Hậu trường gay cấn của hội nghị EU-Trung Quốc

Jo Leinen, Chủ tịch phái đoàn Nghị viện châu Âu về quan hệ với Trung Quốc coi những cam kết về cải cách của Trung Quốc là kết quả từ lập trường cứng rắn hơn của EU.
Hậu trường gay cấn của hội nghị EU-Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Central Banking)

Theo trang mạng scmp.com, hai ngày trước khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lên chuyến bay từ Bắc Kinh tới Brussels để tham dự cuộc họp thường niên với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) diễn ra hôm 9/4, đội ngũ ngoại giao của ông đã cảm thấy tuyệt vọng.

Họ đang phải đấu tranh để đưa các đối tác EU trở lại bàn đàm phán nhằm thông qua một tuyên bố chung sẽ được đưa ra vào cuối cuộc họp giữa Lý Khắc Cường và các lãnh đạo EU, bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.

Hai bên đã có thể soạn thảo một tuyên bố chung vào phút chót, nhưng chỉ sau khi các nhà đàm phán châu Âu đe dọa bỏ họp nếu Lý Khắc Cường không cho biết cam kết cải cách và thời gian thực hiện của Trung Quốc là gì.

Các nhà ngoại giao cho biết việc thể hiện thái độ "thù địch" hiếm hoi này của EU cho thấy sự thiếu kiên nhẫn của họ trong bối cảnh Trung Quốc chưa thể đưa ra được những cam kết chắc chắn về việc khi nào và bằng cách nào Bắc Kinh sẽ đưa ra những cải cách thị trường vốn được EU chờ đợi trong nhiều năm qua.

Theo giới phân tích, các đại diện EU cũng cho thấy những dấu hiệu bị thúc đẩy bởi hành vi của Tổng thống Mỹ Donald Trump và đội ngũ của ông trong việc gây áp lực buộc Trung Quốc phải đảm bảo các điều khoản giao dịch tốt hơn.

Một châu Âu quyết đoán hơn trước đã bắt đầu lộ rõ chỉ vài tuần trước hội nghị thượng đỉnh.

Từng là một bên ủng hộ cho mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, EU đã xuất bản tài liệu “EU-Trung Quốc: Một cái nhìn chiến lược” hôm 12/3 vừa qua, qua đó đả kích một cách chưa từng thấy Bắc Kinh như một “đối thủ mang tính hệ thống” cùng với 10 đề xuất đối phó với Bắc Kinh.

[Tuyên bố chung EU-Trung Quốc chỉ được chốt vào phút chót]

Bản báo cáo được công bố ngay trước chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn là chuyến đi mà Trung Quốc hy vọng sẽ được nhấn mạnh bởi quyết định của Italy tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, quốc gia đầu tiên trong nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) tham gia.

Mặc dù thành tựu đó đã đạt được, song Trung Quốc lại phải nhận lấy sự chỉ trích từ lãnh đạo một quốc gia khác mà ông Tập Cận Bình đến thăm: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Trước chuyến thăm Pháp của Tập Cận Bình, Macron đã nói: “Thời kỳ ngây thơ của châu Âu đã hết” khi nhắc đến cách đối phó với Trung Quốc. Trong bối cảnh Berlin cũng đang có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chiến lược EU, Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) gần đây cũng bắt đầu mô tả Bắc Kinh chính là một “đối thủ mang tính hệ thống.”

Reinhard Bütikofer, một thành viên Nghị viện châu Âu và cũng là Phó chủ tịch phái đoàn Nghị viện châu Âu về quan hệ với Trung Quốc, nói: “Gió Đông đã thổi khá mạnh, và gần đây, nó còn có mùi hơi khó chịu. Bây giờ chúng ta cần một cơn gió Tây mạnh mẽ hơn.”

Trong khi đó, phái đoàn Trung Quốc tại EU đã cố gắng chống trả. Zhang Ming, Đại sứ đại diện cho phái đoàn, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Political rằng ông không đồng ý với danh hiệu “đối thủ mang tính hệ thống” mà EU đưa ra.

Ông nói: “Trong văn hóa Trung Quốc, các đối thủ buộc phải tìm kiếm sự vượt trội so với bên còn lại.”

Điều này không có nghĩa Trung Quốc không có những đồng minh EU. Cụ thể, Phó thủ tướng Hy Lạp Yannis Dragasakis cho biết trên tờ South China Morning Post rằng ông hy vọng EU sẽ thiết lập một mối quan hệ tốt hơn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, lần này đội ngũ phía Trung Quốc trong các vấn đề đối ngoại của Hội đồng châu Âu đã quyết tâm giữ vững lập trường, có lúc còn đe dọa sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán. Mikko Huotari, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Mercator về Trung Quốc có trụ sở tại Đức, nói: “Theo tôi hiểu, phía Trung Quốc thực sự quan tâm đến tuyên bố này.”

Trong bối cảnh một số nhà ngoại giao châu Âu vận động để đưa ra tuyên bố chung, EU vẫn quyết định tiếp tục đàm phán, đẩy mạnh việc hối thúc phái đoàn Trung Quốc hơn nữa.

Một nhà ngoại giao cho biết: “Nếu chúng ta có thể đưa ra một tuyên bố chung, tại sao lại không làm như vậy? Đối với Trung Quốc, có một tuyên bố chung là một điều quan trọng. Còn đối với châu Âu, điều đó không quan trọng với chúng ta nhiều như với họ, tuy nhiên, đây sẽ là một cơ hội tốt để đề cập đến các chủ đề mà chúng ta muốn.”

Một nhà ngoại giao khác am hiểu về các cuộc đàm phán nói rằng phía EU nhấn mạnh các đối tác Trung Quốc, từ giới lãnh đạo cấp cao nhất của Bắc Kinh, phải chấp thuận đối với các sửa đổi mà châu Âu cho là có thể chấp nhận được.

Huotari nói: “Khả năng để đạt được một thỏa thuận có nhiều ý nghĩa biểu tượng đối với Trung Quốc, đặc biệt là vào thời điểm Trung Quốc hy vọng thể hiện mối quan hệ đối tác với EU trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ đang tiếp diễn.”

Theo Huotari, mặc dù Trung Quốc đã đạt được chủ nghĩa tượng trưng mà họ muốn, song châu Âu cũng đã nhận được các mốc thời gian cụ thể về cải cách của Trung Quốc- các mốc thời gian mà Bắc Kinh nhiều năm qua vẫn từ chối đưa ra.

Khi Lý Khắc Cường phát biểu trước báo giới tại cuộc họp của EU, với sự hiện diện của cả Tusk và Juncker, lần đầu tiên ông đã tiết lộ thời gian cải cách mà Trung Quốc đưa ra.

Cụ thể, vào cuối năm 2019, Trung Quốc và EU sẽ thống nhất một danh sách các chỉ dẫn địa lý, một kế hoạch mà EU tìm cách bảo vệ các nông dân của họ bằng việc cung cấp trên nhãn hiệu sản phẩm các thông tin có liên quan đến nguồn gốc địa lý cụ thể.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đối với EU là thỏa thuận của Trung Quốc trong việc ký kết một hợp đồng đầu tư đã được mong chờ từ lâu vào “cuối năm sau, hoặc sớm hơn.”

Jo Leinen, Chủ tịch phái đoàn Nghị viện châu Âu về quan hệ với Trung Quốc, coi những cam kết này là kết quả từ lập trường cứng rắn hơn của EU.

Ông nói: “Chúng ta hiểu rõ hơn rằng tình huống đôi bên cùng có lợi trước kia đã biến thành tình huống một bên thắng một bên thua. Trung Quốc đã hành động, trong một vài lĩnh vực, và một lần nữa đưa ra cam kết trong các lĩnh vực khác.

Vì vậy, đó là sự pha trộn của việc đưa ra một bước tiến, và cho chúng ta hy vọng rằng những bước đi khác cũng sẽ theo sau.”

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao EU vẫn hoài nghi rằng nếu thỏa thuận đầu tư được thực hiện, theo tuyên bố chung, “mức độ tham vọng cao sẽ được phản ảnh trong việc tiếp cận thị trường được cải thiện đáng kể (và) sự loại bỏ các yêu cầu phân biệt đối xử cũng như các hoạt động ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nước ngoài.”

Một nhà ngoại giao nói: “Liệu điều đó có quá tốt để trở thành sự thật - chỉ thời gian mới có thể trả lời”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục