HĐBA LHQ xem xét các phương án can dự vào Mali

Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị nhấn mạnh cần phải có ngay các giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Mali.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề chính trị Jeffrey Feltman ngày 3/4 nhấn mạnh tính cấp thiết cần phải có ngay các giải pháp an ninh, chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Mali khi ông trình bày các lựa chọn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về khả năng triển khai lực lượng an ninh và gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại quốc gia châu Phi này.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn phát biểu của ông Feltman trước Hội đồng Bảo an cho biết những thách thức mà Mali đang đối mặt đòi hỏi những nỗ lực to lớn, thống nhất từ phía chính quyền, người dân Mali cùng với sự hỗ trợ quốc tế mạnh mẽ.

Thay mặt Tổng Thư ký Ban Ki-moon, ông Feltman đã trình bày báo cáo về tình hình Mali và đề xuất 2 lựa chọn cho việc can dự của Liên hợp quốc vào quốc gia này. Theo lựa chọn thứ nhất, Liên hợp quốc sẽ thành lập một phái bộ chính trị hoạt động bên cạnh Phái bộ hỗ trợ quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên minh châu Phi (AFISMA), bảo đảm sự hiện diện đầy đủ, đa phương của Liên hợp quốc tại Mali.

AFISMA được Hội đồng Bảo an cho phép thành lập tháng 12/2012 theo yêu cầu của chính phủ nước này nhằm khôi phục trật tự khu vực phía Bắc Mali do lực lượng nổi dậy chiếm đóng. Lựa chọn thứ hai bao gồm việc thành lập một phái bộ bình định hóa, đầy đủ và đa phương Liên hợp quốc hoạt động bên cạnh một lực lượng vũ trang không thuộc Liên hợp quốc, đồng thời AFISMA sẽ được đưa về dưới sự quản lý của phái bộ mới. Ngoài việc được ủy nhiệm chính trị, phái bộ sẽ tiến hành các nhiệm vụ giúp ổn định an ninh, bảo vệ dân thường và tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo.

[Cần tới 11.200 binh sỹ để gìn giữ hòa bình tại Mali]

Theo ông Feltman, dù theo lựa chọn nào, Liên hợp quốc vẫn sẽ duy trì việc tập trung mạnh mẽ vào các khía cạnh chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc bầu cử và hòa giải. Liên hợp quốc đã đề nghị hỗ trợ tổ chức các cuộc bầu cử tự do, công bằng, minh bạch mà Tổng thống lâm thời Dioncounda Traore cho biết sẽ diễn ra vào ngày 31/7 tới.

Mali rơi vào xung đột sau khi đô đốc Amadou Sanogo dẫn đầu một nhóm sĩ quan quân đội lật đổ Tổng thống khi đó là ông Amadou Toumani Toure hôm 22/3/2012.

Cuộc binh biến này đã mở đường cho các tay súng Hồi giáo có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda chiếm giữ các tỉnh phía Bắc, khiến Pháp từ ngày 11/1/2013 phải đem quân đến giúp quân đội Mali giành lại các tỉnh này. Tuy nhiên, các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn tại miền Đông Bắc và kế hoạch của Tổng thống Traore tiến hành bầu cử vào tháng 7 tới vẫn gặp nhiều trở ngại./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục