Hệ thống ngân hàng Anh trong vòng xoáy scandal

Nhiều vụ việc rắc rối gần đây làm cho hệ thống ngân hàng Anh lao đao khi HSBC, Barclays, Standard Chartered cùng rơi vào vòng lao lý.
Nền tài chính toàn cầu vẫn chưa thực sự "bình phục" sau 5 năm khủng hoảng thì nay lại "hứng" thêm những vụ bê bối ngân hàng xuyên lục địa. Đáng chú ý, nhiều vụ việc rắc rối gần đây làm cho hệ thống ngân hàng xứ sở sương mù lao đao khi những tên tuổi như HSBC, Barclays hay Standard Chartered cùng rơi vào vòng lao lý.

Từ thao túng lãi suất Libor, Euribor...


Nhà chức trách nhiều nước trên thế giới đã phải vào cuộc khi nổi lên vụ thao túng lãi suất liên ngân hàng trên thị trường London (Libor) và lãi suất liên ngân hàng trên thị trường châu Âu (Euribor) vốn được dùng làm tiêu chuẩn để định giá các dịch vụ tài chính với trị giá hàng nghìn tỷ USD.

Một trong những tên tuổi lớn trong hệ thống ngân hàng Anh bị "dính" vào vụ này chính là Barclays. Libor được Hiệp hội các ngân hàng Anh ấn định hàng ngày dựa trên các mức lãi suất bình quân do một nhóm ngân hàng hàng đầu cung cấp, theo đó các ngân hàng tính toán chi phí cần thiết để vay 10 loại tiền tệ và các khoản vay với 15 kỳ hạn khác nhau, từ qua đêm cho đến 12 tháng. Quan trọng nhất là lãi suất Libor đối với USD kỳ hạn 3 tháng. Lãi suất Libor tác động trực tiếp tới lãi lỗ cũng như uy tín của chính các ngân hàng, bởi vậy họ luôn tìm cách dàn xếp lãi suất theo hướng có lợi nhất cho mình.

Chính Baclays đã phải thừa nhận gửi thông tin lãi suất thấp hơn thực tế cho Hiệp hội các ngân hàng Anh để tác động lên lãi suất Libor theo hướng có lợi cho họ. Lãi suất Libor càng cao chứng tỏ ngân hàng đang gặp khó khăn. Trong các cuộc thương lượng với Cơ quan Dịch vụ Tài chính Anh và Bộ Tư pháp Mỹ, Barclays thừa nhận các giao dịch viên ngân hàng đã thao túng biểu lãi suất suốt từ năm 2005 và đã bị phạt 450 triệu USD.

Theo Ủy viên Tư pháp Liên minh châu Âu (EU), Viviane Reding, hành vi thao túng lãi suất để trục lợi có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tính toàn vẹn của thị trường tài chính và làm méo mó thành quả hoạt động kinh doanh chân chính của một số công ty, đồng thời gây phương hại tới người tiêu dùng, nhà đầu tư và những người đi vay. Do đó Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định sẽ yêu cầu các nước thành viên nghiêm khắc trừng phạt hành vi gian lận lãi suất nhằm lấy lại niềm tin của thị trường.

EU đang xem xét sửa đổi một số điều khoản trong đề xuất quy định trên thị trường tài chính được đưa ra năm 2011 nhằm ngăn chặn hành vi thao túng lãi suất chuẩn. Bên cạnh đó, khối này còn muốn các quốc gia thành viên đưa các biện pháp trừng phạt vào hệ thống luật quốc gia, để đảm bảo tính trung thực của lãi suất.

Vụ việc này không chỉ ảnh hưởng tới hình ảnh của Baclays, mà ngân hàng còn phải đối mặt với các vụ kiện cáo, dẫn đến các khoản bồi thường cho khách hàng có thể lên tới nhiều triệu USD.

Là ngân hàng lớn thứ năm châu Âu, năm 2011 Barclays đạt tổng doanh thu 16 tỷ USD và tổng giá trị tài sản 2,4 nghìn tỷ USD.

Đến cáo buộc hậu thuẫn hoạt động rửa tiền

Ngành ngân hàng Anh bị giáng thêm một đòn nữa sau khi Ủy ban Điều tra Thượng viện Mỹ khẳng định việc kiểm soát lỏng lẻo hoạt động rửa tiền của HSBC đã mở đường cho các nhóm tội phạm tuồn hàng tỷ USD từ nhiều nước như Mexico, Quần đảo Cayman, Iran, Arập Xêút hay Syria vào Mỹ thông qua chi nhánh HSBC từ năm 2002 đến năm 2009.

Tiền được gửi vào ngân hàng chính là lợi nhuận từ các hoạt động buôn lậu ma túy, vũ khí và các hoạt động bất hợp pháp khác. Một số chi nhánh của HSBC đã lách các lệnh cấm của Chính phủ Mỹ đối với các giao dịch tài chính với Iran và các nước khác. Vụ việc này làm HSBC đối mặt với khoản phạt lên tới 700 triệu USD.

Hơn thế nữa, báo cáo còn cho thấy chính HSBC cũng ý thức được sự lỏng lẻo trong hoạt động chống rửa tiền tại chi nhánh Mexico (HBMX) và chính quyền Mêhicô cảnh báo ít nhất hai lần rằng tiền buôn ma túy đang được "rửa" qua các tài khoản tại chi nhánh. Mới đây HBMX đã phải nộp phạt 29 triệu USD cho nhà chức trách Mexico - khoản phạt lớn nhất từ trước đến nay đối với một chi nhánh HSBC.

Nhiều trường hợp lách hệ thống chống rửa tiền của HSBC liên quan đến việc sử dụng tài khoản đa chủ. Luật tài khoản của HSBC cho phép quyền sở hữu của các tài khoản này, cùng với khoản thu nhập từ đó được bí mật chuyển từ người này sang người khác. Chi nhánh HSBC tại Mỹ đã mở hơn 2.550 tài khoản như vậy cho các tập đoàn lớn thường đặt trụ sở tại những “thiên đường thuế” như quần đảo Virgin Islands thuộc Anh.

Ban lãnh đạo HSBC đã thừa nhận thất bại trong việc thực hiện các quy định chống rửa tiền. Giám đốc điều hành HSBC Stuart Gulliver cho biết ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và sẽ đưa ra cải cách đáng kể nhằm củng cố tính tuân thủ luật pháp cũng như cơ cấu và đường lối quản lý rủi ro.

HSBC - ngân hàng có hoạt động tại khoảng 80 nước trên thế giới - đạt lợi nhuận ròng 16,8 tỷ USD vào năm ngoái. Chi nhánh tại Mỹ nằm trong nhóm 10 ngân hàng hàng đầu đang hoạt động tại Mỹ, với các giao dịch xấp xỉ 210 tỷ USD.

Suýt bị Mỹ "cấm cửa"

Mới đây Cơ quan dịch vụ tài chính New York (DFS) cáo buộc Standard Chartered che giấu việc giao dịch 250 tỷ USD với các ngân hàng Iran trong gần một thập niên qua và nhờ đó kiếm được hàng trăm triệu USD tiền phí. Sau cáo buộc của DFS, Standard Chartered mất hơn 1/4 giá trị thị trường, tương đương 17 tỷ USD, vào ngày 7/8.

Standard Chartered có thể đối mặt với việc phải chịu mức phạt lớn và thậm chí là bị tước giấy phép hoạt động - một sự trừng phạt có thể làm tê liệt hoạt động của ngân hàng này tại Mỹ bởi nó cắt đứt sự tiếp cận trực tiếp với hệ thống ngân hàng Mỹ và khiến thể chế tài chính này xuống hạng hai trong hệ thống ngân hàng toàn cầu. Bên cạnh đó, hãng đánh giá tín nhiệm Fitch nói rằng cáo buộc có thể gây bất lợi cho mức xếp hạng tín nhiệm AA - của Standard Chartered.

Kể từ năm 2008, Standard Chartered là ngân hàng thứ sáu bị các nhà hành pháp New York và Liên bang điều tra, do có các thỏa thuận với các nước đang bị trừng phạt như Iran. Trước đó 4 ngân hàng Barclays, Lloyds Banking Group, Credit Suisse Group và ING Bank NV đã đồng ý nộp phạt tổng cộng 1,8 tỷ USD.

Phát ngôn viên Standard Chartered cho biết ngân hàng tiến hành xem xét lại việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong quá khứ và sẽ thảo luận việc rà soát này với các nhà chức trách Mỹ.

Thông tin mới từ ông Benjamin M. Lawsky, giám đốc DFS, cho biết Standard Chartered đã nhất trí nộp phạt 340 triệu USD để dàn xếp vụ việc. Ngoài ra, Standard Chartered sẽ lắp đặt một thiết bị giám sát và bố trí nhân sự thường trực tại chi nhánh ở New York để theo dõi cũng như kiểm toán mọi hành vi rửa tiền theo hợp đồng từ nước ngoài. Nhờ đó ngân hàng sẽ tiếp tục được sử dụng giấy phép hoạt động ở New York.

Với hệ thống 1.700 văn phòng tại 70 nước và vùng lãnh thổ, năm ngoái 2/3 lợi nhuận hoạt động của Standard Chartered đến từ châu Á, trong khi chỉ 10% là từ châu Mỹ và châu Âu./.

Hoàng Hà (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục