Hiện tượng Nong Nok và ước mơ của Hoàng Thiên

Đầu năm 2009, Hoàng Thiên thổ lộ mơ ước vô địch US Open vào năm 22 tuổi nhưng với đà phát triển như hiện nay, liệu mơ ước có thể thành hiện thực.
"Cô bé đã chứng tỏ, nếu Serena Williams làm được gì thì cô bé sẽ làm được điều tương tự”. Trang web chính thức của giải đấu Wimbledon 2009 đã viết như thế về Noppawan Lertcheewakarn.

Cô gái người Thái Lan vẫn hay được gọi với cái tên Nong Nok vừa bước sang tuổi 18 sau khi vô địch đơn nữ trẻ đã ôm thêm chiếc cúp đôi nữ trẻ nữa tại Grand Slam danh giá nhất thế giới.

Hiện tượng Nong Nok

Có thể 18 tuổi đã bắt đầu được coi là già so với một tài năng trẻ, hoặc hơi chậm khi so sánh với lộ trình của những tên tuổi của làng tennis thế giới.  

Nhưng thành tích của Nong Nok thật đáng để người ta khâm phục, bởi cô gái này khi 17 tuổi đã từng có mặt trong trận chung kết đơn nữ trẻ Wimbledon 2008, và đã có 2 chức vô địch đôi nữ trẻ Grand Slam tại US Open 2008 và Ronald Garros 2009.

Và nếu tính cho quãng đường từ khi bắt đầu được phát hiện và bồi dưỡng là 7 năm để gặt hái được những danh hiệu đầu tiên và có thứ hạng trên bảng xếp hạng thì Nong Nok cũng không phải là muộn. Nong Nok chơi tennis từ năm 4 tuổi nhưng phải tới 10 tuổi mới được phát hiện và khi giương cao chiếc cúp Grand Slam đầu tiên, cô bé mới 17 tuổi.

Con đường của Nong Nok đang bước cũng là con đường của các tên tuổi tennis thế giới, xét trên góc độ những người thành danh về sau thường làm nên những thành tích đáng kể ở giải trẻ. Như Jelena Jankovic đã từng đăng quang nội dung nữ trẻ Australia năm 2001, Azarenka của Belarus năm 2005 và Pavluchenkova năm 2006 ở US Open. Monica Seles, Stefi Graff, Jennifer Capriati hay Lindsay Davenpord cũng đều bộc lộ tài năng và ghi tên của họ ở các nội dung trẻ Grand Slam rồi sau này mới trở thành những nhà vô địch Grand Slam thực thụ.
 
Và giấc mơ Grand Slam của Hoàng Thiên

Đầu năm 2009, Hoàng Thiên thổ lộ mơ ước của cậu: Năm 22 tuổi tôi sẽ vô địch US Open.

Thiên năm nay 14 tuổi, được một bộ phận không nhỏ giới truyền thông gọi là “cậu bé triệu đô”, thậm chí muốn gắn với thần đồng tennis đất Việt. Hoàng Thiên từng vô địch giải U14 châu Á và đó là danh hiệu để chúng ta đồng hóa Thiên với danh hiệu tay vợt trẻ số 1 châu Á (dù chưa chắc đã phải).

Năm nay Thiên 14 tuổi (sinh tháng 3-1995). Thiên chưa đến độ tuổi bắt buộc phải làm nên những điều gì đó như ghi tên mình lên bảng vàng của các nội dung trẻ ở Grand Slam. Nếu căn cứ như các nhà vô địch trẻ nội dung đơn nam ở Wimbledon như Andrey Kuznetsov, Grigor Dimitrov, Donald Young khi họ ở độ tuổi 17-18, Thiên còn 3-4 năm nữa để hoàn tất.

Nhưng vấn đề là với đà phát triển như hiện này thì 3-4 năm nữa có đủ? Đó là một câu hỏi rất khó; chỉ biết Thiên đã thực sự chững lại trong thời gian qua. Chính sự chững lại đó đã buộc gia đình Hoàng Thiên bỏ huấn luyện viên cũ để thuê thày mới là Coopersmith, người đã từng huấn luyện tài năng nữ người Serbia, Jelena Jankovic trong thời gian Jankovic rơi từ vị trí thứ 17 xuống 40 trên bảng xếp hạng của WTA và đã đưa Jankovic trở lại tốp 10. Coopersmith cũng đã từng huấn luyện Lisa Raymond, tay vợt nữ từng nằm trong tốp 20 thế giới và cả Philip Kohlschreiber, tay vợt từng vô địch U14 nam châu Âu (nay nằm trong tốp đầu thế giới).
 
 “Cậu bé triệu đô” đang đứng thứ 562 trên bảng xếp hạng trẻ của ITF và con đường để có thứ hạng ở ATP quả là rất xa, dù cho nếu chỉ tính những tay vợt sinh từ năm 1995 trở lại thì Thiên chính là tay vợt trẻ châu Á có thứ hạng cao nhất.

Tiền hay tài năng

Nong Nok không có 1 triệu USD của gia đình để riêng đầu tư cho cô bé. Nhưng Nong Nok có tài năng thiên bẩm và những tố chất của một tay vợt hàng đầu trong tương lai (dù việc cô bé chơi quả phải cũng bằng 2 tay không đáng ca ngợi về mặt thẩm mĩ).

Chính điều đó đã giúp Nong Nok được các huấn luyện viên  và các tổ chức tennis đỡ đầu, hay nói đúng hơn là đầu tư. Đó chính là một trong những con đường để vươn lên thành ngôi sao của các tay vợt hàng đầu thế giới.

Bởi, nếu như bạn không là triệu phú tiền đô hay vài trăm tỷ tiền Việt, nhưng có thực tài, thì sẽ không cần tiền mà vẫn có đủ cơ hội để phát triển, thậm chí người ta sẵn sàng tranh nhau để đổ tiền đầu tư và nhận con của bạn làm học trò, rồi sẽ chia sẻ lợi nhuận sau này.  

Việt Nam chưa có tài năng trẻ nào được như vậy, dù năm nào cũng có gia đình âm thầm dẫn con sang Mỹ, để tìm thày. Học viện của Nick Bolettieri danh tiếng đến nay vẫn chưa mở cửa đầu tư cho bất cứ cô bé/cậu bé Việt Nam nào!

Tin cùng chuyên mục