Hé lộ yếu tố quyết định trong tranh luận trực tiếp bầu cử Mỹ

Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 27/9 là sự kiện phản ánh rõ hai phong cách hoàn toàn trái ngược.
Hé lộ yếu tố quyết định trong tranh luận trực tiếp bầu cử Mỹ ảnh 1Bà Hillary Clinton (phải) và ông Donald Trump (trái) trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại hội trường Đại học Hofstra ở Hempstead, New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 27/9 (theo giờ Việt Nam) là sự kiện phản ánh rõ hai phong cách hoàn toàn trái ngược, giữa một bên là ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton với một chương trình đã được lên kế hoạch cẩn thận, với đối thủ là ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, người có phong cách khá bốc đồng.

Giới quan sát nhận định chính phong cách của mỗi ứng cử viên là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định trong màn tranh luận trực tiếp trên truyền hình.

Trên thực tế, các cuộc tranh luận kiểu này là thế mạnh của ông Trump - một cựu ngôi sao truyền hình thực tế đã có những kỹ năng tranh luận cơ bản để có thể giành chiến thắng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại diện của đảng Cộng hòa thường xuyên đưa ra các tuyên bố gây tranh cãi và tiến hành một chiến dịch tranh cử theo phong cách truyền hình thực tế, thì các cuộc tranh luận trực tiếp là cơ hội quan trọng để không chỉ bà Clinton mà cả các phương tiện truyền thông có thể gây sức ép buộc ông Trump phải có trách nhiệm về những phát biểu gây sốc cũng như sự bất ổn trong các tuyên bố chính sách của mình.

Lịch sử cho thấy tác phong là điều quan trọng hơn so với bản chất và năng lực thực sự trong các màn tranh luận trực tiếp giữa các ứng cử viên tổng thống.

Có thể nói sự tự tin và tác phong trước ống kính của một chính trị gia được xem là yếu tố mang tính quyết định, và chúng khiến vị thế của đội ngũ cố vấn truyền thông ngày càng trở nên quan trọng trong đời sống chính trị của nước Mỹ.

Đơn cử như cuộc đối đầu giữa cố Tổng thống John F. Kennedy và cố Tổng thống Richard Nixon năm 1960 là minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của tác phong trước công chúng.

Nhiều người nói rằng trong cuộc tranh luận năm đó, các cử tri nghe đài phát thanh đã nghĩ rằng ông Nixon là người chiếm ưu thế, trong khi người xem truyền hình lại tin rằng ông Kennedy sẽ thắng. Điều này cho thấy sức mạnh của các màn trình diễn trên truyền hình mà công chúng và các chính trị gia vẫn luôn tin tưởng. Niềm tin này thậm chí đã góp phần định hình các hoạt động và chiến lược tranh cử ở Mỹ.

Việc thành lập một ủy ban phụ trách riêng khiến các cuộc tranh luận trở thành một phần chính thức trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Các màn tranh luận được tường thuật trực tiếp trên cả nước buộc các ứng cử viên phải củng cố các kỹ năng cần có để thể hiện mình đã sẵn sàng và xứng đáng bước vào Nhà Trắng. Với ý nghĩa này, các cuộc tranh luận đã giúp định hình môi trường truyền thông hiện đại, nơi “chính trị showbiz” là trung tâm của sự thành công về mặt chính trị.

Chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ hiện là chiến dịch thu hút sự chú ý của dư luận và nếu được truyền thông đưa tin một cách chân thực, thận trọng và phù hợp, các cuộc "so găng" trực tiếp sẽ là cơ hội cực kỳ quan trọng đối với các ứng cử viên, nhất là trong giai đoạn nước rút hiện nay.

Giới phân tích nhận định cuộc tranh luận tay bo giữa bà Clinton và ông Trump trên truyền hình là dịp để truyền thông đưa chiến dịch tranh cử năm nay quay trở lại đúng hướng, để dư luận thực sự tập trung vào những vấn đề nổi cộm đòi hỏi những câu trả lời thỏa đáng từ các ứng cử viên tổng thống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục