Hé lộ bí mật các tàu chiến cao tốc mới của Mỹ

Hai chiếc tàu chiến tốc độ cao mới được ra mắt mang tên Independece và Freedom nằm trong dự án Tàu chiến Duyên hải (LCS) của hải quân Mỹ.
Thuyền trưởng John Paul Jones, người đôi khi vẫn được coi là cha đẻ của hải quân Mỹ, từng bày tỏ ước nguyện vào năm 1778: “Tôi ước mình sẽ không phải dính dáng tới bất kỳ con tàu nào không có tốc độ cao”.

Ước nguyện này giờ đã được trở thành hiện thực với việc ra mắt hai chiếc tàu chiến tốc độ cao, mang tên Independence (Độc lập) và Freedom (Tự do).

Thỏa mãn cơn khát tốc độ

Hai chiếc tàu Independence (Độc lập), đóng ở Alabama - và Freedom (Tự do), đóng tại Wisconsin nằm trong dự án Tàu chiến Duyên hải (LCS) của hải quân Mỹ.

Năm 2003, hải quân Mỹ bắt đầu khởi động chương trình nghiên cứu tàu chiến đấu duyên hải đầu tiên mang tên Chiến binh Biển cả. Mẫu tàu FSF-1 ra đời và được đưa vào phục vụ hồi năm 2005 trong vai trò một tàu thử nghiệm.

Năm 2004, các hãng Lockheed Martin, General Dynamics và Raytheon đã đệ trình những mẫu thiết kế tàu LCS mới cho hải quân. Sau quá trình lựa chọn, hải quân đã đồng ý để Lockheed Martin chế tạo thử hai mẫu tàu LCS-1 và LCS-3 còn General Dynamics chế tạo LCS-2 và LCS-4.

Trong hai mẫu tàu kể trên, LCS-1 đã được đặt tên chính thức là USS Freedom. Nó mang hình dáng không có gì đặc biệt, trông giống nhiều tàu chiến thông thường.

Chiếc tàu này có trọng tải 3.089 tấn, chiều dài 115,3m, sử dụng 2 động cơ xăng Rolls-Royce MT30 36 MW, 2 động cơ diesel Colt-Pielstick, 4 máy phản lực phụt nước Rolls-Royce.

Freedom có tốc độ tối đa 87km/h, tầm hoạt động 6.500km, mang theo thủy thủ đoàn 40 người và khi cần có thể mở rộng lên thành 75 người. Tàu được trang bị 1 pháo 57mm BAE Systems Mk 110, hệ thống treo tên lửa RIM-116, từ 45 - 60 tên lửa trong module phóng AsuW.

Ngoài ra, Freedom có thể mang theo hai trực thăng MH-60R/S Seahawk và trực thăng trinh sát MQ-8 Fire Scout.

Tàu LCS-2 được đặt tên là USS Independence. Khác với mẫu Freedom, đây là một con tàu 3 thân với tốc độ tối đa 74km/h. Thiết kế của Independence dựa trên mẫu tàu cao tốc ba thân Benchijigua Express do hãng Austal (Australia) tạo ra.

Với chiều dài 127m, chiếc tàu này được thiết kế để mang theo 40 thủy thủ, mở rộng được lên tối đa 75 người và có tầm hoạt động 7.740km. Independence được trang bị pháo Phalanx 1B và hệ thống phóng tên lửa Evolved SeaRAM với 11 khoang phóng.

Với khoang chứa trực thăng rộng, nó có khả năng chứa 2 chiếc trực thăng SH-60, nhiều máy bay không người lái hoặc 1 chiếc trực thăng CH-53 cỡ lớn.

Một chương trình tốn kém

Để đạt tốc độ cao, cả hai phiên bản LCS này đều sử dụng các động cơ diesel rất mạnh bên cạnh động cơ xăng để tăng thêm tốc độ. Chúng sử dụng các hệ thống động lực phản lực phụt nước (waterjet) để di chuyển và lái, thay vì chân vịt và bánh lái thông thường.

Chúng cũng có thiết kế đặc biệt giúp tiếp cận các vùng nước nông hơn, gần bờ hơn những tàu chiến thông thường, qua đó có thể rà soát bờ biển tốt hơn.

Cả hai con tàu được xây dựng để chứa các module dành riêng cho những sứ mạng đặc biệt. Các module này có thể được thay đổi sớm nhất trong 24 giờ và muộn nhất trong 96 giờ, đủ nhanh để tàu có thể phục vụ cho nhiều nhiệm vụ khác nhau như chống tàu ngầm, gỡ mìn và chiến đấu trực tiếp trên biển.

Lẽ dĩ nhiên những chiếc tàu này không phải là tàu chiến nhanh nhất của hải quân Mỹ. Họ hiện có các tàu nhỏ với tốc độ cao hơn nhiều. Tuy nhiên tốc độ của các tàu LCS vẫn rất ấn tượng, nhất là với những tàu chiến cỡ lớn như chúng, vốn chỉ có tốc độ tối đa khoảng 55-60km/h trong hàng thập kỷ.

Loren Thompson, một nhà phân tích quốc phòng ở Viện Lexington, cho biết tàu Independence vẫn giữ tốc độ 80km/h bất chấp việc gió mạnh lên tới 55km/h và biển động. “Đơn giản là người ta chưa nghe thấy việc có một con tàu chiến với kích cỡ tương tự có thể duy trì tốc độ như vậy trong suốt 4 giờ đồng hồ”, ông nói.

Eric Wertheim, tác giả cuốn "Chỉ  dẫn về các hạm đội vũ trang của thế giới" khẳng định, tốc độ là điều tốt nhưng thường người ta phải bỏ ra cả đống tiền mới có được điều này. Ước tính ban đầu cho các tàu trong dự án LCS cho thấy chúng sẽ có giá khoảng 220 triệu USD/chiếc.

Tuy nhiên chi phí hiện đang tăng lên do những yêu cầu và mong muốn của hải quân trong việc đóng những chiếc tàu này.

Được biết riêng tàu Freedom đã có chi phí 637 triệu USD còn Independence có giá 704 triệu USD. Một số ước tính cho rằng chi phí sản xuất hàng loạt tàu LCS rơi vào khoảng 460 triệu USD/chiếc.

Những khoản tài chính khổng lồ này đã vấp phải sự chỉ trích từ giới quan chức quân sự lẫn các nghị sĩ trong Quốc hội. Dù vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn tuyên bố sẽ mua 3 chiếc LCS trong năm tài khóa 2010.

Hiện hai nhà thầu General Dynamics và Lockheed Martin vẫn đang ganh đua để trở thành người chiến thắng cuối cùng trong dự án LCS. Hãng nào trúng thầu sẽ được quyền đóng 55 tàu chiến cùng loại cho hải quân Mỹ./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục