Hiện vật lạ ở các di tích: Trả lại cho những người cung tiến

Về phương án xử lý đối với các hiện vật lạ, không có trong hồ sơ xếp hạng ở các di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu trả lại cho những người đã trực tiếp cung tiến hiện vật.
Hiện vật lạ ở các di tích: Trả lại cho những người cung tiến ảnh 1Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến cáo các cơ quan, đơn vị không sử dụng, trưng bày sư tử đá được tạo hình không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Về phương án xử lý đối với các linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam và các hiện vật lạ, không có trong hồ sơ xếp hạng ở các di tích, trước mắt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm quản lý các di tích này trả lại cho những người đã trực tiếp cung tiến hiện vật.

Thông tin trên được ông Hồ Anh Tuấn-Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết trong cuộc trao đổi với báo chí diễn ra sáng nay (26/8) tại Hà Nội.

Trước câu hỏi về “tương lai” số hiện vật này sau khi được trả lại cho những người cung tiến (bởi với những hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam thì dù để ở đâu cũng sẽ gây phản cảm), Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho biết: “Bộ không thể áp đặt việc chuyển những hiện vật này đi đâu đối với những người cung tiến hiện vật bởi đó là quyền cá nhân của họ.”

Thay vào đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra khuyến cáo không chuyển các hiện vật lạ đó từ di tích này sang di tích khác và những nơi công cộng để tránh tình trạng linh vật ngoại lai “chạy lòng vòng” quanh các di tích.

Cũng trong buổi sáng nay, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ phối hợp với một số cơ quan chức năng khác như Ban Tôn giáo Chính phủ… để tìm phương án giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình xử lý, di dời các hiện vật lạ, linh vật ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại các đình, chùa, di tích.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức có công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL (ngày 8/8) gửi các Ban, Bộ, ngành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố trong cả nước, các cơ quan, đơn vị yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Công văn này chỉ rõ, trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, linh vật (sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh ở những nơi công cộng.

Ngày 22/8 vừa qua, trong cuộc khảo sát, kiểm tra tình hình sử dụng linh vật, vật phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại các di tích trên địa bàn Hà Nội, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Trong kế hoạch, từ nay đến tháng Mười Một Âm lịch, các sở văn hóa, thể thao và du lịch trên toàn quốc sẽ khuyến cáo, đề nghị các tổ chức, cá nhân không trưng bày và cung tiến những hiện vật lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Hiện vật lạ ở các di tích: Trả lại cho những người cung tiến ảnh 2Mẫu linh vật thuần Việt (Ảnh: Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm)

Đối với những nơi đang sử dụng các hiện vật này để trưng bày, sở văn hóa, thể thao và du lịch địa phương có trách nhiệm tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc sử dụng các biểu tượng, linh vật thuần Việt; từ đó, họ di dời vật phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

“Đến tháng 12 Âm lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đồng loạt ra quân rà soát, kiên quyết di dời những hiện vật lạ, linh vật ngoại lai này khỏi các di tích. Mục tiêu đặt ra là đến Tết Nguyên đán, các nơi thờ tự thể hiện đầy đủ giá trị của văn hóa thuần Việt,” bà Liên khẳng định./.

Ngày 19/8, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn số 352/MTNATL về việc giới thiệu các mẫu linh vật của Việt Nam tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành, Thanh tra văn hóa.

Kèm theo công văn là tập tư liệu hình ảnh một số mẫu tượng linh vật hiện được sử dụng tại các di tích và được lưu giữ tại một số bảo tàng. Theo đó, con sấu, sư tử đá, con nghê là các linh vật phổ biến trong văn hoá truyền thống Việt Nam.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục