Hệ sinh thái hoang dã đang bị đe dọa nghiêm trọng

Cơn lốc khai thác các nguồn đất đai và khoáng sản đang đe dọa các hệ sinh thái hoang dã cuối cùng có tầm quan trọng sống còn.
Ngày 13/3, Liên minh quốc tế về bảo tồn tự nhiên (IUCN) cùng nhiều tổ chức quốc tế phi chính phủ cảnh báo cơn lốc toàn cầu khai thác các nguồn đất đai và khoáng sản với đầu tư hàng tỷ USD đang đe dọa các hệ sinh thái hoang dã cuối cùng có tầm quan trọng sống còn đối với con người và thiên nhiên.

Việc khai thác này cũng đe dọa phá hủy các cộng đồng và làm ô nhiễm những nguồn nước sạch khổng lồ trên thế giới, đặt lợi nhuận cao hơn lợi ích của nhân loại và hành tinh.

IUCN nhấn mạnh thậm chí các di sản thế giới cũng đang bị đe dọa bởi những dự án khai thác dầu mỏ, khí đốt và đất đai. Một trong 4 khu vực sinh thái điển hình ở châu Phi đã bị tác động nghiêm trọng bởi những dự án này.

Không một công viên quốc gia, hệ sinh thái hoặc cộng đồng nhạy cảm nào thoát khỏi cơn lốc săn lùng các kim loại quý, khoáng sản, đá quý và dầu khí bất chấp việc Trái Đất đang nóng lên và nhân loại đang tiêu dùng vượt quá tiềm năng tài nguyên của hành tinh.

Chỉ trong vòng 10 năm qua, quặng sắt được khai thác đã tăng 180%, quặng côban đã tăng 165% và quặng lithi đã tăng 125%, than tăng 44% với một lượng nước khổng lồ được sử dụng trong khai thác và bị làm ô nhiễm. Nguồn nước bị ô nhiễm cũng như những môi trường bị phá hoại do khai mỏ hoàn toàn không thể phục hồi được.

Các nguồn tài nguyên dễ khai thác đã cạn kiệt và nay con người sử dụng những công nghệ mới nhất để tận thu các nguồn tài nguyên vốn bị coi là khai thác không sinh lãi trước đây. Điều nghiêm trọng là những công nghệ này sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu thô hơn và phá hoại hệ sinh thái lớn hơn. Khai thác cát dầu phải đào từ 2-4 tấn đất và sử dụng chừng đó nguồn nước mới khai thác được 1 thùng dầu.

Để sản xuất ra cùng một lượng đồng, ngày nay cần lượng quặng gấp 10 lần trước đây. Hàng chục triệu hécta đất ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ đã bị các công ty nước ngoài mua hoặc thuê dài hạn để trồng cây nguyên liệu nhằm chế tạo nhiên liệu sinh học hoặc để khai thác tài nguyên, biến các cộng đồng dân cư ở đây thành người tị nạn ngay trên quê hương của họ.

Nghiên cứu của các tổ chức quốc tế phi chính phủ cũng cảnh báo rằng ngành công nghiệp khai thác trên toàn cầu ngày càng bành trướng lớn hơn và năng nổ hơn, tận thu các nguồn khoáng sản khai thác với chi phí cao như đá phiến dầu và cát dầu. Các công ty khai thác đã vươn tới cả những khu vực hoang dã ở Bắc Cực và Nam Cực, tác động nguy hại nhất đến môi trường Trái Đất. Ngân sách để khai thác kim loại màu trên thế giới đã đạt kỷ lục 18,2 tỷ USD trong năm 2011, gấp 6 lần so với năm 1994.

Các công ty khai mỏ đã đổ hơn 180 triệu tấn chất thải độc hại trong quá trình khai thác ra các sông, hồ và đại dương mỗi năm. 20 tấn chất thải độc hại được thải vào môi trường chỉ để khai thác lượng vàng tương đương với 1 chiếc nhẫn cưới.

Trong bối cảnh này, các tổ chức quốc tế phi chính phủ về môi trường kêu gọi tạm ngừng trên toàn cầu những dự án quy mô lớn về thăm dò và khai thác mỏ khoáng sản. Các nước cần đóng cửa những khu vực khai thác gây nguy hiểm cho cuộc sống con người, đồng thời cải thiện hơn nữa hiệu quả sử dụng và tái sử dụng các nguồn tài nguyên, cổ vũ lối sống tiêu dùng hợp lý các nguồn tài nguyên. Tác động phá hoại hệ sinh thái và cộng đồng cần phải được coi là tội phạm quốc tế với những trừng phạt thích đáng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục