HĐBA họp bàn tình hình trên bán đảo Triều Tiên

Vài ngày sau khi xảy ra cuộc đấu pháo, Hội đồng Bảo an Liên hợ̣p quốc nhóm họp về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an Liên hợ̣p quốc ngày 29/11 đã nhóm họp về tình hình hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên, chỉ vài ngày sau khi xảy ra cuộc đấu pháo giữa Hàn Quốc và Triều Tiên tại khu vực tranh chấp trên biển Hoàng Hải.

Theo Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Mark Lyall Grant, trong cuộc họp này, Hội đồng Bảo an đã bày tỏ lo ngại về hoạt động làm giàu urani của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cũng như về vụ đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên hồi tuần trước.

Sau vụ đấu pháo, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành cuộc tập trận hải quân quy mô lớn cũng tại vùng biển này. Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ tấn công quân sự nếu Mỹ và Hàn Quốc vi phạm lãnh hải nước này.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 29/11 phát tuyên bố của Ủy ban tái thống nhất hòa bình Bán đảo Triều Tiên nhấn mạnh rằng sự gia tăng đối đầu có thể dẫn tới chiến tranh.

Trong khi đó, Tân Hoa xã dẫn báo Rodong Simmun của Đảng Lao động Triều Tiên số ra ngày 30/11 cho biết Triều Tiên đang xúc tiến xây dựng một lò phản ứng nước nhẹ và hiện đang vận hành hàng nghìn máy ly tâm tại nhà máy làm giàu urani.

Báo này khẳng định chương trình hạt nhân của Triều Tiên hoàn toàn phục vụ mục đích hòa bình và nước này đang tích cực phát triển năng lực hạt nhân của mình.

Dư luận quốc tế tiếp tục bày tỏ sự lo ngại về tình hình Bán đảo Triều Tiên hiện nay.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 29/11 ra tuyên bố cho biết nước này "đặc biệt quan ngại" đồng thời kêu gọi hai miền Triều Tiên cùng làm giảm căng thẳng.

Trước đó, trong cuộc gặp Đại sứ Hàn Quốc tại Liên bang Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Borodavkin cho rằng sự gia tăng các hoạt động quân sự trong khi thiếu vắng các cuộc đối thoại giữa các bên liên quan đã khiến lo ngại thêm sâu sắc.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đang nghiên cứu đề nghị của Trung Quốc về việc tổ chức cuộc gặp khẩn cấp các trưởng đoàn đàm phán sáu bên.

Tuy nhiên, Nhật Bản và Mỹ đã bác bỏ đề xuất trên của Trung Quốc. Tại Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs nói: "Triều Tiên cần chứng tỏ sự nghiêm túc trong việc ngồi vào bàn đàm phán và thực hiện các nghĩa vụ mà họ đã cam kết."

Tại Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình tối 29/11 đã tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ không tham gia các cuộc thương lượng với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng không tôn trọng các thỏa thuận đã ký trước đó, và rằng các cuộc đàm phán như vậy không thể diễn ra sau vụ pháo kích giữa hai miền Triều Tiên.

Quan điểm này cũng đã được Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshito Sengoku khẳng định.

Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Sengoku cho biết hiện Tokyo đang tập trung phối hợp với Hàn Quốc và Mỹ để giải quyết những căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên.

Ba nước này sẽ tiến hành cuộc gặp cấp Ngoại trưởng vào ngày 6/12 tới nhằm thảo luận về "cách thức đáp trả" vụ đấu pháo vừa qua.

Hôm nay (30/11), Trưởng đoàn đàm phán sáu bên của Nhật Bản, ông Akitaka Saiki đến Trung Quốc và sẽ hội đàm với Trưởng đoàn đàm phán sáu bên của Trung Quốc - Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Đại Vĩ.

Trong diễn biến mới nhất, các quan chức Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc ngày 29/11 thông báo nước này đã hủy một cuộc tập trận bắn đạn thật mà theo dự định ban đầu diễn ra hôm nay trên đảo Yeonpyeong.

Hàn Quốc không công bố lý do của quyết định hủy bỏ này.

Trước đó, Hàn Quốc đã triển khai các dàn phóng rốckét và nhiều khẩu đội pháo tại đảo Yeonpyeong. Một quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết số pháo tự hành K-9 được triển khai tại hòn đảo lên tới 12 khẩu, tăng gấp đôi so với trước thời điểm xảy ra vụ đấu pháo.

Theo một số nghị sỹ Hàn Quốc, Bộ Quốc phòng nước này đang đề nghị khoản kinh phí 270 triệu USD để mua sắm vũ khí ngay trong tài khóa 2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục