiểm soát."

Đây sẽ là dấu chấm hết cho ý tưởng thế giới không biên giới. Châu Âu sẽ đóng cửa chặt với luồng người di cư từ châu Phi nếu như lục địa này trở thành “nguồn dự trữ” của virus SARS-CoV-2 như dự đoán của các nhà dịch tễ học đưa ra hồi đầu tháng Tư.

Vai trò quyền lực nhà nước gia tăng

Giống như sau tất cả các cuộc khủng hoảng an ninh - chiến tranh, khủng bố, dịch bệnh, vai trò của nhà nước sẽ được củng cố. Chức năng của nhà nước là phát huy sự kiểm soát người dân và can thiệp vào nền kinh tế (hỗ trợ kích cầu).

Ngoài hỗ trợ kinh tế, ưu tiên của các chính phủ trong những năm tới là y tế và an ninh, tất cả các lĩnh vực khác kể cả giáo dục và môi trường, có thể sẽ lu mờ.

Các nền dân chủ tự do nhất như Anh hay Hà Lan trong thời gian đầu bị cám dỗ bởi quan điểm “mặc kệ” và đánh cược vào chính sách miễn dịch cộng đồng cuối cùng đã phải lùi bước trước những số liệu đáng sợ về số người có khả năng tử vong nếu theo đuổi chiến lược này.

Theo dự báo của mô hình thống kê do Trường đại học hoàng gia Anh (Imperial College) thực hiện, nước Anh có thể có đến 250.000 người chết vì dịch bệnh.

Thế giới sẽ bước vào thời kỳ lên ngôi của chủ nghĩa toàn trị trong lĩnh vực kỹ thuật số, trong đó các biện pháp giám sát, phát hiện và trấn áp thông qua dữ liệu điện tử sẽ được chính quyền khai thác sử dụng tràn lan.

Trong khi đó, việc vai trò của nhà nước được củng cố trong lĩnh vực kinh tế không nhất thiết đồng nghĩa với thất bại của các nhân tố tư nhân lớn, nhất là các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ số, thành công của các sản phẩm do nhóm GAFAM - Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft - là minh chứng cho thấy điều này.

Và thành công của chủ nghĩa chủ quyền quốc gia cũng sẽ không tự động kéo theo sự đi xuống của hợp tác quốc tế. Các thiết chế thế giới không phải bao giờ cũng xứng tầm - như trường hợp của Tổ chức Y tế Thế giới được đa số cho rằng quá thụ động, nhưng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Liên minh châu Âu (EU), nhất là Ngân hàng trung ương châu Âu, đã chứng tỏ khả năng nắm bắt nhanh các thách thức kinh tế và đóng vai trò lớn hơn rất nhiều so với trước đây, chẳng hạn so với hợp tác quốc tế trong cuộc Đại suy thoái 1929.

Vấn đề hiện nay là chờ xem các phản ứng tầm quốc gia có phần ích kỷ trong những tuần đầu, như cuộc chiến giá dầu, thiếu tinh thần đoàn kết giữa các nước thành viên châu Âu, các quyết định đột ngột của Chính quyền Tổng thống Trump, có để lại những vết sẹo hay không. Tuy vậy, sẽ rất rủi no nếu đặt cược vào sự hồi phục của chủ nghĩa đa phương.

Các cực sức mạnh đều mất mát

Nước Mỹ đã rút khỏi vai trò lãnh đạo nhưng cũng chưa có một trục sức mạnh nào đóng vai trò này và sẽ không có kẻ thắng sau khủng hoảng. Khả năng tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump từ bây giờ vấp phải hai trở ngại nghiêm túc.

Một là không đủ khả năng nắm lấy cơ hội do dịch bệnh tạo ra và hai là sự nổi lên của một ứng cử viên Dân chủ có kinh nghiệm và hay cảm thông, Joe Biden.

Nhiều khả năng ông Donald Trump sẽ tiến hành chiến dịch tranh cử dựa trên những chủ đề mà ông ưa thích như chỉ trích Trung Quốc là nguồn gốc gây nên dịch bệnh thông qua việc Chính quyền Mỹ liên tục nhấn mạnh khái niệm “virus Trung Quốc,” và hứa hẹn sẽ có thêm biện pháp bảo vệ đường biên giới.

Trong tất cả các trường hợp, sẽ rất khó để nước Mỹ từng hành động một cách hỗn loạn trong cuộc chiến chống dịch bệnh - do hệ thống chính quyền liên bang - và có khả năng phải chứng kiến một thảm họa nhân đạo chưa từng có trong lịch sử hiện đại với hàng trăm nghìn người tử vong tùy theo các dự đoán khác nhau, chỉ thua Chiến tranh thế giới thứ hai - tiếp tục là mô hình cho thế giới.

Trong khi đó, Trung Quốc từng là vấn đề trước khi trở thành giải pháp (nhờ viện trợ quốc tế) trong cuộc chiến chống lại virus. Tuy nhiên, dù có như vậy, người ta vẫn nghi ngờ khả năng Trung Quốc bước ra khỏi khủng hoảng mạnh mẽ hơn.

Phản ứng của Mỹ và châu Âu chậm chạp so với của châu Á, điều này sẽ có hậu quả, khiến vòng hào quang của “nhãn hiệu phương Tây” bị lu mờ thêm. Trên thực tế, năng lực ứng phó với dịch bệnh châu Âu cũng không có gì sáng sủa hơn Mỹ và Trung Quốc.

Thẩm quyền của EU trên lĩnh vực y tế khá hạn chế, nhưng phản ứng của EU chậm chạp, giống như tình đoàn kết giữa các nước thành viên. Ngày mai, sẽ có nguy cơ những thành quả đã đạt được, như khối Schenghen hay Quy định chung về bảo mật dữ liệu cá nhân của EU, biến mất hoặc bị vi phạm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục