Hiệp định mới về chống biến đổi khí hậu bị đe dọa

Triển vọng đạt được hiệp định mới về chống biến đổi khí hậu đang bị đe dọa do các nước trên thế giới chưa nhất trí với thỏa thuận khung.

Thỏa thuận khung kêu gọi các nước chiếm lượng khí thải lớn trên thế giới phải nhất trí với kế hoạch hành động hoặc cam kết của mình. Theo đó, các nước giàu phải đề ra mục tiêu cắt giảm mạnh khí thải, trao đổi hạn ngạch khí thải hoặc sản xuất năng lượng tái sinh.
Triển vọng đạt được hiệp định mới thay thế Nghị định thư Kyoto về chống biến đổi khí hậu sắp hết hiệu lực đang bị đe dọa do các nước trên thế giới cho đến nay chưa nhất trí với thỏa thuận khung về vấn đề này, bất chấp thời hạn chót đang đến gần.

Thỏa thuận khung, do Australia soạn thảo, kêu gọi các nước chiếm lượng khí thải lớn trên thế giới phải nhất trí với kế hoạch hành động hoặc cam kết của mình. Theo đó, các nước giàu phải đề ra mục tiêu cắt giảm mạnh khí thải, trao đổi hạn ngạch khí thải hoặc sản xuất năng lượng tái sinh.

Các biện pháp đối với các nước đang phát triển mềm dẻo hơn, nhưng phải có tính ràng buộc về pháp lý và phải trở thành một phần trong hiệp định thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012. Các biện pháp này bao gồm đề ra mục tiêu sử dụng năng lượng đối với các ngành công nghiệp, các chương trình thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng, hoặc hạn chế phá rừng.

Khác với Nghị định thư Kyoto, thỏa thuận khung không nói rõ cơ chế trừng phạt đối với các nước giàu không đáp ứng mục tiêu cắt giảm khí thải giai đoạn 2008-2012.

Ý tưởng của Australia được một số nước ủng hộ, nhưng nhiều nước đang phát triển lo ngại thỏa thuận này là một nỗ lực nhằm "thoát li" Nghị định thư Kyoto và có thể dẫn đến việc các nước giàu và nước nghèo phải hành động như nhau trong lĩnh vực cắt giảm khí thải.

Đặc biệt, Ấn Độ và Indonesia đề nghị không áp đặt các biện pháp ràng buộc pháp lý đối với các nước đang phát triển. Hai nước này còn yêu cầu không giám sát các biện pháp cắt giảm khí thải dựa trên cơ sở tự nguyện đối với các nước đang phát triển như qui định trong Nghị định thư Kyoto, mà chỉ giám sát các biện pháp được các nước giàu tài trợ toàn bộ hoặc một phần.

Triển vọng đạt được hiệp định mới tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở Copenhagen, Đan Mạch vào giữa tháng 12 tới càng lu mờ, khi các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/10 không nhất trí với kế hoạch tài trợ các nước đang phát triển cắt giảm khí thải và thích nghi với biến đổi khí hậu.

9 nước nghèo trong EU, đứng đầu là Ba Lan, đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) xem xét hoàn cảnh cụ thể của những nước này trước khi thông qua cam kết tài trợ cắt giảm khí thải khoảng 15 tỷ euro/năm, từ năm 2020, cho các nước nghèo.

Bất đồng này đã đẩy vấn đề cốt lõi nhất liên quan đến các cuộc thương lượng của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu cho Hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tháng này giải quyết.

Trong khi đó, Ấn Độ tiếp tục đòi các nước giàu hỗ trợ về tài chính và công nghệ để đổi lấy việc nước này chấp nhận những hạn chế về khí thải. Ấn Độ là nước chiếm lượng khí thải lớn thứ tư thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Mỹ tuyên bố sẽ cắt giảm khí thải trước khi công bố cách áp thuế khí thải cácbon đối với các mặt hàng sử dụng nhiều năng lượng nhập khẩu từ các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục