Hiệu ứng "domino" về kiểm soát người nhập cư ở Scandinavia

Chính sách của Thụy Điển và Đan Mạch nhằm hạn chế dòng người di cư đang gây lo ngại sâu sắc đối với các cam kết của châu Âu liên quan việc tự do đi lại của người dân.
Hiệu ứng "domino" về kiểm soát người nhập cư ở Scandinavia ảnh 1Người tị nạn Syria tìm cách vượt biên trái phép qua khu vực biên giới Hy Lạp- Macedonia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Séc, trên trang mạng của Viện Nghiên cứu Chính sách châu Âu tại Séc (Eurropeum), chuyên gia Christian Kvorning Lassen đã có bài phân tích về động thái tăng cường kiểm soát biên giới gần đây của Thụy Điển và Đan Mạch, cũng như tác động đối với tương lai của Khu vực tự do đi lại Schengen.

Chuyên gia Lassen cho rằng sau khi Thụy Điển triển khai việc kiểm tra thông tin đối với tất cả các du khách đến từ Đan Mạch thì Copenhagen cũng tăng cường kiểm soát biên giới với Đức nhằm ngăn dòng người di cư ồ ạt vào nước này sau khi không được nhập cảnh vào Thụy Điển.

Chính sách của Thụy Điển và Đan Mạch nhằm mục đích hạn chế dòng người di cư, cứu vãn bầu không khí chính trị trong nước đang gia tăng căng thẳng, song lại gây lo ngại sâu sắc đối với các cam kết của châu Âu liên quan việc tự do đi lại của người dân.

Đan Mạch và Thụy Điển, kết nối trực tiếp với nhau thông qua cầu Öresunds, là một trong những biểu tượng của sự hội nhập châu Âu.

Mặc dù, Đan Mạch chỉ có kế hoạch kiểm soát biên giới trong khoảng 10 ngày, nhưng do giới chức Copenhagen để ngỏ khả năng kéo dài tình trạng này khi cần nên Bộ Ngoại giao Đức đã bày tỏ lo ngại tương lai của Khu vực Schengen đang “bị đe dọa.”

Hiện chính phủ thiểu số ở Đan Mạch đang phải chịu áp lực rất lớn khi đảng Nhân dân Đan Mạch (DF) liên tục gia tăng sức ép đối với các lãnh đạo đương nhiệm liên quan vấn đề khủng hoảng người di cư và Liên minh châu Âu (EU).

Nhiều khả năng không chỉ Khu vực tự do đi lại Schengen mà cả hai quốc gia nói trên thuộc bán đảo Scandinavia cũng sẽ phải đối diện với tương lai không mấy sáng sủa.

Thụy Điển đang đương đầu với thách thức lớn liên quan vấn đề hội nhập, còn Chính phủ Đan Mạch có nguy cơ sụp đổ nếu hủy bỏ áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới.

Trong khi đó, EU và Đức sẽ gia tăng sức ép buộc chính quyền Copenhagen không được kéo dài hơn mức cần thiết việc áp dụng chính sách này nhằm hạn chế tác động tiêu cực đối với Khu vực Schengen./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục