Hỗ trợ của Mỹ là chưa đủ

Hỗ trợ của Mỹ với nạn nhân dioxin VN là chưa đủ

Theo nhiều chuyên gia, nhà báo Mỹ, hỗ trợ của Mỹ dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là "chưa đủ" và "mới ở mức tối thiểu".
Nhiều chuyên gia, nhà báo Mỹ tham dự hội thảo về tác động của chất độc da cam/dioxin diễn ra ngày 6/1 tại thủ đô Washington, Mỹ cho rằng sự hỗ trợ của phía Mỹ trong những năm gần đây dành cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Việt Nam là "chưa đủ" và "mới ở mức tối thiểu".

Đây là hội thảo do "Nguyệt san Washington" - tạp chí nổi tiếng của Mỹ, phối hợp với tổ chức phi chính phủ Quỹ Nước Mỹ Mới chủ trì, thu hút sự tham dự của gần 100 học giả, nhà nghiên cứu, nhà báo và các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Washington, ông Paul Glastris, Tổng biên tập "Nguyệt san Washington", nêu rõ vấn đề chất độc da cam/dioxin "không bao giờ thực sự mất đi" và chất độc này vẫn là mối đe dọa sinh mạng nhiều người dân Việt Nam, không chỉ những người trực tiếp bị nhiễm trong chiến tranh mà cả thế hệ con cháu họ.

Ông cho rằng sự hợp tác của phía Mỹ với Việt Nam thời gian qua trong việc xử lý hậu quả của chất độc da cam/dioxin mới chỉ là "bước đi đầu tiên" và hai nước cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tiến trình này.

Ngoài ra, Tổng biên tập Paul Glastris cũng cho biết vấn đề chất độc da cam/dioxin là chủ đề trong số đặc biệt của "Nguyệt san Washington" ra tháng 1 và 2/2010, với các bài nêu bật những bước phát triển mới nhất liên quan tới vấn đề này cũng như lật lại vấn đề đáng ra phải làm từ nhiều năm trước, đó là viện trợ nhân đạo cho Việt Nam, cho những người chịu hậu quả của chất độc da cam/dioxin cũng như dành sự chăm sóc cho các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam.

Trong khi đó, tiến sĩ Michael F. Martin, chuyên gia về các vấn đề châu Á thuộc Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, người đã từng nhiều lần tới Việt Nam để nghiên cứu vấn đề chất độc da cam/dioxin, cũng chia sẻ nhận định của ông Glastris rằng sự hỗ trợ của phía Mỹ đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là "chưa đủ".

Theo ông, Chính quyền Mỹ cần cấp thêm tài trợ cho Việt Nam để giải quyết những hậu quả lâu dài của chất độc này và cũng cho biết một số Nghị sỹ Mỹ mong muốn đẩy mạnh hơn nữa việc giải quyết vấn đề chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam trong thời gian tới.

Tán đồng quan điểm này, ông Alan B. Oates, Chủ tịch của Tổ chức phi lợi nhuận Cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, cho rằng Chính phủ Mỹ chưa quan tâm thỏa đáng đến việc giải quyết các hậu quả của chất độc da cam/dioxin gây cho người dân Việt Nam, đặc biệt quan tâm chăm sóc các nạn nhân. Ông cũng gửi lời xin lỗi tới các nạn nhân Việt Nam.

Về sự phối hợp của Việt Nam với Mỹ trong việc giải quyết vấn đề chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, ông Charles Bailey, Giám đốc Quĩ Ford, cho rằng Chính phủ hai nước đã tích cực hợp tác trong thời gian gần đây để tìm giải pháp cho những người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, cũng như tẩy độc các khu vực bị nhiễm độc tại Việt Nam.

Theo ông, quá trình hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này mới chỉ bắt đầu và lãnh đạo hai bên phải làm nhiều hơn nữa.

Ông Rick Weidman, Giám đốc Điều hành phụ trách Các vấn đề liên quan tới chính sách và chính phủ của Tổ chức Cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, nêu rõ nỗi lo lớn nhất của các cựu binh Mỹ là chất độc da cam/dioxin không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ mà còn tác động đến con cháu và những thế hệ sau này.

Nhiều chuyên gia tham dự hội thảo đã nêu ra những con số nghiên cứu mới về ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam và một số nước trên thế giới.

Theo họ, đến nay vấn đề này vẫn chưa được quan tâm, xử lý thỏa đáng và hội thảo có ý nghĩa lớn vì nó góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về tác hại của chất độc da cam/dioxin./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục