Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động là F0, F1, F2

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn cơ sở chủ động đánh giá nguy cơ rủi ro lây nhiễm dịch và kịp thời triển khai các chương trình hỗ trợ cho công nhân lao động là F0, F1, F2.
Các khu công nghiệp kích hoạt phòng, chống COVID-19 ở mức độ cao nhất. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Các khu công nghiệp kích hoạt phòng, chống COVID-19 ở mức độ cao nhất. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Cả nước có hơn 32.000 công nhân lao động là F1, F2 đang bị cách ly, không có việc làm, thu nhập giảm sút nghiêm trọng, cuộc sống hết sức khó khăn. Do đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đang gấp rút triển khai các chương trình hỗ trợ bằng tiền mặt, chăm lo đời sống... để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người lao động. 

Hơn 32.000 công nhân lao động phải nghỉ việc

Báo cáo nhanh tình hình tham gia phòng chống dịch của các cấp công đoàn, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết hiện nay tình hình dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp đang diễn biến hết sức phức tạp. Theo báo cáo từ các cấp công đoàn, đến 20 giờ ngày 16/5 đã có 366 ca dương tính là công nhân lao động các doanh nghiệp và khu công nghiệp tại 6 tỉnh, thành phố: Bắc Giang 310 ca; Đà Nẵng 36 ca; Bắc Ninh 11 ca; Hà Nội 7 ca; Hưng Yên 1 ca và Phú Thọ 1 ca.

Ngoài 366 công nhân lao động nhiễm COVID-19, hiện nay còn có hơn 5.500 công nhân lao động là F1 và hơn 26.500 công nhân lao động là F2. Như vậy, có hơn 32.000 công nhân lao động đang tạm thời phải nghỉ việc để cách ly vì COVID-19.

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động là F0, F1, F2 ảnh 1

Đợt dịch lần thứ 4 đã khiến cho 10 bệnh viện phải phong tỏa, cách ly để kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến số đối tượng là bác sỹ, nhân viên y tế, cán bộ, công nhân viên chức có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 tăng cao. Theo báo cáo của công đoàn ngành tế, hiện có trên 10 bác sỹ, nhân viên y tế bị dương tính với Sars-CoV-2.

Tại Bắc Giang, công nhân lao động nhiễm COVID-19 chủ yếu nằm trong hai khu công nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Bắc-Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, tỉnh có 4.260 công nhân lao động là F1 đang cách ly tập trung và 17.592 công nhân lao động là F2 tự cách ly tại nhà.

Đến nay, toàn tỉnh có 55 doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19, có 299 công nhân lao động phải nghỉ việc do 3 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động vì hết nguyên liệu; gần 45.000 công nhân lao động của 52 doanh nghiệp phải nghỉ việc do cách ly và doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động liên quan đến dịch COVID-19.

Còn tại tỉnh Bắc Ninh, số công nhân lao động F0 có 11 ca; số công nhân lao động là F1 là 407 người, F2 có 3.506 người. Bà Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh cho biết hiện nay nhiều doanh nghiệp tại tỉnh phải cắt giảm việc làm, thậm chí một số doanh nghiệp phải dừng sản xuất. Công nhân lao động ngoại tỉnh phải cách ly y tế, không có việc làm, thu nhập giảm sút nghiêm trọng, cuộc sống hết sức khó khăn.

Kịp thời có cơ chế hỗ trợ công nhân

Ông Nguyễn Văn Bắc cho biết đối với người lao động phải cách ly, không đến công ty đi làm được do quy định của địa phương, công đoàn cơ sở tại Bắc Giang đã tham gia để doanh nghiệp thực hiện chi trả 70% lương hoặc áp dụng tính ngày nghỉ phép năm để đảm bảo thu nhập của người lao động không thấp hơn lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật.

Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đề nghị Tổng Liên đoàn chỉ đạo và sớm ban hành hướng dẫn về công tác chăm lo cho công nhân lao động, giáo viên phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch để họ yên tâm, đảm bảo cuộc sống; có cơ chế hỗ trợ, bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn chuyên trách tham gia phòng, chống dịch.

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động là F0, F1, F2 ảnh 2Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Nguyễn Thị Vân Hà cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn từ nguồn tài chính công đoàn thuộc diện F0 từ 3-5 triệu đồng/người; F1 1 triệu đồng/người; đối với công nhân lao động ngoại tỉnh thuộc 2 đối tượng: F2 và thuê trọ trong các khu dân cư bị phong tỏa y tế tối thiểu 5 kg gạo/người.

Đặc biệt, hiện nay người lao động khi phải cách ly bị giảm thu nhập nghiêm trọng, phải chi trả tiền ăn, tiền xét nghiệm… do đó Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh đề nghị Tổng Liên đoàn đề xuất với Chính phủ quy định về việc chi trả chế độ cho người lao động khi phải cách ly theo quy định. Cùng với đó, Tổng Liên đoàn cần có cơ chế hỗ trợ cán bộ công đoàn trực tiếp tham gia, thường xuyên tiếp xúc, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp, hỗ trợ công nhân, lao động phòng chống dịch COVID-19, nhất là trong các trường hợp phải cách ly, nhiễm bệnh, điều trị...

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn chủ động vận dụng các chính sách đã có để hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động, kể cả ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng sẽ sớm ban hành cơ chế hỗ trợ kịp thời cho người lao động.

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, việc bảo vệ an toàn cho người lao động trước dịch bệnh COVID-19 không chỉ đảm bảo sức khỏe cho người lao động mà còn giúp ổn định tình hình sản xuất, có nguồn nhân lực để các hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra bình thường, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn cơ sở tiếp tục phối hợp cùng người sử dụng lao động rà soát, đánh giá nguy cơ rủi ro lây nhiễm dịch tại doanh nghiệp và xây dựng phương án, kế hoạch ứng phó khi có ca dương tính. Công đoàn cơ sở kiến nghị các doanh nghiệp (có các trường hợp F1, F2 phải nghỉ việc) đảm bảo duy trì thu nhập, hỗ trợ các F1 phải cách ly tập trung tiền ăn.

Đặc biệt những trường hợp là công nhân lao động ngoại tỉnh có con nhỏ phải nghỉ học, doanh nghiệp cần tạo điều kiện làm việc luân phiên, ca kíp hợp lý hoặc hỗ trợ một phần kinh phí gửi con. Công đàn đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất, bố trí làm việc theo ca, kíp, đảm bảo mọi người lao động đều có việc làm, ổn định thu nhập, duy trì cuộc sống, tuyệt đối không chấm dứt hợp đồng, cho thôi việc để đảm bảo ổn định quan hệ lao động trong thời gian xảy ra dịch.

Phòng dịch để duy trì sản xuất

Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc hỗ trợ lao động là F0, F1, F2, tổ chức công đoàn tại các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch bệnh xâm nhập vào các nhà máy, duy trì sản xuất.

100% công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Bắc Giang đã phối hợp vởi chủ doanh nghiệp đã thành lập tổ tuyên truyền tới đoàn viên, người lao động về phòng chống dịch; người lao động chấp hành đeo khẩu trang y tế, rửa tay sát khuẩn. Công đoàn cũng tiến hành khử trùng tại nơi làm việc, nhà ăn, xe đưa đón công nhân…

Ông Hà Minh Vỹ, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết tổ chức công đoàn dõi sát tình hình và phối hợp với Tổ kiểm tra, giám sát liên ngành trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nắm bắt người lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, kịp thời đưa các trường hợp bị áp dụng biện pháp cách ly y tế về địa điểm cách ly theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Electric Motorcycle Yadea Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết tại công ty tổ chức công đoàn kết hợp các phòng, ban của công ty nhắc nhở công nhân lao động tuân thủ chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, không tập trung đông người, thực hiện đầy đủ khuyến cáo 5K.

“Trong khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, công đoàn công ty xác định làm tốt công tác phòng chống dịch chính là cách chăm lo hiệu quả và thiết thực nhất cho người lao động. Bởi nếu dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, người lao động phải tạm nghỉ việc thì sẽ mất thu nhập, đời sống chắc chắn gặp nhiều khó khăn," ông Bắc chia sẻ.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, sự phối hợp giữa công ty và tổ chức công đoàn trong công tác phòng chống dịch, không để dịch bệnh xâm nhập vào doanh nghiệp đã góp phần bảo vệ người lao động, duy trì sản xuất trong bối cảnh đại dịch./.

Đồng hành cùng người lao động, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định dành kinh phí trên 1,5 tỷ đồng để tổ chức một số đợt thăm hỏi, động viên tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dự kiến 1.550 suất với trị giá 1 triệu đồng/suất.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng dành kinh phí 1 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ, công nhân, viên chức của 10 bệnh viện đang bị cách ly phong tỏa mỗi đơn vị 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói về các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 của các cấp công đoàn.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục