HĐBA gia hạn sứ mệnh của Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Libya

Ngày 13/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc quyết định gia hạn sứ mệnh của Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya đến ngày 15/12 tới, thay vì kết thúc vào ngày 15/6 tới như kế hoạch ban đầu.
HĐBA gia hạn sứ mệnh của Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Libya ảnh 1Các tay súng thuộc lực lượng Bình minh Libya tại khu vực Bir al-Ghanam, Libya. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 13/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã quyết định gia hạn sứ mệnh của Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) đến ngày 15/12 tới, thay vì kết thúc vào ngày 15/6 tới như kế hoạch ban đầu.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, nghị quyết của Liên hợp quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực của UNSMIL cùng Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc nhằm trợ giúp người dân Libya dùng giải pháp chính trị để hóa giải những thách thức mà quốc gia Bắc Phi này đang phải đối diện.

Hội đồng Bảo an nhấn mạnh UNSMIL sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò giám sát và báo cáo về tình hình nhân quyền; hỗ trợ việc thu gom những vũ khí đang nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền ngăn chặn tình trạng phổ biến số vũ khí này; hỗ trợ các thể chế chủ chốt của Libya; hỗ trợ (khi được yêu cầu) hoạt động cung cấp các dịch vụ thiết yếu, hay hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo dựa trên những nguyên tắc về nhân đạo; và điều phối sự trợ giúp của quốc tế.

Hội đồng Bảo an cũng nhắc lại nghị quyết 2259 (năm 2015), trong đó phê chuẩn Tuyên bố Rome ngày 13/12/2015 về việc ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc là chính phủ hợp pháp duy nhất của Libya, đồng thời hoan nghênh sự kiện Hội đồng Tổng thống của Thủ tướng al-Sarraj trở về Tripoli hôm 30/3 vừa qua.

Hội đồng Bảo an khuyến khích Chính phủ Đoàn kết dân tộc hoàn tất những thỏa thuận an ninh tạm thời để bình ổn tình hình Syria, coi đây là tiến đề quan trọng để hóa giải những thách thức về thể chế, kinh tế, nhân đạo, chính trị và an ninh của quốc gia này cũng như để chiến đấu với mối đe dọa khủng bố.

Libya đã rơi vào hỗn loạn sau khi nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi bị lật đổ năm 2011. Hai cơ quan lập pháp và hai chính phủ đã tồn tại song song kể từ khi thủ đô Tripoli bị lực lượng nổi dậy Fajr Libya (Bình minh Libya) chiếm giữ, khiến chính phủ được quốc tế công nhận từng phải chuyển về miền Đông làm việc.

Tình trạng xung đột kéo dài giữa các phe phái đối địch tại Libya không chỉ dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng khiến ít nhất hàng nghìn người thiệt mạng và phải sơ tán, mà còn tạo cơ hội cho phiến quân IS lợi dụng nhằm mở rộng hoạt động và khuếch trương thế lực tại Libya và khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục