Hờ hững với thương hiệu

Nông sản Việt vẫn đang hờ hững với thương hiệu

Các nhà quản lý nhấn mạnh hiểu quá trình xây dựng thương hiệu là cách tốt nhất để bảo vệ, nâng cao giá trị thương hiệu nông sản VN.
Hiểu quá trình xây dựng thương hiệu là cách tốt nhất để bảo vệ thương hiệu. Đây là nội dung được các chuyên gia, các nhà quản lý nhấn mạnh tại hội thảo các nhà khoa học trong việc bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam vừa qua.

Đăng ký bảo hộ nhưng vẫn hờ hững với thương hiệu

Ông Nguyễn Văn Bảy, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ, cảnh báo việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nông sản Việt Nam hiện đang được thực hiện theo phong trào mà chưa chú trọng xem  có thực sự đem lại lợi ích hay không? Điều này được minh chứng qua câu chuyện mà ông Nguyễn Ngọc Loãn, Phó Chủ tịch huyện Thanh Hà, Hải Dương, khi ông phàn nàn về việc vải Thanh Hà đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý cách đây gần chục năm nhưng thực sự điều này vẫn chưa đem lại lợi ích là bao cho vải Thanh Hà.

Cái khó đầu tiên phải kể đến chính là ý thức của người dân. Mặc dù đã hình thành Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, song vẫn ít người dân quan tâm. Do vậy, dù đã thành lập được gần bốn năm, đến nay Hiệp hội mới có 350 hội viên, quản lý 49ha vải trên hơn 5.000ha vải thiều của cả huyện. Các hoạt động quảng bá tuyên truyền cho thương hiệu này hầu như do các cấp các ngành trong tỉnh và một số tổ chức nước ngoài tài trợ, thậm chí khi nhãn hiệu, logo gắn liền với chỉ dẫn địa lý Thanh Hà là dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết phân biệt đã được bảo hộ nhưng trớ trêu là nhiều thành viên trong Hiệp hội bỏ qua công đoạn này.

Trong khi đó, nhiều loại vải có nguồn gốc từ Thái Nguyên, Hưng Yên, Hà Giang... thậm chí là cả Trung Quốc lại gắn mác vải Thanh Hà và đem bán trên chính mảnh đất Thanh Hà, làm ảnh hưởng không nhỏ đến loại đặc sản chính gốc của vùng đất này.

Thực trạng quả vải Thanh Hà không phải là ngoại lệ mà trước đó đã có bài học từ chè Thái Nguyên, nước mắm Phú Quốc...

Lý giải về điều này, tiến sỹ Trần Việt Hùng, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khẳng định đó là tình trạng hờ hững với thương hiệu nông sản Việt Nam dù nguy cơ bị “tấn công” ngày càng rõ rệt. Sự "tấn công" này hết sức nguy hiểm, làm ảnh hưởng nặng nề tới cả người trồng nông sản và người tiêu dùng nông sản.

Đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc mất thương hiệu và gần đây nhất là vụ thương hiệu càphê Buôn Mê Thuột bị một doang nghiệp nước ngoài đăng ký.

Tiến sỹ Phạm Văn Tân, Phó tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng chia sẻ: "Thương hiệu các nông sản nổi tiếng của Việt Nam đang là tài sản được nhiều đối tượng khai thác triệt để và mang lại tiền bạc cho không ít người. Tôi rất ngạc nhiên khi sang Quảng Đông, vải ở đây trồng bạt ngàn, nhiều không kém những vùng trồng vải của Việt Nam. Song, ngạc nhiên hơn là vải dù được trồng ở Trung Quốc nhưng vẫn được bán dưới thương hiệu Thanh Hà hay Lục Ngạn... Điều này cho thấy, thương hiệu nông sản nổi tiếng gắn với vùng địa lý đang ngày càng có giá. Chính vì thế, nếu chúng ta không có biện pháp bảo vệ thương hiệu thì nguy cơ ảnh hưởng đến kinh tế là rất lớn."

Thương hiệu không chỉ là nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý

Tiến sỹ Tạ Quang Minh , Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết trong các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam, chúng ta chỉ tìm thấy các thuật ngữ “nhãn hiệu”, “chỉ dẫn địa lý”…. không tìm thấy thuật ngữ “thương hiệu.” Vì vậy, việc hiểu đồng nhất, sử dụng đồng nhất thuật ngữ “thương hiệu” với các thuật ngữ “nhãn hiệu” hay “chỉ dẫn địa lý” sẽ gây ra nhữnng hiểu lầm về sự việc mà chúng ta nói tới.

Từ việc một nhãn hiệu, một chỉ dẫn địa lý của Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài sử dụng để đăng ký nhãn hiệu, chỉ có thể nói là nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý của chúng ta bị “mất” (do bị người khác “lấy” để đăng ký thành nhãn hiệu của họ) mà không thể nói là thương hiệu của chúng ta bị “mất.”

Tuy nhiên, vì thương hiệu được xây dựng trên cơ sở một nhãn hiệu hay một chỉ dẫn địa lý nên việc nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý bị “mất” có thể gây ra nguy cơ mất thương hiệu, mất những gì chúng ta đã đạt được từ việc đầu tư xây dựng thương hiệu.

Một nguyên tắc cơ bản của bảo hộ sở hữu trí tuệ mà tiến sỹ Tạ Quang Minh nhấn mạnh là nguyên tắc bảo hộ theo lãnh thổ, các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu của Việt Nam đăng ký ở Việt Nam thì chỉ được bảo hộ ở Việt Nam, không được bảo hộ ở lãnh thổ nước khác.

Việc doanh nghiệp Việt Nam đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của mình ở Việt Nam chỉ có nghĩa là doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam là chủ sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó ở Việt Nam (theo nguyên tắc bảo hộ theo lãnh thổ) và trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó chứ không đương nhiên là chủ sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó ở nước ngoài.

Doanh nghiệp Việt Nam không đăng ký ở một nước đồng nghĩa với khả năng nhãn hiệu/chỉ dẫn địa lý của doanh nghiệp đó có thể bị đăng ký bởi một doanh nghiệp nước đó. Họ có thể trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu, có độc quyền sử dụng nhãn hiệu đã được đăng ký, có quyền cấm các doanh nghiệp khác (kể cả doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam là chủ sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam) sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm đã được đăng ký.

Song, điều mà rất nhiều chuyên gia đều nhấn mạnh, thương hiệu không chỉ đơn giản là một nhãn hiệu, một chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ. Thương hiệu phải được hiểu rộng hơn thế, là tất cả những gì mà doanh nghiệp đạt được (danh tiếng, uy tín, thị trường, sản phẩm…) trong cả quá trình xây dựng lâu dài.

Chính vì vậy, bảo hộ thương hiệu sản phẩm chỉ là bước đầu của quá trình xây dựng một thương hiệu có uy tín.

Ông Nghiêm Quốc Bảo, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam khẳng định, tài sản trí tuệ chỉ phát huy khi thực sự nhận thức được giá trị của nó.

Ttiến sỹ Trần Việt Hùng khẳng định cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng mới đảm bảo duy trì và đứng vững của một thương hiệu. Bên cạnh đó, cần nâng cao truyền thông cho người dân và cả cấp quản lý để xã hội hiểu hơn về vai trò, tác dụng của việc đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý…/.
Thu Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục