Hổ hoang dã đang đối mặt với nguy cơ biến mất

Ở Việt Nam ước tính chỉ còn chưa đến 50 con hổ đang sống trong tự nhiên, chúng bị đe dọa nghiêm trọng và có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Ở Việt Nam hiện nay, ngoài 10 loài động vật và thực vật mới biến mất, có khoảng 900 loài khác đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Các chuyên gia về sinh thái học trong và ngoài nước cho biết, số lượng hổ sinh sống trong tự nhiên trên thế giới đang giảm xuống một cách nghiêm trọng. Việt Nam là 1 trong 13 nước có hổ sinh sống trong tự nhiên, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời thì 10 năm tới, những con hổ này sẽ không còn.

Suy giảm nhanh

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong vài chục năm trở lại đây, số lượng hổ ở Việt Nam suy giảm quá nhanh. Sự suy giảm hổ ở Việt Nam nằm trong tình trạng suy giảm chung của loài này trên toàn thế giới.

Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cung cấp thêm thông tin, ở Việt Nam, ước tính chỉ còn chưa đến 50 con hổ đang tồn tại trong tự nhiên, đang bị đe dọa nghiêm trọng và có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Theo thống kê, hổ Việt Nam phân bố chủ yếu dọc biên giới với Lào, Campuchia nên được xem là tài sản chung của ba nước Đông Dương. Hiện nay hổ chỉ phân bố ở một số nơi, những điểm này không liền nhau. Có những quần thể hổ hiện chỉ còn tồn tại 1-5 con. Ở nhiều khu, chỉ còn thống kê số lượng hổ trên giấy tờ.

Hiện nay, một số khu vực tiềm năng còn nhiều hổ như Tây Nghệ An, Bắc Thanh Hóa, Trung Trường Sơn (dọc theo biên giới với Lào, Campuchia), Tây Nguyên, Bình Phước.

Ông Barney Long, đại diện cho nhóm hỗ trợ kỹ thuật của sáng kiến toàn cầu về bảo tồn hổ (GTI) do Ngân hàng Thế giới, Quỹ môi trường toàn cầu và các quốc gia có hổ phân bố khởi xướng năm 2008 cho biết, hổ là một trong những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng cao. Trong thế kỷ XX, số lượng đã giảm từ 100.000 xuống còn 3.500 con.

Ở Việt Nam, những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn tại của hổ trong tự nhiên là do săn bắt, rừng tự nhiên bị suy thoái làm mất sinh cảnh sống của hổ, con mồi chính của hổ là thú móng guốc (hươu, nai) bị suy giảm.

Một nguyên nhân khác, theo ông Hiệp, chính là những thói quen sử dụng các sản phẩm từ hổ và tín ngưỡng về hổ của người Việt Nam nói riêng, người châu Á nói chung cũng là một mối đe dọa lớn với sự tồn tại của hổ trong tự nhiên.

Bởi hiện nay vẫn có nhiều người tin rằng các chế phẩm từ hổ có nhiều giá trị bồi bổ sức khỏe, sinh lý, nhiều người vẫn đi tìm răng nanh của hổ để đeo vào người mong tránh được tà ma, điềm gở... Nếu không có những động thái bảo tồn mạnh mẽ, nguy cơ loài hổ sẽ biến mất khỏi tự nhiên ở Việt Nam.

Xác lập 5 khu ưu tiên bảo tồn hổ


Với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã và đang có những hành động thiết thực để bảo vệ, bảo tồn quần thể hổ tại Việt Nam cũng như bảo tồn các loài hổ trên thế giới.

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động điều phối và thực hiện các hiệp ước về đa dạng sinh học ở Việt Nam, các sáng kiến quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, trong đó có GTI.

Trước đòi hỏi bức bách về bảo tồn hổ ở Việt Nam, việc cần làm ngay là xác lập 5 khu ưu tiên bảo tồn hổ và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tại các khu vực đó.

Đó cũng là nội dung đầu tiên trong 5 hợp phần của Chương trình quốc gia về phục hồi và phát triển quần thể hổ của Việt Nam đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các chuyên gia quốc tế xây dựng.

Vùng ưu tiên đầu tiên là khu rừng khô đồng bằng phía Đông, bao gồm Lâm trường Đắk Nam, Vườn quốc gia Yok Đôn, lâm trường Cu Jut, lâm trường Ya Lốp và khu bảo tồn thiên nhiên Chư Prông.

Vùng thứ hai là Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước). Vùng ưu tiên thứ 3 là Vườn quốc gia Chư Mon Ray (và rừng ở huyện Sa Thầy - Kon Tum). Vùng thứ tư là khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Quảng Nam). Vùng thứ năm là một số khu vực khác.

Vườn quốc gia Yok Đôn được xác định là khu vực “điểm” trong bảo tồn hổ được đặt dưới sự quản lý và phối hợp giữa kiểm lâm, bộ đội biên phòng và tổ chức phi chính phủ.

Để đảm bảo 5 khu ưu tiên không bị xâm phạm, Việt Nam cần xây dựng kế hoạch tái định cư cho người dân sinh sống trong khu bảo tồn hổ và tại các vùng đệm hành lang quan trọng giữa các khu bảo tồn. Tiếp theo, phải đảm bảo cơ chế tài chính bền vững cho các khu bảo vệ hành lang sinh cảnh hổ.

Trong Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về hổ tổ chức tại Nga vào tháng 9/2010 tới đây, Việt Nam với tư cách là một trong những nước còn hổ sinh sống sẽ chia sẻ với thế giới về chương trình hành động cụ thể của mình./.

Mạnh Minh (Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục