Hiện tượng nguyệt thực nửa tối, sao chổi làm nóng cộng đồng mạng

Cho dù được dự báo là khó để quan sát hiện tượng nguyệt thực nửa tối và sao chổi tới gần Trái Đất vào ngày thứ Bảy (11/2), song cộng đồng mạng khá háo hức với những thông tin này.
Hiện tượng nguyệt thực nửa tối, sao chổi làm nóng cộng đồng mạng ảnh 1Nguyệt thực nửa tối. (Ảnh minh họa: upi.com)

Cho dù được dự báo là rất khó để quan sát hiện tượng nguyệt thực nửa tối và sao chổi tới gần Trái Đất vào ngày thứ Bảy (11/2), song cộng đồng mạng khá háo hức với những thông tin này.

Theo thống kê của VietnamPlus – SocialBeat, chỉ tính từ 7-10/2 đã có 60 lượt đăng tải thông tin của 37 nguồn phát tin, thu hút 3.232 lượt tương tác của độc giả, 179 bình luận liên quan tới chủ đề nguyệt thực nửa tối và sao chổi.

Thực tế, các thông tin đăng tải phần lớn đều mang tính trung lập, thông báo các thông tin về hiện tượng. Tuy nhiên, nhiều nguồn phát tin không đưa nhận định rõ ràng của các chuyên gia về việc có quan sát được hiện tượng ở Việt Nam hay không, khiến không ít độc giả tò mò…

Trước đó, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, nguyệt thực một phần diễn ra rạng sáng 11/2 dễ quan sát ở châu Âu, châu Phi, Tây Á hoặc bờ Đông châu Mỹ. Tại Việt Nam, việc quan sát là không thực sự thuận lợi.

Cụ thể, hiện tượng này này bắt đầu vào khoảng 5 giờ 30 phút (giờ Việt Nam). Vào thời điểm này Mặt Trăng bắt đầu đi vào bóng nửa tối của Trái Đất và một bên rìa của Mặt Trăng bắt đầu tối đi. Khi đó, Mặt Trăng ở rất thấp, gần chân trời phía Tây và người quan sát phải chọn vị trí phù hợp, không có vật cản tầm mắt.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, ngay cả khi có góc nhìn tối ưu và thời tiết ủng hộ thì việc quan sát hiện tượng này tại Việt Nam cũng không được lâu. Người yêu thiên văn chỉ quan sát được giai đoạn đầu của nguyệt thực (từ khoảng 5 giờ 30 phút tới 6 giờ, trong khi thời điểm cực đại của hiện tượng vào khoảng 7 giờ 40 phút).

Biểu đồ thống kê số lượng lượt đăng tải thông tin và bình luận liên quan tới sự kiện sao chổi, nguyệt thực một phần. (Nguồn: SocialBeat)

Còn đối với sao chổi 45P/Honda–Mrkos–Pajdušáková, anh Tuấn Sơn cho biết thiên thể này sẽ tới gần Trái Đất nhất vào lúc 13 giờ ngày 11/2. Tuy nhiên, khoảng cách của sao chổi và Trái Đất là hơn 12 triệu km. Do đó sẽ không thể quan sát bằng mắt thường.

Để quan sát sao chổi, người yêu thiên văn phải sử dụng kính thiên văn chất lượng cao và có khả năng định vị cùng với điều kiện thời tiết lý tưởng. Nếu không, rất khó có thể quan sát sao chổi này. Trong trường hợp có kính thiên văn nghiệp dư, người quan sát chỉ thấy một vệt sáng nhỏ và mờ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục