Hô "biến" cửu vạn thành... công nhân xây dựng

Quy định của Bộ Xây dựng không cho phép lao động phổ thông làm việc tại công trường ở vị trí nguy hiểm. Nhưng trên thực tế thì ngược lại...
Làm việc tại các công truờng xây dựng bây giờ quá dễ. Khi gặp chủ thầu, thử việc 3 ngày, nếu đảm bảo công việc thì chủ nhận. Ngoài ra, tôi chẳng biết thêm các thủ tục gì khác nữa”, lao động Nguyễn Văn Hoàn quê ở Sông Công Thái Nguyên cho biết khi chúng tôi hỏi chuyện muốn xin làm tại một công trường.

Theo quy định của Bộ Xây dựng, tuyệt đối không sử dụng lao động, người có thể lực và sức khỏe không phù hợp, lao động không qua đào tạo nghề (lao động phổ thông) vào làm việc ở vị trí nguy hiểm như: tháo lắp giàn giáo, làm việc trên cao, nơi cheo leo nguy hiểm, các công trình xây dựng cao tầng…

Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, qua khảo sát của Vietnam+ tại các công trường đang thi công trên địa bàn Hà Nội thì tràn ngập lao động phổ thông. Khi nhận người, chủ thầu cũng không đào tạo nghề, lao động thì làm thời vụ. Vậy nên, tai nạn lao động tại các công truờng đa số là lao động phổ thông.

Cửu vạn thành công nhân xây dựng: Quá dễ!


Cũng như nhiều lao động khác, anh Nguyễn Văn Hoàn lên Hà Nội làm thợ xây đến nay đã được ngót 2 năm. Theo anh Hoàn, những công nhân tại các công trình xây dựng, muốn vào đó làm họ phải lập những tốp từ 5 đến 10 người để thành một đội. Người đứng đầu đội đó sẽ trực tiếp nhận khoán công việc, quản lý sinh hoạt người làm, chi trả lương.

Trước đây, anh Hoàn chỉ là một thợ xây ở quê thu nhập thấp, lên Hà Nội làm cửu vạn một thời gian rồi lân la tìm một công việc trong công truờng xây dựng.

“Cứ nghĩ lên Hà Nội thì các nhà thầu xây dựng sẽ tuyển người, nhưng họ không tuyển mà chia thành từng đội nhỏ để có thể dễ quản lý và khoán công việc gọn gàng”, anh Hoàn nói.

Anh Hoàn mất 2 tuần lân la các quán trà đá làm quen với các công nhân là đã có thể vào làm việc trong đội thợ xây của những người cùng quê.

Anh Phạm Quang Thái, tổ truởng của anh Hoàn làm việc trong công trình khách sạn khu Trung Hòa – Nhân Chính, cho biết: “Nhà thầu Vinaconex 2, nơi tôi làm chỉ muốn có đủ công nhân để làm, chứ nếu đào tạo nghề nghiệp và kiểm tra tay nghề từng người một họ không có đủ thời gian.”

Theo ghi nhận của Vietnam+, tại các công truờng đang thi công, chế độ bảo đảm an toàn lao động chỉ có dây buộc, mũ, quần áo mà không có chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Chủ thầu quan tâm tới tiến độ, còn lao động chỉ quan tâm tới lương và thưởng.

Trần Trung Phong quê Quỳnh Phụ, Thái Bình làm nghề phụ hồ ở bào tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam, lương tháng chỉ được 1,7 triệu đồng, trừ tất cả các chi phí đi mỗi tháng cũng tiết kiệm được 700 nghìn đồng để gửi về quê.

Anh Phong cho biết: “Công việc nặng nhọc, làm từ sáng đến tối, có khi còn tăng ca để kịp tiến độ. Tuy lương có cao hơn, nhưng làm nhiều quá nên ốm mệt thưòng xuyên”.

Thu nhập của những lao động tập hợp theo nhóm nhiều khi cũng thất thường, các chủ nhóm nhận lương của nhà thầu rồi giao lại cho lao động tính trên đầu công việc. Anh Thái nói rằng, tháng này mưa nhiều nên bị lỗ mất 8 triệu vì trả công và sinh hoạt ăn ở cho mọi người.

Còn Giám sát bảo hộ An toàn lao động tại một công ty xây dựng tư nhân, ông Nguyễn Văn Thiềng cho hay: "Các nhà thầu chỉ chú trọng đến đội ngũ giám sát và kỹ thuật viên, còn công nhân thì không quan tâm tới. Do khoán công việc nên họ chỉ cần đủ quân số, vấn đề đào tạo tay nghề và kiểm tra trình độ hay an toàn lao động thì được các đội trưởng tự làm.”

An toàn lao động: Mỏi mắt chờ… chủ thầu!


Tại công truờng Trung Hòa-Nhân Chính, vừa kể xong câu chuyện với chúng tôi Hoàn đã leo ngay lên tầng 23 phụ xây cho một nhóm thợ. Giàn giáo chìa ra từ phía tường xây, nhìn từ dưới lên trông Hoàn bé tẹo bằng bao diêm đi lại giữa không trung thoăn thoắt xây xây, trát trát mà không có bất cứ phương tiện bảo vệ an toàn nào.

Đem những câu chuyện về mất an toàn lao động tại các công trường xây dựng đang thi công tới Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, thì nhận được câu trả lời từ ông Bạch Quốc Việt-Trưởng Phòng An toàn Lao động: An toàn chỉ trông chờ vào nhà thầu.

Ông Việt cho biết: “chủ nhà thầu là đơn vị trực tiếp tuyển nhân công lao động nhưng lại chưa chú trọng đến việc huấn luyện đảm bảo an toàn lao động và quan tâm đào tạo nghề cho công nhân.”

Theo ông Việt, hiện tượng lao động phổ thông tràn ngập các công truờng tất yếu sẽ dẫn tới mất an toàn lao động. Công việc thanh kiểm tra cũng rất khó thực hiện vì, hiện tại số lượng cán bộ chuyên viên về lĩnh vực này cũng đang rất ít.

Hiện tại, quân số của phòng An toàn Lao động Hà Nội chỉ có 5 người. Vậy nên, mục tiêu thanh kiểm tra về an toàn lao động năm 2009 chỉ dừng ở mức… 2% trên tổng số doanh nghiệp.

Hà Nội có 67.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất trên địa bàn. Riêng trong lĩnh vực xây dựng, mặc dù chưa thống kê số lượng nhưng thường có tai nạn lao động nghiêm trọng./.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm đã xảy ra 78 vụ tai nạn lao động, thiệt mạng 13 người. Tính riêng các công truờng xây dựng đã có 10 người thiệt mạng, trong đó do ngã từ trên cao làm chết 5 người, vật nặng đè rơi làm chết 5 người.

Tính thêm cả vụ tai nạn chết người tại công trường Keangnam cuối tháng 7, số người chết tính tới hiện nay khi thi công tại các công truờng xây dựng lên tới 14 người.

Hùng-Chí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục