Hiệp hội giày dép Đức phản đối áp thuế giày da VN

Ngành giày dép Đức sẽ mất thêm 400 triệu euro/năm khi EC thông qua quyết định kéo dài thời hạn áp thuế phá giá với giày da VN, Trung Quốc.
Hiệp hội công nghiệp giày dép Đức (HDS) vừa lên tiếng cảnh báo mặt hàng này tại thị trường Đức có thể sẽ đắt hơn đáng kể trong năm tới do Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã thông qua quyết định kéo dài thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với giày da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội HDS, ông Ralph Rieker, cho biết ngành công nghiệp giày dép nước này sẽ phải mất thêm mỗi năm khoảng 400 triệu euro và gánh nặng này cuối cùng sẽ chất lên vai người tiêu dùng.

Trả lời phỏng vấn báo "Thế giới" (Đức), ông Rieker tỏ ra thất vọng trước quyết định trên của EC và cho biết, khác với ngành công nghiệp giày dép ở các nước Đông và Nam Âu, các nhà sản xuất Đức từ lâu đã có mặt trên toàn cầu.

Tại Đức có khoảng 100 nhà sản xuất giày dép, nhưng chỉ có khoảng 14.000 nhân công trong các lĩnh vực thiết kế, phát triển và tiếp thị, còn khâu hoàn thiện ở nước này hầu như không có.

Trong khi đó, các quốc gia như Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ba Lan đã gây áp lực lớn để kéo dài thời hạn áp thuế nói trên nhằm bảo hộ ngành công nghiệp sản xuất giày trong nước của họ.

Trung Quốc đã gửi đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới và cho rằng EU đã "đi quá xa".

Nhiều nhà bán lẻ hàng đầu, các nhóm người tiêu dùng ở châu Âu và một số nhà sản xuất thương hiệu ở Đức như Adidas và Puma còn biểu tình phản đối vì hiện tại có tới 50% giày trên thị trường Đức là sản phẩm từ Trung Quốc và Việt Nam sản xuất theo đơn đặt hàng của các công ty Đức.

Liên minh giày dép châu Âu (EFA) cũng phản đối động thái trên của EC và kêu gọi chấm dứt ngay lập tức loại thuế chống bán phá giá này.

Nếu được các bộ trưởng EU thông qua vào ngày 22/12 tới, việc gia hạn biểu thuế trên sẽ có hiệu lực từ đầu năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục