Hồ sơ nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi tiết lộ những gì?

Các bên liên quan đang sử dụng Khashoggi như một công cụ trong trò chơi chính trị-ngoại giao của mình để buộc tội lẫn nhau hơn là thực sự tìm nguyên nhân về cái chết của nhân vật này.
Hồ sơ nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi tiết lộ những gì? ảnh 1Saudi Arabia thừa nhận nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại trong lãnh sự quán nước này ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/10/2018. (Ảnh: Aljazeera)

Tuần báo The Arab Weekly vừa có bài phân tích về nhà báo Jamal Khashoggi - nhân vật đang được báo chí quốc tế tập trung đưa tin trong suốt mấy ngày vừa qua.

Ông Khashoggi mang quốc tịch Saudi Arabia và sinh sống tại Mỹ, bị mất tích từ ngày 2/10 sau khi vào tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo một số nguồn tin chưa được kiểm chứng, nhà báo Khashoggi trước đó từng viết bài chỉ trích việc chính quyền Saudi Arabia can dự vào tình hình chiến sự tại Yemen, do vậy nhiều khả năng nhà báo này đã bị sát hại bên trong tòa lãnh sự.

Theo The Arab Weekly, Lawrence Wright, tác giả của cuốn sách có tựa đề: “The Looming Tower: Al-Qaeda and the Road to 11/9”, có lẽ không thể tưởng tượng được rằng một trong những nhân vật mà ông đề cập trong cuốn sách này lại đang là tâm điểm của những tranh cãi chính trị và ngoại giao đang diễn ra hiện nay, thậm chí không hề “kém cạnh” so với nhân vật chính Osama Bin Laden trong cuốn sách của ông.

Tác phẩm của Lawrence Wright đã được chuyển thể thành phim tài liệu nhiều tập được phát sóng trên truyền hình với cùng tựa đề với nội dung kể về các cuộc tấn công khét tiếng của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda ở New York và Washington (Mỹ).

Trong cuốn sách của mình, tác giả Lawrence Wright đã đề cập tới một người bạn gần gũi của Bin Laden, người đã chia sẻ tham vọng sau cùng nhằm “thiết lập một nhà nước Hồi giáo ở bất kỳ đâu.”

Người bạn đó chính là Jamal Khashoggi. Cả Bin Laden và Khashoggi từng là những thành viên tích cực của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và sau đó Bin Laden tách khỏi MB và cùng với Abdullah Azzam thành lập Al-Qaeda, tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới.

Khashoggi, Bin Laden, và Azzam đều là “những chiến hữu” cùng trong hàng ngũ MB.

Ở trang 78 của cuốn sách, Wright dẫn phát biểu của Khashoggi khẳng định ông ta và Bin Laden tin rằng “nhà nước Hồi giáo đầu tiên sẽ dẫn tới một nhà nước khác nữa, và đó sẽ là hiệu ứng domino có thể đảo ngược lịch sử của nhân loại.”

Hiện nay, cả thế giới đang “nháo nhác” theo dõi những thông tin liên quan tới cái chết của Khashoggi. Nhưng ít ai biết về quá khứ của nhà báo đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền ở Saudi Arabia này cũng như mối quan hệ giữa ông ta với tổ chức Al-Qaeda trong cuộc chiến ở Afghanistan.

[Giám đốc CIA có thể đã đến Thổ Nhĩ Kỳ điều tra vụ sát hại nhà báo]

Ngày 4/5/1988, nhật báo Arab News của Saudi Arabia đã đăng một bài viết của Jamal Khashoggi về chuyến đi của ông ta tới Afghanistan cùng với các thành viên Al-Qaeda.

Mặc dù vậy lúc ấy Khashoggi chỉ với vai trò một nhà báo nhưng những hình ảnh được công bố cùng với bài viết cho thấy ông ta mặc quần áo, quấn khăn trên đầu và mang tên lửa vác vai RPG giống như một phiến quân Hồi giáo.

Những hình ảnh này đã được The Arab Weekly thu thập và công cố. Bài viết của Khashoggi có cả nội dung phỏng vấn Bin Laden và một số thành viên sáng lập khác của Al-Qaeda.

Bài viết của Khashoggi trên báo Arab News có nhan đề là “Thanh niên Arab kề vai sát cánh cùng Mujahedeen (lực lượng phiến quân Hồi giáo)” đã mô tả chi tiết các hoạt động của những thành viên sáng lập của Al-Qaeda ở Pakistan trong giai đoạn quan trọng của chiến dịch ở Afghanistan.

Một chuyên gia Arab chuyên nghiên cứu về các vấn đề liên quan tới những phần tử thánh chiến yêu cầu giấu tên cho biết: “Jamal Khashoggi đã quên rằng việc tham gia lực lượng phiến quân Arab Hồi giáo bên cạnh lực lượng phiến quân Hồi giáo ở Afghanistan chỉ là một phần của một “trò chơi” do CIA điều khiển từ đầu đến cuối.”

Nguồn tin này tiết lộ: “Jamal Khashoggi rốt cuộc là một nhân viên tình báo đội lốt nhà báo. Nếu ông ấy không còn sống, ông ấy chính là nạn nhân của một trò chơi nơi mà các cơ quan báo chí và tình báo luôn có “sự hòa nhập lẫn nhau” và điều mà ông ta không bao giờ có thể tưởng tượng được, sẽ có ngày nó lại làm hại chính bản thân.”

Nhà báo Khashoggi từng có thời gian cộng tác với báo Washington Post (Mỹ), từng nhiều lần thể hiện quan điểm bất đồng với chính phủ Saudi Arabi.

Năm 2017, Khashoggi đến Mỹ sống lưu vong do lo sợ bị trả thù.

Từ năm 1991 đến 1999, ông là phóng viên nước ngoài hoạt động ở các nước như Afghanistan, Algeria, Kuwait, Sudan và Trung Đông.

Có thông tin cho rằng Khashoggi làm việc cho cả Cơ quan Tình báo Saudi Arabia và tình báo Mỹ ở Afghanistan.

Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng biên tập của Arab News - tờ báo tiếng Anh hàng đầu của Saudi Arabia - và giữ chức vụ này từ năm 1999 đến năm 2003.

Giới quan sát cho rằng cái chết của Khashoggi, nếu được cơ quan chức năng chính thức xác nhận, sẽ chìm trong bức màn đen bí ẩn và khó được làm sáng tỏ trong nay mai.

Các bên liên quan đang sử dụng Khashoggi như một công cụ trong trò chơi chính trị-ngoại giao của mình để buộc tội, chỉ trích lẫn nhau hơn là thực sự đi tìm nguyên nhân về cái chết bất thường của nhân vật bí ẩn này.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục