Hẹp "đất diễn" phê bình

"Đất diễn" cho phê bình văn học còn quá hẹp!

“Đất diễn” cho phê bình còn quá hẹp. Điều đó làm cho lớp trẻ ngại đi theo nghiệp phê bình, hoặc không toàn tâm toàn ý với phê bình.
Có nhiều người e ngại phê bình văn học Việt Nam “ngái ngủ”, không bắt kịp thực tiễn sáng tác. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp đã trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.

Cho đến nay, có rất nhiều người băn khoăn về nền văn học Việt Nam vẫn quá mờ nhạt trên trường quốc tế. Với tư cách là một chuyên gia về văn học Việt Nam hiện đại, ông nghĩ sao về vấn đề này?


PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: Phải nhìn thẳng vào một thực tế là so với các cường quốc văn học thì thành tựu văn học của chúng ta hãy còn rất khiêm tốn. Cho nên những băn khoăn trên đây là có cơ sở. Giải Nobel vẫn là một mong ước xa vời đối với chúng ta, ít ra là trong tương lai gần.

Nhưng so với một số nước trong khu vực thì văn chương của ta cũng không đến mức quá “thấp bé nhẹ cân” nếu không muốn nói là có những thể loại ta ngang ngửa với họ. Vì thế, muốn để thiên hạ biết đến mình, không còn lựa chọn nào khác, chúng ta phải có những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc.

Điều này, trước hết, phải trông chờ vào sự sáng tạo của các nhà văn, sau nữa, phải có chiến lược quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Nghe đâu Hội Nhà văn đang triển khai chiến lược này. Hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không.

Ông có nhận xét gì về phê bình văn học nước ta khi có nhiều người nhận xét: Phê bình văn học đang trong thời kỳ “ngái ngủ”, không bắt kịp thực tiễn sáng tác?

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: Đúng là cả lý luận và phê bình văn học của chúng ta thời gian qua còn chậm đổi mới. Xu hướng phê bình thương mại hóa, phê bình thù tạc, cảm tính hay tình trạng lăng xê quảng cáo nhiều tác phẩm không xứng với chất lượng của nó xem ra ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, khách quan mà nói, tôi nghĩ so với trước đây, phê bình văn học có nhiều thay đổi.

Giờ đây, người ta không còn mặn mà với kiểu phê bình xã hội học dung tục hay phê bình chụp mũ, quy kết, sát phạt nhau. Nét mới của phê bình là tính nghệ thuật và chức năng thẩm mỹ được đề cao. Đọc những công trình phê bình có chất lượng hiện nay, người ta thấy có sự thay đổi rất rõ nét trong diễn ngôn phê bình.

Theo tôi, đó là những nhân tố tích cực rất đáng chú ý và cần được khuyến khích.

Vừa rồi, Hội Nhà văn phối hợp với Viện Văn học tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Ông đánh giá thế nào về sự nghiệp phê bình của ông Hoài Thanh?

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: Không còn nghi ngờ gì nữa, Hoài Thanh là một tài năng kiệt xuất trong lĩnh vực phê bình. Ông cảm nhận văn chương hết sức tinh tế và ngôn ngữ phê bình của ông cũng tinh tế không kém gì những tác phẩm xuất sắc mà ông tâm đắc. Không ai đủ sức tổng kết Thơ mới sâu sắc và xác đáng như Hoài Thanh. Thi nhân Việt Nam đã đưa Hoài Thanh trở thành một huyền thoại trong phê bình văn học nước ta.

Nhưng cũng đừng quên rằng, Hoài Thanh có tư chất lý luận, có điều, lý luận của ông hòa nhuyễn trong phê bình. Đọc Văn chương và hành động sẽ thấy rõ điều đó. Vấn đề còn nằm ở chỗ, trong khi nhiều nhà lý luận, phê bình văn học quá chú ý mặt xã hội của văn chương, thì Hoài Thanh lại đặc biệt chú ý đến đặc trưng thẩm mĩ. Không nên hiểu một cách đơn giản quan niệm “văn chương là văn chương” của ông. Có lẽ ông hiểu, văn học chỉ có thể “vị nhân sinh” một cách hiệu quả trên cơ sở “vị nghệ thuật” một cách sâu sắc.

Tôi vẫn cho rằng, Một thời đại thi ca là một công trình có tính lý luận rất cao, ở đó, Hoài Thanh đã nhìn Thơ mới từ góc độ văn hóa học, xác lập cái nhìn loại hình học và cấu trúc vào loại sớm nhất ở nước ta…

Theo ông thì hiện có nhưng gương mặt phê bình văn học tiêu biểu nào? Ở họ có điều gì đáng chú ý?

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: Hiện có mấy thế hệ viết phê bình văn học. Các cây bút như Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Minh Đức, Trần Đình Sử, Phong Lê, Hoàng Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Lã Nguyên, Phan Trọng Thưởng…tuy thỉnh thoảng vẫn viết phê bình nhưng chủ yếu chuyển sang công tác nghiên cứu vì lý do tuổi tác hay bận công tác quản lý.

Đáng chú ý hơn cả là lứa trên dưới năm mươi như Đỗ Lai Thúy, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Đăng Điệp…đến từ các Viện nghiên cứu và các trường đại học; Nguyễn Hòa, Nguyễn Thanh Tú, Chu Thị Thơm…đến từ báo chí.

Lứa sau có Phạm Xuân Thạch, Trần Văn Toàn…Ngoài ra cũng cần chú ý đến một số nhà văn nhà thơ tham gia viết phê bình.

Tôi nghĩ, ưu thế của đội ngũ viết phê bình hiện nay là họ được trang bị vốn học vấn cơ bản, có điều kiện giao lưu văn hóa rộng, có năng lực và độ nhạy cảm. Họ không còn quá xa lạ với những tri thức mới của nhân loại thông qua internet.

Tuy nhiên, có nhiều cây bút vẫn còn ngại va chạm, ngại mất quan hệ. Cá biệt vẫn có những cây bút phê bình theo kiểu nói lấy được, mỏng về kiến văn nhưng lại hay đại ngôn, đao to búa lớn…Hơn nữa, trong thực tế, chúng ta muốn phát triển phê bình nhưng “đất diễn” cho phê bình còn quá hẹp. Điều đó làm cho lớp trẻ ngại đi theo nghiệp phê bình, hoặc không toàn tâm toàn ý với phê bình.

Ông nghĩ thế nào về phê bình văn học Việt Nam trong tương lai?

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp: Tôi vẫn tin vào các nhà phê bình nhưng có lẽ không nên kỳ vọng quá và cũng không nên đặt lên vai họ quá nhiều trách nhiệm nặng nề. Vì số lượng người làm phê bình có thể đông, nhưng tài năng lại là của hiếm. Sáng tác cũng thế. Nhưng một khi các nhà phê bình có đầy đủ vốn kiến thức uyên bác, có sự nhạy cảm trước cái đẹp và cái mới, vô tư và dám sống chết với nghề, chắc chắn lúc đó sẽ xuất hiện những nhà phê bình đích thực.

Xin cám ơn ông!
Thúy Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục