HĐBA sẽ họp kín về tình hình Thái và Campuchia

Theo nguồn tin ngoại giao, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức họp kín về tranh chấp biên giới Thái Lan và Campuchia vào ngày 14/2.
Theo nguồn tin ngoại giao, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tổ chức họp kín về tranh chấp biên giới Thái Lan-Campuchia vào ngày 14/2.

Dự kiến, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong, Ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya và Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, người đang nỗ lực hòa giải bất đồng giữa Campuchia-Thái Lan, tham dự phiên họp này.

Cuộc họp được đánh giá là "cơ hội hiếm có" để ngoại trưởng hai nước Thái Lan và Campuchia gặp mặt trực tiếp và giải trình về vụ tranh chấp biên giới.

Trước đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã kêu gọi Hội đồng Bảo an  tổ chức cuộc họp khẩn cấp và đề nghị Liên hợp quốc triển khai một lực lượng hỗ trợ giải quyết xung đột. Tuy nhiên, Thái Lan cho rằng tranh chấp biên giới cần được giải quyết qua đường ngoại giao song phương và không muốn Hội đồng Bảo an đóng vai trò hòa giải trong cuộc xung đột.

Mặc dù vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng cho rằng xuất hiện trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là cơ hội để Thái Lan trình bày quan điểm và lập trường của mình.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, ngày 8/2, cũng đã thảo luận với Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Thái Lan và một lần nữa đề xuất Liên hợp quốc hỗ trợ hai bên đàm phán một thỏa thuận hòa bình.

Trong khi đó, theo các nguồn thạo tin, tình hình tại khu vực xung quanh đền Preah Vihear vẫn khá căng thẳng dù giao tranh đã lắng dịu. Các nhân chứng ở khu vực này cho biết quân đội hai nước tìm cách di chuyển vũ khí hạng nặng tới vùng biên giới.

Hai nước tiếp tục đổ lỗi cho nhau về đụng độ xảy ra tại khu đền cổ Preah Vihear, đã làm ít nhất 8 người thiệt mạng trong tuần qua.

Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết họ muốn sớm cử phái đoàn đi thị sát ngôi đền Preah Vihear để đánh giá tình hình. UNESCO đưa ra quyết định trên sau khi Campuchia thông báo đền bị hư hại trong giao tranh.

Tuy nhiên, phía Thái Lan phản đối kế hoạch của UNESCO và cho rằng chuyến thị sát sẽ rất nguy hiểm trong bối cảnh tình hình biên giới chưa ổn định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục