Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực

Hiệp định toàn cầu về chống biến đồi khí hậu được thông qua tại Paris của Pháp vào năm ngoái hay còn gọi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực ảnh 1Khói mù ô nhiễm bao phủ bầu trời New Delhi, Ấn Độ ngày 28/10 vừa qua. (Ảnh: AP/TTXVN)

Hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu được thông qua tại Paris của Pháp vào năm ngoái hay còn gọi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11.

Với văn kiện này, khoảng 200 quốc gia sẽ bắt đầu thực hiện các kế hoạch quốc gia nhằm cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính theo cam kết đã đề ra.

Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Patricia Espinosa nhấn mạnh ngày này đánh dấu mốc quan trọng để các quốc gia cùng với thiện chí và thái độ nghiêm túc hướng tới hoàn thành các mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Dự kiến từ ngày 7-18/11 tới, tại Marrakesh của Maroc sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 22 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) với sự tham dự của đại diện của gần 200 quốc gia.

Tại sự kiện này, các nước sẽ tập trung thảo luận các điểm chính của Hiệp định Paris, cũng như các chính sách công nghệ và tài chính cần thiết nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu của văn kiện này.

Theo bà Espinosa, thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay rất đáng lo ngại do lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu - một trong những thủ phạm chính gây ra biến đổi khí hậu - không có dấu hiệu sụt giảm, đặt ra những thách thức không nhỏ cho các nước tham dự COP22 lần này.

Còn theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim đã đến lúc các nước giàu cần biến cam kết thành hành động, hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Hiệp định Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris của Pháp hồi tháng 12 năm ngoái, trong đó quy định một loạt biện pháp về bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Ngoài ra, hiệp định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Văn kiện này có hiệu lực trong bối cảnh khí phát thải nhà kính được dự báo sẽ tăng lên từ 12 tỷ tấn đến 14 tỷ tấn vào năm 2030.

Gần 200 quốc gia đã tham gia Hiệp định Paris và đã được 55 nước phê chuẩn, đại diện cho 55% tổng lượng khí thải toàn cầu, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Brazil và Liên minh châu Âu (EU).

Các số liệu thống kê cho thấy Trung Quốc là nước xả thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 205 lượng khí thải toàn cầu, tiếp theo là Mỹ và Nga, trong khi Hàn Quốc là nước xả thải lớn thứ chín.

Trong số các nước có lượng khí thải nhà kính lớn, hiện còn Nhật Bản, Nga và Australia chưa thông qua. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực cho thấy các nước đã nhận thức rõ những hiểm họa mà biến đổi khí hậu gây ra và với cam kết này, các quốc gia có thể hạn chế những nguy cơ từ biến đổi khí hậu và xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng.

Theo báo cáo có nhan đề "Lỗ hổng khí phát thải" (Emissions Gap) của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố cùng ngày, các nước cần phải khẩn trương đẩy nhanh các cam kết cắt giảm khí carbon (các-bon) phát thải gây tình trạng ấm lên toàn cầu nhằm ngăn chặn "thảm họa nhân loại."

Báo cáo chỉ rõ những cam kết về cắt giảm lượng khí phát thải mà Hiệp định Paris đề ra đến năm 2020 là chưa đủ bởi nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ vẫn có thể tăng lên 3,4 độ C vào cuối thế kỷ này.

Điều này sẽ kéo theo những thảm họa khí hậu quy mô lớn, dẫn tới nghèo đói, dịch bệnh và thiên tai.

Báo cáo nhấn mạnh hơn bao giờ hết, các nước cần phải có thêm các biện pháp đối phó hữu hiệu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục