Lá phiếu quyết định vận mệnh đất nước Ai Cập

Hiến pháp mới của Ai Cập: Lá phiếu cho sự ổn định

Trong hai ngày 14-15/1 tới, cử tri Ai Cập ở trong nước sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp sửa đổi.
Hiến pháp mới của Ai Cập: Lá phiếu cho sự ổn định ảnh 1Cảnh sát chống bạo động Ai Cập tuần tra khu vực phía Đông thủ đô Cairo ngày 27/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong hai ngày 14-15/1 tới, cử tri Ai Cập ở trong nước sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp sửa đổi - chặng đầu tiên trong lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập kể từ cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi cách đây hơn 6 tháng.

Theo Ủy ban Bầu cử Trung ương Ai Cập, gần 53,5 triệu người trong tổng số 85 triệu dân nước này đủ tư cách đi bầu, tăng hơn 1,5 triệu cử tri so với cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp được tổ chức hồi tháng 12/2012.

Dự kiến, hơn 30.000 điểm bỏ phiếu trên khắp cả nước sẽ mở cửa từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong hai ngày 14-15/1.

Khoảng 14.000 thẩm phán, gần 7.000 quan sát viên của 59 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước và 7 tổ chức quốc tế như Liên đoàn Arập và Liên minh châu Âu sẽ tham gia giám sát quá trình bỏ phiếu.

160.000 binh sỹ cùng 100.000 cảnh sát thuộc các đơn vị chiến đấu và lực lượng dự bị vũ trang sẽ được huy động để bảo vệ các điểm bỏ phiếu cũng như các cơ sở trọng yếu trên toàn quốc.

Tiến trình soạn thảo hiến pháp mới ở Ai Cập đã diễn ra khá suôn sẻ, bắt đầu từ đầu tháng 9 và kết thúc vào ngày 1/12/2013 sau khi 4 điều khoản gây tranh cãi của dự thảo hiến pháp cuối cùng được thông qua.

Với tổng cộng 247 điều khoản, bản dự thảo hiến pháp sửa đổi được dư luận đánh giá là đảm bảo tốt hơn các quyền cơ bản của người dân và sự phân quyền giữa các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp của Ai Cập.

Dù diễn ra khá muộn so với lịch trình kéo dài 6 tháng do Tổng thống lâm thời Atly Mansour vạch ra hôm 8/7, cuộc bỏ phiếu này cho thấy lộ trình chuyển tiếp chính trị ở Ai Cập đang đi đúng hướng đã định, bất chấp làn sóng bạo lực đang leo thang.

Sự kiện đặc biệt quan trọng này được đông đảo người dân kỳ vọng sẽ tạo tiền đề chấm dứt cuộc khủng hoảng trầm trọng với những chương đẫm máu nhất trong 5.000 năm lịch sử của xứ sở các Kim Tự Tháp, đồng thời mở ra giai đoạn phát triển ổn định tại quốc gia Bắc Phi này sau gần 3 năm phải hứng chịu cơn địa chấn "Mùa Xuân Arập."

Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh gia tăng bất ổn an ninh với hàng loạt vụ tấn công của các lực lượng Hồi giáo cực đoan nhằm vào lực lượng an ninh, cũng như các cuộc biểu tình bạo lực diễn ra hầu như hàng ngày kể từ khi quân đội ra lệnh phế truất Tổng thống Mohamed Morsi thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) vào đầu tháng 7 vừa qua.

Hơn 2.700 người đã bị thiệt mạng trong các vụ bạo lực chính trị, các cuộc đụng độ sắc tộc và tấn công khủng bố trong giai đoạn hậu Morsi.

Việc dán nhãn "khủng bố" cho MB - lực lượng có bề dày 85 năm lịch sử, được tổ chức tốt nhất tại Ai Cập và từng giành chiến thắng trong tất cả các cuộc bầu cử kể từ khi chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ - tạo cơ sở cho chính quyền mạnh tay hơn nữa trong việc trấn áp các thành viên của tổ chức này.

Dư luận thực sự lo ngại rằng việc bị gạt ra ngoài lề xã hội sẽ là động lực đẩy làn sóng biểu tình bạo lực của phe Hồi giáo dâng cao và khiến họ dốc toàn lực cho cuộc chiến "một mất một còn" chống lại chính quyền "đảo chính."

Chính vì vậy, cuộc trưng cầu dân ý được xem là một phép thử quan trọng đối với Chính phủ Ai Cập.

Nếu chính quyền thành công trong việc điều hành một cuộc bỏ phiếu tự do và minh bạch mà không có bất kỳ sự cố an ninh nào xảy ra, họ có thể tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lại MB - những người đang không ngừng vận động tẩy chay bầu cử hoặc bỏ phiếu chống lại hiến pháp mới.

Hơn nữa, nếu hiến pháp mới được thông qua với tỷ lệ ủng hộ và tỷ lệ đi bầu cao hơn hẳn so với cuộc bỏ phiếu về hiến pháp diễn ra vào cuối năm 2012, kết quả này sẽ củng cố tính hợp pháp của cuộc "cách mạng" ngày 30/6 vừa qua, đồng thời là tấm vé thông hành đưa các lực lượng tự do và thế tục lên nắm quyền một cách "đường đường chính chính" sau các cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra trước giữa năm nay.

Điều đó đồng nghĩa với một kết cục bi thảm của MB và các lực lượng đồng minh trung thành có quan điểm cứng rắn.

Tương lai chính trị của họ hầu như không còn sau khi bị quân đội lật đổ theo "ý nguyện của nhân dân" và chịu tiếp thất bại "tâm phục khẩu phục" trong cuộc bỏ phiếu lần này.

Theo các nhà phân tích, khả năng nói trên hoàn toàn có khả năng xảy ra. Kết quả hai cuộc thăm dò dư luận mới đây nhất cho thấy gần 80% số người được hỏi đã sẵn sàng tham gia bỏ phiếu và trên 70% cử tri sẽ ủng hộ bản hiến pháp mới vốn được đánh giá ưu việt hơn hẳn so với bản hiến pháp trước đây do phe Hồi giáo chủ trì soạn thảo.

Ngoài ra, tỷ lệ người đi bầu dự kiến cũng sẽ cao hơn nhờ việc sửa đổi Luật quyền chính trị mới đây, qua đó cho phép cử tri được bỏ phiếu ngoài khu vực đăng ký cư trú.

Mặt khác, sau gần 3 năm chìm đắm trong tình trạng bất ổn, bạo lực chính trị, tôn giáo và sắc tộc, cử tri Ai Cập đang đặt kỳ vọng lớn vào sự ổn định.

Hơn thế nữa, "Cơm no, áo ấm" hay "Tự do, bánh mỳ và công bằng xã hội" mới thực sự là mong muốn sát sườn nhất của người dân xứ sở các Kim Tự Tháp, chứ không phải là các chương trình nghị sự tôn giáo có xu hướng cực đoan của các lực lượng Hồi giáo./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục