Hiểu rõ về hệ miễn dịch của cơ thể để phòng chống bệnh do virus

Miễn dịch là một hệ thống gồm cấu trúc và tiến trình sinh học giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị bệnh tật. Nhiều người có khả năng không mắc một số bệnh, dù sống trong môi trường có nhiều vi khuẩn, virus.
Hiểu rõ về hệ miễn dịch của cơ thể để phòng chống bệnh do virus ảnh 1Bổ sung dinh dưỡng là cách để tăng sức đề kháng cho cơ thể. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (COVID-19) gay ra, nhiều người dân hiện khá hoang mang lo lắng cho sức khỏe của mình.

Theo các chuyên gia, ngoài các biện pháp khuyến cáo của Bộ Y tế, để phòng bệnh mỗi người dân cần có sự hiểu biết về hệ miễn dịch trong cơ thể và chế độ dinh hàng ngày để đảm bảo sức khỏe, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể như thế nào?

Các chuyên gia y tế phân tích vai trò hệ miễn dịch tạo đề kháng cơ thể trong phòng chống dịch bệnh rất quan trọng. Miễn dịch là một hệ thống gồm cấu trúc và tiến trình sinh học giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị bệnh tật.

[Những tín hiệu đáng mừng trong phòng chống COVID-19 tại Việt Nam]

Nhiều người có khả năng không mắc một số bệnh nào đó mặc dù sống trong môi trường có nhiều vi khuẩn, virus gây bệnh nhờ sự miễn dịch. Như vậy, để hiểu một cách đơn giản, miễn dịch là khả năng phản ứng của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập.

Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại bằng hệ thống “hàng rào phòng thủ” dạng tầng có tính tăng dần từ cấp độ tế bào, mô tới các bộ phận.

Do vậy, mỗi người cần có kiến thức hiểu rõ về hệ miễn dịch của cơ thể mình để phòng chống bệnh do virus gây ra.

Theo phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), đầu tiên, nếu các tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn) xâm nhập sẽ phải vượt qua lớp phòng thủ đầu tiên là các rào chắn vật lý như các hốc tự nhiên như mũi, miệng, mắt... và da. Do vậy câc biệt pháp hỗ trợ tăng cường sức mạnh cho tuyến phòng thủ đầu tiên này cao gồm: Đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn để hạn chế hít phải mầm bệnh; Rửa tay đúng cách với dung dịch sát khuẩn hoặc bằng xà phòng và nước sạch; Rửa trôi, loại trừ virus, vi khuẩn bằng cách: súc miệng và họng bằng dung dich sát khuẩn, nhỏ mắt, mũi bằng thuốc nhỏ mắt mũi đạt tiêu chuẩn.

Nếu virus, vi khuẩn xâm nhập được qua hàng rào này thì hệ miễn dịch bẩm sinh sẽ cung cấp một đáp ứng nhưng không đặc hiệu đối với nó. Khả năng này tùy từng cá thể mỗi người. Nếu như tác nhân gây bệnh tiếp tục vượt qua được đáp ứng bẩm sinh thì chúng sẽ gặp hàng rào bảo vệ thứ 3, đó là hệ miễn dịch thích ứng và cũng là lớp phòng thủ cuối cùng của hệ miễn dịch của cơ thể. Tại đây, hệ miễn dịch điều chỉnh đáp ứng đấu tranh trong thời gian nhiễm trùng, làm cho nó đặc hiệu đối với tác nhân gây bệnh.

Hệ miễn dịch của con người thích ứng có khả năng ghi nhớ và nhận biết một tác nhân gây bệnh đặc hiệu đã bị loại trừ. Nhờ đó mà nó có khả năng tấn công nhanh và mạnh hơn nếu có gặp lại tác nhân gây bệnh đó.

Do vậy, mỗi người dân cần nâng cao thể trạng, giữ gìn sức khỏe bằng cách bổ sung các chất tăng cường miễn dịch có tác dụng hỗ trợ nâng cao miễn dịch cho cơ thể bằng cách gia tăng các chức năng hoạt động chung, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt để chống lại tác nhân gây bệnh.

Tăng cường dinh dưỡng

Phó giáo sư Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia cho hay, một lựa chọn an toàn là mỗi người dân cần nâng cao đề kháng giúp tăng cường miễn dịch, thúc đẩy và hoạt hóa các tế bào miễn dịch trong các bệnh nhiễn khuẩn, cảm cúm.

Nguyên nhân là do đối với rất nhiều loại bệnh tật, đặc biệt là những bệnh liên quan đến vi trùng, virus, vai trò của hệ miễn dịch trong cơ thể người bệnh cực kỳ quan trọng, là yếu tố quyết định.

Hiểu rõ về hệ miễn dịch của cơ thể để phòng chống bệnh do virus ảnh 2Phó giáo sư Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Trong phòng lây nhiễm, vũ khí tối thượng mà chúng ta có là hệ miễn dịch của chính mình. Tất cả các biện pháp đang được khuyến cáo như mang khẩu trang, rửa tay, tránh tiếp xúc... sẽ hạn chế khả năng virus này xâm nhập vào cơ thể, còn khi virus đã xâm nhập rồi, chỉ có hệ miễn dịch tốt mới giúp loại trừ tác nhân gây bệnh,” phó giáo sư Mai phân tích.

Trên nguyên tắc chung, để đảm bảo một sức khoẻ tốt nhất, chế độ ăn cần đảm bảo cân bằng 4 nhóm dinh dưỡng gồm: Nhóm chất bột đường; Nhóm chất đạm; chất béo; vitamin và khoáng chất.

"Trong mùa dịch hay bất cứ thời điểm nào, các vitamin liên quan nhiều tăng cường miễn dịch, chống oxy hoá tốt như vitamin A, D, C, B6, B9 rất quan trọng. Đây là 5 vitamin quan trọng nhất trong việc tăng sức đề kháng nói chung, trong dịch bệnh Covid -19 nói riêng có nhiều trong các loại rau xanh, đạm", phó giáo sư Lê Bạch Mai cho biết.

Bà Mai cho hay ngoài việc ăn uống đảm bảo dinh dưỡng hàng ngày, thì việc bổ sung các chất tăng cường hệ miễn dịch như sắt, kẽm, vitamin C và Thymomodulin (protein có hoạt tính sinh học cao) vô cùng quan trọng, nhất là đối với nhóm người cao tuổi, trẻ em và người có bệnh mạn tính.

Do vậy, việc bổ sung các chất tăng cường miễn dịch có tác dụng hỗ trợ nâng cao miễn dịch cho cơ thể bằng cách gia tăng các chức năng hoạt động chung, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt; trên cơ sở này sẽ gia tăng sự đáp ứng miễn dịch hoặc tác động kích thích các cytokin, interleukin làm cho tế bào miễn dịch tiết ra nhiều kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh./.

[Video] Phó giáo sư Lê Bạch Mai nói về việc tăng cường dinh dưỡng nâng cao đề kháng cho cơ thể:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục