Hiến tặng tài liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam

Sáng 4/8, Bình Thuận đã tiếp nhận tài liệu, hiện vật lịch sử liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam của tộc họ Lê tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong.
Hiến tặng tài liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam ảnh 1Quang cảnh lễ tiếp nhận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/Vietnam+)

Sáng 4/8, tại huyện Tuy Phong, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ tiếp nhận hiến tặng tài liệu, hiện vật lịch sử liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam của tộc họ Lê tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong.

Tài liệu bao gồm 2 sắc phong của triều đình nhà Nguyễn và 5 bằng cấp của Tuần phủ hai tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa từ thế kỷ 19.

Nội dung các sắc, bằng cấp cho thấy, triều đình nhà Nguyễn đã bổ nhiệm ông Lê Văn Châm và ông Lê Non giữ trọng trách lãnh đạo, chỉ huy quân sỹ thuộc các đội thủy binh bảo vệ, tuần phòng vùng biển từ Bình Thuận đến Khánh Hòa.

Đây là các văn bản Hán Nôm gốc, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học quan trọng, khẳng định triều đình nhà Nguyễn đã thiết lập các đội thủy binh để thực hiện nhiệm vụ bố phòng, bảo vệ vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Hiến tặng tài liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam ảnh 2(Ảnh: Nguyễn Thanh/Vietnam+)

Những tài liệu quý này do cụ Lê Nhự, 85 tuổi, ngụ huyện Tuy Phong là hậu duệ đời thứ năm của cụ Lê Non và Lê Văn Châm, lưu giữ tại gia đình. Các sắc, bằng cấp trên đều viết bằng chữ Hán Nôm, còn khá nguyên vẹn suốt gần 170 năm qua.

Ông Nguyễn Thành Tâm, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết Dù không trực tiếp đề cập đến các địa danh Hoàng Sa, Trường Sa, song các sắc, bằng này đều là văn bản gốc, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học quan trọng, khẳng định triều đình nhà Nguyễn trước đây đã thiết lập các đội thuỷ binh, quan tâm đến việc bố phòng, bảo vệ vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Những sắc, bằng này không chỉ là kỷ vật của cha ông trong tộc họ Lê để lại cho con cháu; mà còn là di vật, hiện vật và tài liệu lịch sử quý báo của Quốc gia, góp phần minh chứng cho chủ quyền của nhà nước phong kiến Đại Việt trên vùng biển đảo ngay từ thời xa xưa.

Do nhận thức được đây là những hiện vật, tài liệu lịch sử quý của Quốc gia chứ không đơn thuần là kỷ vật của gia tộc; nên cụ Lê Nhự và tộc họ đã tự nguyện hiến tặng toàn bộ số hiện vật, tài liệu này cho Nhà nước bảo quản và phát huy giá trị; tránh nguy cơ bị hỏng và thất lạc.

Ghi nhận những đóng góp trong việc giữ gìn nguyên vẹn những tài liệu, hiện vật quý này trong những năm qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã trao tặng cho cụ Lê Nhự và tộc họ Lê tại xã Bình Thạnh bằng khen và số tiền 30 triệu đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục