HĐND TPHCM cho ý kiến về xây chính quyền đô thị

Các ý kiến của HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc thực hiện chính quyền đô thị sẽ tạo động lực để thành phố phát triển mạnh mẽ. 
Ngày 26/8, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị góp ý Đề án thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế năng động, đầu tàu kinh tế có sức thu hút mạnh và lan tỏa. Việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị là để phục vụ mục tiêu đó, đồng thời đưa thành phố chuyển biến nhanh và bền vững, trở thành trung tâm kinh tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ… của khu vực Đông Nam Á.

[Xây dựng đề án thí điểm chính quyền đô thị TP.HCM]

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho biết, sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, kinh tế-xã hội của cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng có nhiều thay đổi, phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên bộ máy chính quyền địa phương chưa thay đổi phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển. Qua nghiên cứu của thành phố cho thấy nhiều điều bất cập, cản trở sự phát triển, một số điểm chưa thuận lợi khi cán bộ công chức thi hành nhiệm vụ.

Thực hiện xây dựng Đề án chính quyền đô thị, thành phố đặt ra yêu cầu xây dựng bộ máy chính quyền phải loại bỏ những gì cản trở trong tiến trình thực hiện, loại bỏ những vấn đề dẫn đến quan liêu, cửa quyền, xa dân, thậm chí nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tiêu cực với nhân dân, doanh nghiệp... Thông qua đó, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả để phục vụ nhân dân tốt nhất, cung cấp các dịch vụ công thuận lợi đến người dân để đạt mục đích quan trọng là nâng cao chất lượng sống của người dân.

[Hội thảo về nghiên cứu phát triển chính quyền đô thị]

Cùng với việc xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh hiện đại, thành phố phải xây dựng bộ máy chính quyền thực sự là của dân, do dân, vì dân, gần dân, chăm lo đời sống của người dân.

Và để làm tốt những mục tiêu này, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho rằng việc cần thiết là phải làm tốt giai đoạn chuẩn bị; trong đó việc quan trọng là bồi dưỡng, đào tạo lại, đào tạo mới đội ngũ cán bộ công chức theo tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tổ chức bộ máy mới.

Tại Hội nghị lấy ý kiến lần này, Ban Soạn thảo Đề án Thí điểm chính quyền đô thị đã đưa ra một số nhận định về tác động của việc xây dựng chính quyền đô thị đối với thành phố. Theo đó, trong ngắn hạn, việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị được dự báo sẽ có những tác động như các xáo trộn do tổ chức lại bộ máy quản lý, sắp xếp nhân sự, điều chỉnh địa giới hành chính; tinh gọn bộ máy sẽ thu gọn bộ máy, quy rõ đầu mối trách nhiệm, có điều kiện tiếp nhận người mới để trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực, việc giảm bớt lượng cán bộ, công chức sẽ tác động đến tâm lý, một bộ phận không ủng hộ những cải cách lớn…

Về lâu dài, Ban soạn thảo đã chỉ ra các tác động về kinh tế, gồm năng lực cạnh tranh của thành phố, môi trường đầu tư, tác động lan tỏa vùng. Còn về tác động xã hội là tăng cường quyền làm chủ của người dân, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả cung ứng các dịch vụ hành chính công phục vụ người dân, hiệu quả cung ứng các dịch vụ cơ bản phục vụ người dân....

Cụ thể như về tăng trường, kịch bản của thành phố được xây dựng theo quan điểm phát triển nhanh và bền vững, kết hợp hài hòa lợi ích giữa tăng đầu tư mới các ngành, lĩnh vực thành phố có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao với việc giảm dần các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động phổ thông, hiệu quả kinh tế thấp đang tồn tại.

Với việc hình thành các thành phố trực thuộc, không gian đô thị sẽ được mở rộng, hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh tạo động lực thu hút đầu tư và tái cơ cấu các ngành kinh tế, đặc biệt sẽ thúc đẩy các ngành dịch vụ cao cấp phù hợp với định hướng phát triển của thành phố, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố. Việc thực hiện mô hình mới sẽ làm thay đổi các phương thức quản lý truyền thống trên các ngành, lĩnh vực, tăng cường chất lượng các kế hoạch, quy hoạch, chính sách, chương trình... từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả các ngành kinh tế.

Góp ý cho Đề án Thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, các đại biểu đều đồng tình với việc xây dựng một chính quyền đô thị.

Tuy nhiên nhiều đại biểu Hội đồng Nhân dân còn băn khoăn về việc huy động nguồn lực thực hiện đề án, việc chuẩn bị nhân lực của cả bộ máy để sẵn sàng khi chuyển đổi mô hình quản lý có thể bắt nhịp ngay với công việc… Một số ý kiến đại biểu cho rằng cần lấy ý kiến của các cán bộ chủ chốt của các quận, huyện vì đó mới là những người thực thi nhiệm vụ trực tiếp nhất và lấy ý kiến từ người dân để tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân./.

Liên Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục