Hết thời tranh chép lậu?

Hết thời mưu sinh cùng tranh chép lậu?

Người chơi tranh Việt thích tranh sao chép, nhưng với quy định mới, liệu con đường mưu sinh của người cầm cọ có bị ảnh hưởng?
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hằng năm có khoảng 500 cuộc triển lãm tranh, nhưng thị trường tranh Việt Nam lại không ở trong nước mà ở… Singapore, Hongkong và Nhật Bản.

Theo giới cầm cọ, người Việt Nam giờ đây có điều kiện kinh tế để chơi tranh. Tranh của họa sĩ Việt Nam đẹp, có vị trí trong khu vực nhưng phần lớn người chơi tranh trong nước lại thích tranh sao chép. Phải chăng người Việt Nam chưa có thói quen chơi tranh gốc?

Tranh nhân bản

Bất kỳ ai có chút đam mê mỹ thuật, chỉ một lần bước chân vào những gallery sang trọng trên đường Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn hay Nam Kỳ Khởi Nghĩa… cũng cảm nhận được sự sinh động của thị trường này.

Những bức tranh gốc, tranh nhân bản của chính tác giả, tranh sao chép lại từ những bức tranh vốn nổi tiếng từ nhiều thế kỷ trước của các họa sĩ trong và ngoài nước được trưng bày rất bắt mắt.

Bức tranh dễ nhìn thấy và có lẽ cũng được nhiều người biết đến là tác phẩm Mona Lisa của Leonardo Da Vinci. Chính những thông tin rộng rãi, dễ tìm thấy trên báo in, báo điện tử của tác phẩm này đã khiến người chơi thích và tin rằng bức tranh có giá, dù là tranh sao chép.

Đây là điều mà thị trường tranh của Sài Gòn trước kia hầu như không có. Nhiều họa sĩ cho rằng, trước 1975, người chơi tranh ở Sài Gòn không có thói quen chơi tranh chép mà chỉ có chơi tranh gốc. Do thị trường hồi ấy bền vững, ít họa sĩ và tranh có giá nên giới cầm cọ rất chuyên tâm vào sáng tác.

Sau năm 1975, tranh của các họa sĩ Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận với khách nước ngoài và rất được họ ưa chuộng, bởi tay nghề của nhiều họa sĩ đã được khẳng định và giá tranh luôn rẻ hơn tranh của họa sĩ cùng thời trong khu vực.

Nhưng trước sự dễ dãi của thị trường, nhiều họa sĩ đã lạm dụng, sản xuất ra hàng loạt tranh sao chép, tranh nhân bản của chính tác giả - mà trong giới mỹ thuật gọi là tranh “cứu đói” đã đẩy mỹ thuật Việt Nam tới chỗ mất uy tín nhiều năm.

Gần đây thị trường này có dấu hiệu hồi phục, nhiều gallery như Phương Mai, Phương Loan… mở ra chuyên mua bán tranh gốc - tranh có "giấy khai sinh” của chính tác giả hẳn hoi.

Đối với nước ngoài, chuyện mua bán tranh gốc đã có hàng thế kỷ, còn ở ta xem ra còn mới vì người chơi tranh gốc chưa nhiều. Đa phần họ thích mua tranh sao chép, tranh nhân bản, do giá rẻ.

Hơn nữa, nhiều người chơi tranh chưa nhận thức đúng giá trị mỹ thuật của nó. Họ xem tranh chỉ là vật trang trí chứ không coi là tài sản có giá trị. Cho nên tiêu chí chọn tranh của họ chỉ dựa vào quảng cáo, hoặc tên tuổi họa sĩ đã được nhiều người nhắc đến, người chơi chưa tự thẩm định được giá trị mỹ thuật của bức tranh.

Một nhà sưu tập tranh ở Việt Nam có lần nhận xét: “Thú chơi tranh của ta đang có vấn đề, họ thích chơi tranh thời thượng, tranh sao chép hàng loạt, tranh nhân bản của chính những họa sĩ nổi tiếng. Điều này trái ngược với nước ngoài, họ chơi tranh gốc vì coi nó là nghệ thuật, là tài sản có giá”.

Tự làm mất giá

Thật ra, giá tranh ở Việt Nam không cao, ngoại trừ tranh của các danh họa tốt nghiệp trường mỹ thuật Đông Dương như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm… Trong số đó, nhiều bức tranh có giá trị nghệ thuật cao lần lượt bị “chảy máu” ra nước ngoài, số ít còn lại thuộc sở hữu của các nhà sưu tập và là tài sản quốc gia.

Trong khi đó, tranh của họa sĩ trưởng thành sau 1975 chưa gây được nhiều ấn tượng, tranh của họ trung bình cỡ 500USD/bức đã được coi là có giá. Nhưng cá biệt cũng có vài họa sĩ trẻ vẫn bán được tranh với giá cao, không phải do tài năng xuất chúng mà do họ có những hoạt động quảng bá nổi trội, cộng với sự tiếp sức lăng xê của các gallery.

Điều đó đã khiến không ít người chơi tranh “ôm hận”, bởi nhiều năm sau khi mua tranh, họ mới biết rằng giá trị của bức tranh mình đang sở hữu không xứng với đồng tiền bát gạo bỏ ra. Tuy vậy, cũng có không ít người thích mua tranh của họa sĩ trẻ, với hy vọng tương lai họ nổi tiếng, tranh sẽ có giá.

Theo họa sĩ Trần Lệ Tài, hiện nay có quá nhiều gallery bán tranh chép, tranh phiên bản, có nhiều bức giá tranh rẻ hơn giá khung. Cũng theo ông Tài, luật lệ ở nước ngoài qui định rất rõ và khắt khe, các họa sĩ muốn sao chép tranh phải xin phép tác giả và cấm chép tranh giống “gần như thật”.

Tranh chép không được ký tên và phải đóng dấu “tranh sao chép” hẳn hoi. Trong khi luật pháp ở nước ta từ nhiều năm qua còn thể hiện tính “nhân văn”... trên mức cần thiết, cho phép họa sĩ sống trên ý tưởng của người khác.

Thế nên chuyện chép tranh giờ đây còn được xem là nghề mưu sinh của nhiều người cầm cọ. Các “chép tranh gia” muốn chép tranh của ai cũng được, sao chép càng giống với tranh gốc càng có giá và đương nhiên cũng có quyền ký tên.

Rõ ràng ngành mỹ thuật Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu bất ổn do chính những người cầm cọ gây ra. Có lẽ chính vì vậy mà ngày 20/5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 47/CP về việc qui định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, hành vi sao chép, phân phối dưới hình thức bán tác phẩm mà không được phép của tác giả, mức phạt cao nhất có thể lên đến 500 triệu đồng (có hiệu lực vào 30/6/2009).

“Muộn còn hơn không”, nhiều người hy vọng đây sẽ là một liều thuốc đặc trị cho căn bệnh mãn tính của các “sao chép gia” làm ăn bê bối./.

Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+ 
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục