Hiệu quả từ mô hình cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL

Sản xuất lúa theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn" ở Đồng bằng sông Cửu Long bước đầu có kết quả tốt cho chất lượng lúa tốt, lợi nhuận cao.
Sản xuất lúa theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn" ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khởi đầu chỉ với 200ha của vụ Hè Thu năm 2007 ở An Giang, nhưng bước đầu đã cho kết quả tốt, ruộng lúa không còn sâu bệnh, chất lượng hạt lúa nâng cao, đầu ra cho sản phẩm an toàn và hiệu quả, nông dân thu nhiều lợi nhuận.

Liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp

Theo ông Phạm Văn Dư, Cục phó Cục trồng trọt, mô hình “cánh đồng mẫu lớn” được xây dựng nhằm thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên diện tích lớn, rút ngắn khoảng chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân trong toàn vùng.

Cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa mang tính hiện đại hơn làm gia tăng chất lượng lúa gạo và làm nền tảng cho việc sản xuất lúa theo VietGAP thông qua tăng cường liên kết 4 nhà và các bên tham gia mô hình đều hưởng lợi ích cao nhất.

Ông Cao Văn Tấn, Giám đốc nhà máy Chế biến Xuất khẩu gạo Vĩnh Bình, thuộc Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, tỉnh An Giang cho biết dịch rầy nâu lây lan rộng trong 2 vụ lúa năm 2006-2007 làm cho nông dân mất mùa, có người lâm vào tình trạng muốn bán ruộng chuyển sang việc khác, gây khó khăn về nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo mà chương trình “cùng nông dân ra đồng” của công ty thực hiện là một trong những hướng giải quyết cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp.

Để những nông dân sản xuất theo kinh nghiệm từ bao đời nay chuyển sang sản xuất theo mô hình là điều không dễ. Hơn nữa, muốn dễ quản lý từ khâu giống, đến gieo sạ cũng như cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, các cánh đồng nhỏ phải thống nhất lại chỉ còn trồng 1 giống lúa, đồng thời nông dân phải thực hiện ghi chép đầy đủ, xử lý các tình huống sâu bệnh thật khoa học. Không phải nông dân nào cũng làm theo những điều mà phía doanh nghiệp và người quản lý nông nghiệp đưa ra. Chính vì thế, công tác vận động trong vụ lúa đầu tiên năm 2007, chỉ với 200 ha khởi đầu là một chặng đường dài.

Từ sản xuất vụ lúa hè thu năm 2007 thành công, bước sang vụ đông xuân 2007-2008, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện liên kết với nông dân tại các tỉnh sản xuất lúa theo hướng hiện đại, nông dân gọi là cánh đồng mẫu lớn, theo cách gọi của chương trình đầu tiên. Từ đó, mô hình lan rộng ra các tỉnh Tây Ninh (12 xã thuộc 6 huyện trong tỉnh), tỉnh Trà Vinh (xã Phong Phú, huyện Cầu Kè), Đồng Tháp (huyện Tam Nông), An Giang (huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú …)

Nhiều mô hình đạt hiệu quả cao

Với Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, trong vụ Hè Thu 2011, công ty đã thực hiện xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành với quy mô 1.600ha . Trong đó, công ty thực hiện cung ứng giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho nông dân với lãi suất 0% và trừ lại khi nông dân bán lúa cho công ty. Trong quá trình canh tác, nông dân được đội ngũ cán bộ kỹ thuật của công ty, gọi tắt là FF (Farmer Friend) thực hiện tư vấn canh tác. Mỗi FF của công ty sẽ phụ trách hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trên diện tích 50ha.

Sau khi thu hoạch, nông dân được hỗ trợ chi phí vận chuyển, chi phí sấy và lưu kho trong vòng 30 ngày và mua theo giá trị trường. Qua kết quả, nông dân tham gia mô hình có chi phí sản xuất thấp hơn nông dân không tham gia mô hình này, giá thành sản xuất lúa của nông dân tham gia mô hình là 2.581 đ/kg, trong khi đó giá thành sản xuất lúa của nông dân ngoài mô hình là 3.302 đồng/kg. Lợi nhuận trong mô hình khoảng 27 triệu đồng/ha, lợi nhuận ngoài mô hình chỉ 15 triệu đồng/ha. Trong vụ Thu Đông 2011, công ty mở rộng diện tích lên đến 2.000ha tại các huyện Châu Thành, Châu Phú và Thoại Sơn.

Tại ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer. Trước đây, ấp này là vùng đất khó sản xuất, có sản xuất cũng chỉ dựa vào nước mưa nên mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa trong mùa mưa. Vào đầu năm 2007, các nhà khoa học, doanh nghiệp, quản lý đã chọn khu vực này xây dựng mô hình “cùng nông dân ra đồng” để sản xuất lúa chất lượng cao. Chỉ sau hơn 4 năm với 11 vụ sản xuất, năng suất lúa liên tục tăng từ 4 tấn/ha (2007) lên 7-8 tấn/ha, có hộ đạt 9,5 tấn/ha trong vụ hè thu 2011.

Năng suất lúa tăng, kéo theo đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng lên đáng kể; một số hộ liên tiếp trúng mùa trở nên khá, giàu, sắm sửa được nhiều phương tiện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt gia đình,…Bộ mặt nông thôn của ấp gần như “lột xác,” nhiều nhà khang trang được xây mới; năm 2006, toàn ấp có 136 hộ nghèo, nay chỉ còn 30 hộ; đặc biệt có 3 hộ nghèo trước đây nay trở nên khá giả. Xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh cũng đã thành lập 10 tổ sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, tăng năng suất và tăng thu nhập, giúp xóa đói giảm nghèo trong toàn xã.

Các công ty, doanh nghiệp tham gia cánh đồng mẫu lớn như Công ty Xuất Nhập khẩu An Giang (ANGIMEX) cung ứng giống và phân bón, thu mua lúa với giá cao hơn thị trường từ 200-300 đồng/kg, Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang liên kết cung ứng giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân với lãi suất 0%, sau khi thu hoạch, nông dân được hỗ trợ chi phí vận chuyển, sấy và lưu kho trong tháng đầu, Công tửctách nhiệm hữu hạn ADC sẽ thu mua toàn bộ lúa nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GLOBALGAP, thu mua cao hơn giá thị trường tại thời điểm 10% và thực hiện hợp đồng lâu dài với Liên hiệp Hợp tác xã Nông nghiệp - đơn vị đại diện cho các tổ hợp tác nông dân sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GLOBALGAP.

Công ty cổ phần phân bón Bình Điền đầu tư trả chậm cho nông dân giúp giảm chi phí đầu như giống giảm 120.000 đồng/ha, phân giảm 480.000 đồng/ha, thuốc bảo vệ thực vật giảm 105.000 đồng/ha.

Nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật

Ông Nguyễn Thành Hưởng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp cho biết, trước đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp đưa ra đề án làm sao tổ chức được cánh đồng theo chuẩn xuất khẩu, còn gọi là cánh đồng mẫu lớn.

Qua 3 năm thực hiện, từ 2008-2011, tỉnh đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở các Hợp tác xã Tân Cường (Tam Nông) với diện tích 430ha, 273 hộ tham gia, Hợp tác xã Thắng Lợi (huyện Tháp Mười) với diện tích 260ha, 120 hộ tham gia, cánh đồng 959 kinh tế quốc phòng 118ha. Cánh đồng này thực hiện với tiêu chí nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất để nâng cao chất lượng lúa. Từ khi tham gia cánh đồng mẫu lớn, nông dân ứng dụng kỹ thuật tốt hơn, họ sử dụng chủ yếu giống xác nhận do các công ty hỗ trợ cấp, trong đó nhiều nhất là các giống Jasmine85, OM4900, OM6162, OM6218.

Để tạo quá trình sản xuất hiện đại, ngoài ứng dụng cánh đồng 1 giống, nông dân còn ứng dụng sạ hàng. So với sạ tay như trước đây, nông dân tiết kiệm khoảng 80kg-100kg giống/ha, đồng thời họ cũng áp dụng kỹ thuật để bón phân cân đối hơn, giúp lượng phân giảm đáng kể. Mặt khác, hàng tuần nông dân cùng các cán bộ kỹ thuật đi thăm đồng định kỳ, tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, không lạm dụng phân, thuốc, vả lại mật độ cây lúa thưa nên sâu bệnh ít phát triển, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khỏe người dân.

Trạm Khuyến nông huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ khi nông dân áp dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng hiện đại, họ an tâm hơn trong sản xuất, dù họ vẫn tự đầu tư vốn cho sản xuất, từ vật tư nông nghiệp cho đến mua giống, ngoài vốn nhà, họ còn vay vốn ngân hàng nhưng vì áp dụng đúng kỹ thuật, cây lúa phát triển cứng cáp, hạt lúa chắc, mẩy hơn, chất lượng cao hơn nên đầu ra khả quan, giúp họ thấy khả quan và không còn lo sợ bị thương lái ép giá mỗi khi đến mùa thu hoạch. Chính thành công này giúp cho các nông dân của Hợp tác xã Tân Cường, huyện Tam Nông ngăn dòng nước lũ làm vụ lúa thu đông 2011 với diện 430ha./.

Hồng Nhung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục