Hình thành các vùng nguyên liệu lúa Đồng bằng sông Cửu Long

Hầu hết 13 tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu Long đã quy hoạch và đang từng bước hình thành năm vùng nguyên liệu lúa phù hợp với thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới.
Hình thành các vùng nguyên liệu lúa Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Ruộng lúa giống trong thời kỳ khảo nghiệm của Viện. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Cây lương thực - Cây thực phẩm, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, hầu hết 13 tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu Long đã quy hoạch và đang từng bước hình thành năm vùng nguyên liệu lúa phù hợp với thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới.

Theo đó, các vùng nguyên liệu bao gồm: Cánh đồng lớn canh tác giống lúa Jasmine, chuyên canh tác và cung ứng lúa, gạo Jasmine 85; Cánh đồng lớn canh tác giống lúa gạo trắng hạt dài chất lượng cao, chuyên canh tác và cung ứng lúa, gạo chất lượng cao là gạo hạt dài, trắng, trong, không bạc bụng, hàm lượng amylose thấp như các giống lúa OM 4900, OM 5451, OM 4218, OM 7347...; Cánh đồng lớn canh tác giống lúa đặc sản, chuyên canh tác các giống lúa có chất lượng rất cao, đặc sản theo chỉ dẫn địa lý của địa phương như nhóm giống ST, Nàng thơm chợ Đào, Một bụi đỏ, Tài Nguyên, VD 20, Nàng Hoa 9...; Cánh đồng lớn canh tác giống nếp và giống lúa hạt tròn, chuyên canh tác và cung ứng nếp hoặc giống lúa hạt tròn; Cánh đồng lớn canh tác giống lúa chất lượng trung bình và giống lúa chất lượng thấp: chuyên canh tác và cung ứng lúa, gạo trung bình và giống lúa chất lượng thấp như IR 50404, OM 576...

Cụ thể, vùng bán đảo Cà Mau ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu phèn mặn và điều kiện khó khăn với các giống lúa chủ lực như OM 4900, OM 6976, OM 2517... Vùng Tây Sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên ưu tiên áp dụng các giống lúa thâm canh cao với các giống lúa chủ lực như OM 5451, OM 4900, OM 2517... Vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu ưu tiên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao với các giống lúa chủ lực như OM 4900, OM 6976, Jasmine 85... Vùng Đồng Tháp Mười ưu tiên áp dụng giống lúa cực ngắn ngày, thâm canh trung bình khá, chịu điều kiện khó khăn với các giống lúa chủ lực như IR 50404, OM 4218, OM 5451...

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để từng bước xây dựng vùng lúa hàng hóa chất lượng cao, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long cần rà soát quy hoạch những vùng sản xuất lúa đặc sản và cao sản chất lượng cao trong chương trình cánh đồng lớn.

Một yếu tố quan trọng để cơ cấu giống được thực hiện và phát huy hiệu quả, các tỉnh thành cần tiếp tục đầu tư phát triển toàn diện hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa các cấp theo kế hoạch sản xuất lúa giống giai đoạn 2014-2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục