Hiệp định an ninh Mỹ - Iraq vượt qua "cửa ải" cuối cùng

Hội đồng Tổng thống Iraq ngày 4/12, phê chuẩn Hiệp định an ninh Iraq - Mỹ cho phép quân đội Mỹ ở lại nước này đến hết năm 2011, sau khi sứ mệnh do Liên hợp quốc ủy nhiệm kết thúc vào ngày 31/12 tới.

Hội đồng Tổng thống Iraq ngày 4/12, phê chuẩn Hiệp định an ninh Iraq - Mỹ cho phép quân đội Mỹ ở lại nước này đến hết năm 2011, sau khi sứ mệnh do Liên hợp quốc ủy nhiệm kết thúc vào ngày 31/12 tới.

Như vậy, văn kiện được cả Baghdad lẫn chính quyền của Tổng thống George Bush mong đợi đã vượt qua "cửa ải" cuối cùng để chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2009.

Theo Thư ký Tổng thống Nasir al-Ani, Hội đồng Tổng thống Iraq gồm Tổng thống Jalal Talabani và hai Phó Tổng thống, đã phê chuẩn thỏa thuận mà không yêu cầu bất cứ sự sửa đổi nào.

Hiệp định an ninh gồm 31 điều khoản là văn bản hợp pháp hóa sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Iraq sau năm 2008, trong đó quy định rõ Chính phủ Iraq sẽ thay Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kiểm soát mọi hoạt động của lực lượng Mỹ tại nước này.

Cũng theo thỏa thuận này, binh sĩ Mỹ sẽ bắt đầu rút dần khỏi các thành phố của Iraq từ tháng 6/2009 và rút toàn bộ khỏi hơn 400 căn cứ quân sự ở quốc gia vùng Vịnh này vào cuối năm 2011. Nhà chức trách Iraq có quyền khám xét hàng hoá quân sự Mỹ cũng như thẩm vấn binh sĩ Mỹ bị cáo buộc phạm tội ác khi ở ngoài căn cứ và không thực thi nhiệm vụ.

Ngoài ra, Hiệp định an ninh Iraq - Mỹ cũng yêu cầu Oa-sinh-tơn phải xin phép chính quyền Iraq khi triển khai các chiến dịch quân sự và phải trao cho nhà chức trách địa phương hồ sơ của những kẻ tình nghi đang bị Mỹ giam giữ. Hiệp định cũng cấm quân đội Mỹ sử dụng Iraq như "bệ phóng" tấn công các nước khác.

Cùng ngày, nguồn tin chính phủ Iraq cho biết Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama đã điện đàm với Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki khẳng định cam kết rút quân “một cách có trách nhiệm” khỏi Iraq.

Theo thông báo của Phủ Thủ tướng Iraq, trong cuộc điện đàm tối 3/12, ông Obama cam kết rằng Mỹ “sẽ tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, đồng thời hợp tác để truy quét các phần tử khủng bố và rút quân một cách có trách nhiệm”.

Thông báo cũng cho biết ông Obama cảm ơn Chính phủ của ông Maliki vì các nỗ lực để Quốc hội Iraq thông qua Hiệp định an ninh Mỹ - Iraq.

Cùng ngày tại thành phố Fallujah, miền Tây Iraq, bạo lực vẫn tiếp diễn tại Iraq ngay sau khi Hiệp định an ninh Iraq - Mỹ vượt qua được bước phê chuẩn cuối cùng để có hiệu lực. Ít nhất có 15 người đã thiệt mạng và 147 người khác bị thương trong hai vụ đánh bom xe liều chết.

Theo Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng Iraq, hai vụ đánh bom trên nhằm vào các đồn cảnh sát ở Fallujah, cách Baghdad khoảng 50km, tuy nhiên nhiều trẻ em đã trở thành nạn nhân do một trường học gần đồn cảnh sát đã bị sập sau chấn động của vụ nổ.

Sĩ quan cảnh sát Omar Mohammed cho biết đồn cảnh sát Al-Golan đã bị san phẳng sau khi một kẻ đánh bom liều chết lái xe tải chở đầy thuốc nổ lao qua barie và cho nổ tung chiếc xe. Gần như đồng thời, vụ đánh bom liều chết thứ hai cũng xảy ra tại một đồn cảnh sát ở khu vực Shurta.

Nhiều khả năng số người thiệt mạng trong hai vụ đánh bom này sẽ còn tăng cao do có nhiều người bị thương rất nặng.

Fallujah là một trong những thành phố lớn của tỉnh miền Tây Anbar, nơi được coi là "thành trì" của phong trào nổi dậy chống Mỹ của người Hồi giáo dòng Sunni./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục