Hiến tặng hiện vật về cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng

450 tài liệu, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đã được hiến tặng.
Trong Lễ phát động hiến tặng tài liệu, hiện vật về cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng ngày 18/5, gần 450 tài liệu, hiện vật, ảnh về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của vị tiền bối cách mạng này đã được hiến tặng.

Lễ phát động do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.

Đây cũng là dịp để nhân dân Việt Nam tưởng nhớ, tôn vinh những đóng góp của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng trong sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc; đồng bào, các tổ chức, cơ quan, cá nhân thể hiện tình cảm yêu mến, tri ân những người có công với đất nước.

Tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải cảm ơn những tình cảm mà các tổ chức, cá nhân đã dành tặng cho cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.

Ông Hải cho biết việc tiếp nhận hiện vật được chia thành hai đợt, đợt một từ 18/5-10/6 tại Hà Nội, đợt hai từ 11/6-30/12 tại Vĩnh Long, quê hương của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Tuy nhiên, hiện vật hiến tặng tại Hà Nội và Vĩnh Long không hạn chế thời gian.

Các hiện vật được tiếp nhận sẽ trưng bày tại Bảo tàng cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng tại tỉnh Vĩnh Long và một số bảo tàng cách mạng khác trong nước.

Trong dịp này, bên cạnh các tài liệu, ảnh về cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cũng tiếp nhận ba sắc phong triều Nguyễn, 134 tập/97 đầu sách của tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến; 11 cổ vật trục vớt gồm chum đất nung, vò sành, chậu sành... thế kỷ XII-XIII.

Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912 tại làng Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Năm 16 tuổi ông tham gia cách mạng, hoạt động trong phong trào thanh niên học sinh và tham gia tổ chức Nam Kỳ.

Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình, rồi giảm án xuống chung thân khổ sai. Cách mạng tháng Tám thành công, ông giữ chức Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam bộ và được phân công nhiệm vụ xây dựng lực lượng Công an Nam Bộ.

Ông đã đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó như Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa II đến khóa VII (1960-1988) và mất ngày 11/5/1988./.

Mỹ Bình (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục