Hỗ trợ đồng bộ, nông dân mới tôn trọng quy hoạch

Theo Phó Cục trưởng Cục chế biến thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Đoàn Xuân Hòa, chìa khóa để tỉnh miền núi phía Bắc sản xuất bền vững, phát triển kinh tế là cần nhanh chóng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến.

Trong đó, cần quan tâm đến những lợi thế về điều kiện tự nhiên, sơ chế, chế biến lâm sản phù hợp như giấy, ván nhân tạo, lâm sản ngoài gỗ... đặc biệt là phải có chương trình hỗ trợ đồng bộ để người nông dân tôn trọng quy hoạch nuôi trồng nông lâm thủy sản, yên tâm và giữ vững những quy hoạch ấy.

Theo Phó Cục trưởng Cục chế biến thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Đoàn Xuân Hòa thì các tỉnh miền núi của nước ta có những ưu thế lớn về đất đai, khí hậu để phát triển trồng rừng, trồng cây công nghiệp như chè, cà phê, mía; cây ăn quả gồm cam, táo, lê, mận, đào; các loại cây ngô, đậu tương, lạc trồng ngắn ngày, chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy sản.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Xuân Hòa xoay quanh chuyên đề phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản gắn liền với phát triển vùng nguyên liệu bền vững.

- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng chế biến nông lâm sản ở các tỉnh miền núi?

Ông Đoàn Xuân Hòa: Qua khảo sát và nghiên cứu cho thấy, các địa phương trong vùng đều đã tiến hành quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng tỷ trọng cây công nghiệp, cây ăn quả, đẩy mạnh việc trồng một số cây thay thế nhập khẩu có giá trị kinh tế cao.

Nhiều giống mới được đưa vào sản xuất đã đưa hệ số sử dụng đất tăng từ 1,3 đến 1,8 lần/năm, tạo ra sự thay đổi cơ bản về trình độ thâm canh cho bà con nông dân.

Bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất nông sản, hàng hóa tập trung như chăn nuôi ở Sơn La với gần 7.000 con bò sữa, đạt sản lượng 20.000 tấn sữa/năm. Hàng chục vạn con trâu, bò thịt ở các tỉnh trong vùng.

Vùng sản xuất mía đường có quy mô khá lớn ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Tuyên Quang..., gồm 11 nhà máy, tổng công suất ép trên 32.400 tấn mía/ngày.

Vùng sản xuất chè tập trung ở Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Nghệ An với khoảng 100.000 héc-ta, chiếm trên 70% diện tích chè cả nước với 209 cơ sở chế biến, tổng công suất gần 77.420 tấn búp tươi/ngày.

Vùng cà phê Arabica ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên.

- Sản xuất nông nghiệp còn thiếu bền vững, phân tán, đây có phải là nguyên nhân dẫn tới tình trạng chưa thoát ra khỏi phương thức sản xuất tự cung tự cấp ở các địa phương này?

Ông Đoàn Xuân Hòa: Nhận định này là có cơ sở, bởi lẽ phần lớn các địa phương miền núi vẫn chưa khai thác hết lợi thế về tiềm năng đất đai. Trong khi đó chi phí sản xuất lớn. Giá trị sản xuất trên 1 héc-ta đất nông nghiệp bình quân còn quá thấp, mới đạt khoảng trên dưới 10 triệu đồng/héc-ta.

Bên cạnh đó, đặc điểm địa hình chia cắt, núi cao, vực sâu cũng dẫn tới việc xói mòn, rửa trôi lượng mùn trong đất khiến cho năng suất cây trồng bị giảm nhiều qua từng năm.

Tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp còn chưa phát triển, việc áp dụng máy móc, thiết bị vào các khâu trước, trong và sau thu hoạch ở các tỉnh mới chỉ dừng ở mức mô hình mà chưa nhân ra diện rộng.

Ngoại trừ một số ít doanh nghiệp sản xuất mía đường ở Lam Sơn (Thanh Hóa), chế biến sữa ở Mộc Châu (Sơn La), chế biến cà phê Thái Hòa (Sơn La), chè ô long, chè shan tuyết (Yên Bái) được đầu tư, còn lại đa phần các dây chuyền chế biến nông sản hàng hóa khác ở các địa phương miền núi vẫn tỏ ra chậm chạp trong việc đổi mới công nghệ và thiết bị, sức cạnh tranh của nông sản chế biến còn thấp. Một số doanh nghiệp chế biến nông sản thua lỗ kéo dài, giá cả không ổn định.

Hầu hết nông sản do người nông dân ở các tỉnh miền núi làm ra chủ yếu là sản phẩm thô, chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế. Sản phẩm tinh chế chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Nhiều lĩnh vực chế biến nông, lâm sản có tiềm năng phát triển nhưng chưa được chú trọng xây dựng như chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến thịt, bảo quản và sơ chế rau, củ, quả; chế biến gỗ rừng trồng... Điều này cho thấy, việc chuyển dịch nông nghiệp sang phát triển công nghiệp chế biến trong vùng còn hạn chế cần khắc phục thời gian tới.

- Vậy lời giải nào để giải quyết bài toán này, theo ông?

Ông Đoàn Xuân Hòa: Cần tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến quy mô vừa và nhỏ với công nghệ tiên tiến, hướng tới mục tiêu đạt giá trị gia tăng từ 30-50% đối với từng loại nông sản hàng hóa trong vòng 10 năm tới (2011-2020).

Đối với cây chè, bố trí cơ cấu sản phẩm hợp lý gồm 50% chè đen, 50% chè xanh. Đầu tư hiện đại hóa các dây chuyền công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tăng cường khâu phối trộn hương liệu, bao gói, xây dựng tiêu chuẩn thương hiệu, tăng tỷ lệ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chè thương phẩm.

Đối với cây mía đường, ổn định diện tích đảm bảo vùng liền khoảnh, tập trung giải quyết tốt giống mía, nâng thu nhập của nông dân trên mỗi héc-ta canh tác, tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến với nông dân.

Đối với cây cà phê, khai thác tiềm năng cà phê ở vùng Tây Bắc, chủ yếu ở hai tỉnh Sơn La và Điện Biên theo hướng nâng cao chất lượng, hướng vào phân khúc có lợi nhuận cao của thị trường cà phê thế giới, tạo sự đột phá về công nghệ chế biến và thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân. Tập đoàn sản xuất cà phê Thái Hòa (Sơn La) cần sớm hoàn thành việc đầu tư một nhà máy chế biến có công suất 30.000 tấn cà phê nhân/năm, sử dụng công nghệ chế biến ướt của Pinhanense (Brazil) từ nguồn vốn ODA để có thể chế biến cà phê chè chất lượng cao.

Đối với rau quả, áp dụng khoa học công nghệ, kéo dài thời gian bảo quản, thực hiện phương án tiêu thụ rau quả tươi là chủ yếu. Nghiên cứu, chuyển giao các dây chuyền chế biến tiên tiến để giữ được chất lượng sản phẩm.

Chế biến thức ăn chăn nuôi cần đầu tư thêm các cơ sở sản xuất thức ăn cho đại gia súc (nhất là đối với bò sữa, bò lai sin) công suất từ 10.000 đến 30.000 tấn/năm.

Chế biến sữa, hiện giờ năng suất, sản lượng sữa của đàn bò sữa Mộc Châu đang cao nhất cả nước. Nếu bình quân cả nước đạt 3,6 tấn sữa/chu kỳ/con thì đàn bò sữa Mộc Châu đã đạt 5,8 tấn sữa/chu kỳ/con. Vì vậy sắp tới cần nhân rộng mô hình chăn nuôi này, liên kết với các địa phương khác trong cả nước, đồng thời đầu tư, nâng công suất nhà máy sữa từ 40 tấn/ngày lên 100 tấn/ngày để cho ra đời những sản phẩm sữa chất lượng cao, phục vụ tốt hơn người tiêu dùng trong nước.

Nâng cao chất lượng xay xát, tăng tỷ lệ gạo nguyên, xây dựng thương hiệu bền vững cho mặt hàng gạo đặc sản Điện Biên.

Chế biến cao su cần tập trung xây dựng các nhà máy chế biến với quy mô khoảng 6.000 tấn mủ cao su khô/năm ở địa bàn các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu.

Phát triển công nghiệp chế biến lâm sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu, trong đó quan tâm đến những lợi thế về điều kiện tự nhiên, sơ chế, chế biến lâm sản phù hợp như giấy, ván nhân tạo, lâm sản ngoài gỗ...

- Đầu tư vào những vùng khó khăn luôn tạo cho doanh nghiệp tâm lý e ngại, vậy làm sao để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

Ông Đoàn Xuân Hòa: Tôi cho rằng cần phải có sự liên kết, đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp, từ đó có sự tác động rõ nét của doanh nghiệp đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Nếu không có doanh nghiệp tác động vào, thì bản thân hình thái tổ chức sản xuất của nông dân cũng không thể phát huy được.

Làm sao để người nông dân tôn trọng đối với quy hoạch nuôi trồng nông lâm thủy sản của chúng ta, làm cho họ yên tâm và giữ vững những quy hoạch ấy thì không ai khác, doanh nghiệp phải nhúng tay vào. Cụ thể, doanh nghiệp có thể làm hợp đồng với nông dân, cho nông dân đóng góp cổ phần vào nhà máy thông qua quyền sử dụng đất của họ chẳng hạn.

Muốn đầu tư có hiệu quả, trước hết, vẫn là bản lĩnh của doanh nghiệp, có mục đích, môi trường đầu tư được chuẩn bị kỹ từ khâu lập dự án đến triển khai cụ thể theo từng bước đúng trình tự pháp luật quy định. Có thể, quá trình doanh nghiệp đầu tư ban đầu chưa được suôn sẻ ngay.

Về phía nhà nước cũng cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung những chính sách thu hút đầu tư nói chung, đầu tư vào những vùng còn gặp nhiều khó khăn nói riêng sao cho phù hợp với thực tiễn.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc sản xuất nông nghiệp theo đúng quy hoạch được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, tham quan các mô hình điểm. Vay vốn từ các tổ chức tín dụng với mức vốn vay 100% giá trị hàng hóa, hỗ trợ 100% lãi suất trong vòng 2 năm đầu. Từ năm thứ 3 hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay để mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất, xây dựng sân phơi theo Quyết định 63/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Tôi muốn nhấn mạnh ở đây về cái gọi là sự đồng bộ, từ sự ủng hộ của chính quyền địa phương, sự chung tay vào cuộc của các cơ quan, ban ngành chức năng. Ngân hàng cho vay vốn, địa phương giúp giải phóng mặt bằng, miễn thuế thu nhập cho doanh nghiệp một thời gian... những cái đó sẽ là nam châm mạnh để thu hút vốn đầu tư.

Xin cảm ơn ông./.

Vũ Anh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục