Hiến máu giúp người béo giảm nguy cơ mắc bệnh tim

Theo nghiên cứu, hiến máu giúp những người béo phì có hội chứng chuyển hóa có huyết áp giảm và nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn.
Theo một nghiên cứu sơ bộ của Đức, một số người béo phì có thể cải thiện sức khỏe của họ bằng việc hiến máu.

Trong nghiên cứu, những người béo phì có hội chứng chuyển hóa sau khi hiến máu đã chứng kiến huyết áp giảm cùng với những thay đổi khác liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn.

Nhà nghiên cứu Andreas Michalsen tại Đại học Y khoa Berlin cho rằng với phát hiện này, các bác sỹ có thể coi hiến máu là một biện pháp trị liệu tiềm tàng cho những người có hội chứng chuyển hóa với hàm lượng sắt cao hơn bình thường. Tuy nhiên, ông khẳng định cần tiến hành những thử nghiệm ở quy mô lớn hơn để khẳng định kết quả và đánh giá những nguy cơ dài hạn của phương pháp điều trị này.

Các nghiên cứu trước đây đã chứng tỏ hàm lượng sắt cao liên quan đến hội chứng chuyển hóa và tiểu đường type 2. Trong đó, một nghiên cứu nhỏ nhận thấy việc cho máu làm giảm huyết áp ở những bệnh nhân huyết áp cao kháng điều trị. Tuy nhiên, tác dụng của việc lấy máu đối với những người có hội chứng chuyển hóa chưa được nghiên cứu cụ thể.

Michalsen và các đồng nghiệp đã chỉ định ngẫu nhiên 64 người béo phì có hội chứng chuyển hóa hoặc không được điều trị bằng phương pháp cụ thể nào để lấy máu. Giai đoạn đầu của nghiên cứu, những người trong nhóm cho máu được lấy 300ml, và bốn tuần sau được lấy tiếp 250-500ml.

Sau sáu tuần, những bệnh nhân trong nhóm cho máu có huyết áp tâm thu giảm trung bình 18 mmHg, từ 148,5 mmHg xuống 130,5 mmHg. Chỉ số này được coi là cao nếu trên 140 mmHg và cao vừa phải nếu trong khoảng 120-140 mmHg. Trong nhóm không điều trị, huyết áp giảm trung bình từ 144,7 mmHg xuống 143,8 mmHg.

Những nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng nếu huyết áp tâm thu giảm 10 mmHg sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim, chứng suy tim và bệnh động mạch vành giảm 22%, và nguy cơ đột quỵ giảm 41%.

Nghiên cứu mới cũng cho thấy việc cho máu dẫn đến nhịp tim và nồng độ đường trong máu giảm đáng kể.

Việc giảm khối lượng máu thông qua lấy máu sẽ làm giảm huyếp áp nhưng không rõ liệu biện pháp này có làm ổn định huyết áp hay không và cần nghiên cứu về những tác về dài hạn của nó.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng không tính đến bất cứ thay đổi nào trong lối sống và thói quen ăn uống của bệnh nhân khi thực hiện nghiên cứu./.

Huy Lê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục